VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin mới

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020

16/01/2020 - 293 Lượt xem

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) vừa đưa ra hai kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020. Theo đó, tăng trưởng GDP năm 2020 có thể đạt 7,01% theo kịch bản cơ sở hoặc 6,76% theo kịch bản thấp.

Tại Toạ đàm khoa học “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2020” diễn ra sáng 10/1 tại Hà Nội, NCIF đưa ra hai kịch bản dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020.

Nguồn: NCIF

Ở kịch bản thứ nhất, kịch bản cơ sở, tăng trưởng GPD được dự báo sẽ đạt 7,01% trong năm 2020. Tổng kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 285 tỷ USD. Tỷ lệ lạm phát được dự báo ở mức 3,5%. Kịch bản này có thể xảy trong điều kiện kinh tế thế giới tăng trưởng ở mức khá, tăng nhẹ so với năm 2019. Việt Nam tiếp tục tận dụng được cơ hội do xung đột thương mại Mỹ - Trung để gia tăng giá trị hàng xuất khẩu và thu hút đầu tư; cùng với nỗ lực của Chính phủ trong hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020, ổn định mặt bằng lãi suất, lạm phát; điều hành linh hoạt và kiểm soát tốt biến động tỷ giá. 

Ở kịch bản thứ hai, kịch bản thấp, tăng trưởng GDP năm 2020 được dự báo ở mức 6,76%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 283,1 tỷ USD. Tỷ lệ lạm phát ở mức 3,2%. Theo kịch bản này, kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng thấp hơn so với kịch bản cơ sở. Cùng với đó là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, các rào cản kỹ thuật gia tăng. Bối cảnh kinh tế trong nước cũng gặp nhiều khó khăn như khu vực nông nghiệp chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh và biến đổi khí hậu; đầu tư nước ngoài và phát triển khu vực tư nhân không bù đắp được sự sụt giảm của khu vực chế biến chế tạo.

TS. Đặng Đức Anh thay mặt nhóm nghiên cứu NCIF trình bày báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam 2020

Trước khi đưa ra hai kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế 2020, TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc NCIF thay mặt nhóm nghiên cứu điểm lại những nét nổi bật của kinh tế vĩ mô năm 2019. Về kinh tế thế giới, mức tăng trưởng đang chậm lại; căng thẳng, xung đột thương mại diễn ra gay gắt giữa Mỹ – Trung Quốc và một số quốc gia khác; các nước có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm đối phó với suy giảm kinh tế.

Về tình hình trong nước, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động; Công nghiệp chế biến, chế tạo có sự phát triển đồng đều; giảm bớt phụ thuộc vào một số nhóm mặt hàng. Việt Nam đã tận dụng được tác dụng của xung đột thương mại để thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng có lợi thế. Lãi suất và tỷ giá được kiểm soát ở mức thấp là tiền đề để ổn định vĩ mô và tăng trưởng. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta 2019 vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu cố hữu chưa được khắc phục như công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào nhóm hàng do khu vực FDI dẫn dắt, xuất khẩu nông thuỷ sản gặp nhiều khó khăn.

Nguồn: Bộ KHĐT

ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=21904