VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu để kéo giảm CPI

13/02/2020 - 243 Lượt xem

Chủ động đủ nguồn hàng, giá cả không biến động nhiều

Theo Cục Quản lý giá, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 diễn ra vào thời điểm cuối tháng 1, tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động theo quy luật hàng năm. Lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết của người dân.

Đối với mặt hàng lương thực, hầu hết các địa phương trong cả nước đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa chuẩn bị Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, trong đó mặt hàng gạo luôn được chú trọng, bảo đảm lượng dự trữ và cung ứng cho thị trường. Trước tết từ đầu tháng 1/2020 đến ngày ông Công - ông Táo, giá gạo chất lượng cao, gạo nếp tăng nhẹ từ 5 - 10% so với ngày thường; giá gạo tẻ thường ổn định.

Giá thực phẩm tươi sống ổn định trước tết do nguồn cung dồi dào, nhưng tăng nhẹ trong những ngày giáp tết do sức mua tăng. Giá thịt lợn hơi sau khi tăng mạnh vào tháng 12/2019 thì đến tháng 1 (từ 6/1 – 22/1/2020) (trước nghỉ tết) đã giảm và phổ biến khoảng từ 80.000 - 86.000 đ/kg tùy vùng miền, có một số địa phương giá thấp hơn mặt bằng chung như Thái Nguyên là 78.000đ/kg.

Đến nay, giá thịt lợn hơi vẫn giữ ở mức cao, từ 80.000 - 86.000 đ/kg. Giá thịt bò tăng khoảng 20.000 – 40.000 đ/kg, tùy từng thị trường địa phương do nhu cầu tăng; giá gà sống tăng khoảng 10.000 – 30.000 đ/kg trong các ngày cận tết do nhu cầu người dân tăng cao để cúng tất niên và giao thừa. Trong các ngày tết đến ngày mùng 5 giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn giữ ở mức như cận tết và cục bộ một số chợ dân sinh có tăng giá nhẹ trong ngắn hạn đối với một vài mặt hàng như thịt bò, thủy hải sản.

Mặt hàng rau củ, trái cây hầu hết tại các địa phương cơ bản ổn định do thời tiết thuận lợi, nên nguồn cung khá dồi dào và ổn định, giá chỉ tăng cục bộ trong các ngày nghỉ lễ tết, từ mùng 1 đến mùng 5. Giá các loại hoa quả tăng nhẹ từ 5 – 10% tùy từng loại so với ngày thường.

Các mặt hàng thực phẩm chế biến có giá ổn định trước, trong và sau tết do các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị đủ nguồn hàng và doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá dịp tết. Giá nhiều mặt hàng như đường, dầu ăn, nước mắm ổn định do nguồn cung lớn. Giá các loại bia, rượu và nước ngọt năm nay biến động không đáng kể do lượng hàng trong các siêu thị, cửa hàng rất dồi dào, số lượng bia rượu tiêu thụ có giảm.

Phải tập trung giảm giá mặt hàng thịt lợn

Mặc dù vậy, do giá thịt lợn đứng ở mức cao đã tác động khiến CPI tháng 1/2020 đã tăng khá cao, tăng 1,23% so với tháng 12/2019. Ngoại trừ các yếu tố tăng giá của một số nhóm hàng hóa, dịch vụ theo thông lệ hàng năm, thường chỉ tăng cục bộ trong tháng tết thì nguyên nhân chủ yếu gây tác động làm tăng CPI là từ nhóm thực phẩm (tăng 2,6%) làm cho nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 2,26% so với tháng trước, làm CPI chung tăng khoảng 0,2%.

 cá

 Nhiều siêu thị chủ động nguồn thực phẩm khác bù đắp khi giá thịt lợn tăng cao. Ảnh: T.T

Báo cáo mới đây của Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá đã nhận định, với diễn biến CPI tháng 1/2020 tăng cao sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành giá trong quý I cũng như cả năm 2020. Để đạt mục tiêu CPI dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra (với những diễn biến mặt bằng giá của nhóm hàng thực phẩm như hiện nay và không có phát sinh những diễn biến khác), thì mỗi tháng còn lại trong năm CPI (11 tháng) sẽ phải tác động giảm khoảng 0,12%.

Đối với mặt hàng thịt lợn, vừa qua Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ – Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu phải có biện pháp để giảm ngay trong tháng 2 và tháng 3, góp phần giảm chỉ số giá tiêu dùng các tháng tiếp theo.

Trong chỉ đạo mới đây của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp. Theo đó, đối với giá xăng dầu, Bộ Công thương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính linh hoạt trong điều hành; tính toán tác động đến CPI để có các giải pháp cụ thể, giảm giá mặt hàng này trong kỳ điều hành tiếp theo của tháng 2, tháng 3 hoặc ít nhất ổn định trong quý I/2020.

Đối với nhóm hàng thực phẩm nhất là thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp tổ chức quyết liệt các giải pháp để bình ổn giá, giảm giá mặt hàng thịt lợn. Theo đó quyết tâm làm tốt các biện pháp điều hành cung – cầu giúp giá thịt lợn hơi giảm 10% trong tháng 2 và tiếp tục giảm trong tháng 3 về mức 60.000 - 65.000đ/kg hơi và các tháng tiếp theo giá bình ổn hoặc tiếp tục giảm về mức 45.000 - 50.000đ/kg hơi (mức bình thường trước khi có dịch), tăng cường công tác chỉ đạo các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy khâu phân phối, bán lẻ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá nhất là trong việc thực hiện các chính sách lớn của Chính phủ. Các bộ, ngành cũng phải chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí về công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng./.

Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-02-02/kiem-soat-gia-cac-mat-hang-thiet-yeu-de-keo-giam-cpi-82035.aspx