VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Phát triển năng lượng tái tạo đáp ứng an ninh năng lượng quốc gia

13/02/2020 - 255 Lượt xem

Đó là trao đổi của ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) với phóng viên TBTCVN.

PV: Có ý kiến cho rằng, năng lượng tái tạo (NLTT) không ổn định, thường làm gián đoạn quá trình cung cấp điện. Vậy đây có phải là hạn chế của loại năng lượng này và có gây khó khăn cho việc vận hành hệ thống điện, thưa ông?

Ông Hoàng Tiến Dũng: Các dạng phát điện sử dụng nguồn NLTT như điện gió, điện mặt trời là dạng nguồn phát điện với chi phí nhiên liệu bằng không, không gây ô nhiễm môi trường và là giải pháp chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh ưu điểm, các nguồn điện gió và mặt trời có những nhược điểm gây khó khăn cho việc vận hành hệ thống, như về ổn định hệ thống điện: Với đặc tính phát điện phụ thuộc nhiều vào điều kiện bức xạ mặt trời, tốc độ gió, sẽ có những thời điểm công suất phát từ các nguồn NLTT bị suy giảm hoặc mất hoàn toàn trên diện rộng. Nếu hệ thống không bù đắp được lượng công suất thiếu hụt đó, tần số hệ thống sẽ bị sụt giảm dẫn tới nguy cơ mất ổn định. Hơn nữa các nguồn NLTT thường cách ly với hệ thống qua bộ chuyển đổi nên không tham gia được vào quá trình giảm dao động của hệ thống, vì vậy hệ thống có nguy cơ mất ổn định và dao động nhiều hơn.

Còn về chất lượng điện năng, do thay đổi đột ngột công suất phát của các nguồn NLTT ảnh hưởng đến điện áp của hệ thống. Các nguồn NLTT sử dụng nhiều thiết bị điện tử công suất làm tăng độ biến dạng sóng hài có thể gây ảnh hưởng tới các hoạt động, độ chọn lọc, tính chính xác và phối hợp bảo vệ của các hệ thống rơ le bảo vệ và tự động trên hệ thống điện hoặc có thể gây ra cộng hưởng tần số với các thiết bị trong khu vực phạm vi đấu nối.

Về an ninh cung cấp điện, khi tỷ lệ thâm nhập của NLTT tăng lên (thay thế các nguồn truyền thống) thì yêu cầu về nguồn dự phòng cân bằng cũng phải tăng lên để đảm bảo an ninh cung cấp điện. Hơn nữa dù tỷ trọng công suất đặt của nguồn tái tạo tăng lên nhưng sản lượng cung ứng được cho hệ thống ở mức hạn chế nên khả năng đóng góp vào an ninh cung cấp điện không cao.

PV: Thời gian qua, số lượng dự án NLTT như điện gió, điện mặt trời đi vào hoạt động tăng nhanh, gây quá tải cho hệ thống truyền tải điện. Xin ông cho biết, Bộ Công thương đã có những giải pháp nào để giải quyết hiện trạng quá tải trên?

Ông Hoàng Tiến Dũng: Về giải pháp ngắn hạn, Bộ Công thương đã có văn bản số 7854/BCT-ĐL ngày 27/9/2018 trình và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung 15 công trình lưới điện truyền tải vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

 
 
Trong thời gian qua, cơ chế ưu đãi giá bán điện cố định của Chính phủ đã bước đầu tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào sản xuất điện NLTT như điện gió, điện mặt trời. Tính đến hết năm 2019, đã có khoảng gần 5.000 MW điện mặt trời và gần 500 MW điện gió được lắp đặt và đi vào vận hành. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy khả năng huy động nguồn lực tư nhân, khi Chính phủ có chính sách thu hút đầu tư hợp lý. Trong bối cảnh các nước OECD hạn chế cho vay đầu tư xây dựng nhà máy điện than, việc thu hút được lượng vốn đầu tư vào hạ tầng ngành điện, cụ thể là nguồn điện là một thành công đang kể.

ông dũng

Ông Hoàng Tiến Dũng

 

Ngoài danh mục các dự án lưới điện truyển tải nêu trên, Bộ Công thương đã phê duyệt danh mục các công trình lưới 110 kV cần thực hiện để giải tỏa công suất các nguồn NLTT trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Cùng với đó, Bộ Công thương đang liên tục đôn đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện nhằm giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời khu vực Ninh Thuận và lân cận.

Các trung tâm điều độ hệ thống điện cũng nghiên cứu các phương thức vận hành nguồn, lưới điện để có thể có phương thức tối ưu hấp thụ tối đa công suất phát của các nhà máy.

Bộ Công thương đang nghiên cứu đề xuất của EVN về việc xây dựng một số Trạm biến áp 220kV tạm với mục tiêu đưa vào vận hành trong quý II/2020 để giải tỏa công suất các nguồn điện mặt trời.

Công tác điều hành, đôn đốc các dự án điện theo quy hoạch cũng phải được thực hiện thường xuyên; có sự phối hợp hiệu quả, thực chất giữa các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các dự án.

Về lâu dài, Bộ Công thương đang thực hiện các nghiên cứu về giải tỏa công suất các nguồn điện NLTT (gió, mặt trời) cho các khu vực có tiềm năng lớn. Hiện tại đã có các kết quả bước đầu cho khu vực Tây Nam Bộ, tiến tới, sẽ có kết quả nghiên cứu của các khu vực còn lại. Ngoài ra, EVN cũng có các nghiên cứu tương tự cho khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.

Dựa trên các nghiên cứu này, Bộ Công thương sẽ khuyến nghị các giải pháp để đồng bộ tiến độ giữa nguồn và lưới điện giải tỏa công suất, tránh tình trạng xảy ra như hiện nay.

Trong công tác quy hoạch, nhất là Quy hoạch điện 8 cũng sẽ được nghiên cứu thực hiện bài bản hơn. Trong đó đề xuất rõ quy mô và tiến độ của nguồn và lưới điện. Trong trường hợp đánh giá lưới điện khu vực theo quy hoạch chưa đáp ứng được tiến độ so với nguồn điện thì chưa cho phép bổ sung các nguồn điện.

PV: Để phát triển NLTT hiệu quả và thu hút mạnh nhà đầu tư vào lĩnh vực này, Bộ Công thương đề ra chiến lược gì, thưa ông?

Ông Hoàng Tiến Dũng: Trong thời gian tới, theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực NLTT, để có thể phát triển NLTT mạnh mẽ, bền vững thì cần tập trung vào các nội dung như chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.

Về chính sách, với các dự án NLTT quy mô công suất lớn sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu. Nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi thấp nhất. Thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi và lưới truyền tải. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển các hệ thống NLTT phân tán phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ như các hộ tiêu thụ là các khu công nghiệp, hộ tiêu thụ thương mại, dịch vụ, nhà dân... lắp đặt điện mặt trời mái nhà để cung cấp cho chính nhu cầu của mình cùng kết hợp với điện mua từ lưới điện.

Tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng truyền tải kết hợp với các hệ thống lưu trữ (như thủy điện tích năng, hệ thống ắc quy...) và tăng cường khả năng điều độ vận hành hệ thống điện, tăng cường kết nối lưới điện khu vực. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng hấp thụ nguồn điện NLTT, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả lưới điện./.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-02-04/phat-trien-nang-luong-tai-tao-dap-ung-an-ninh-nang-luong-quoc-gia-82108.aspx