VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin mới

Vốn tín dụng ngân hàng: Đòn bẩy tạo điều kiện phát triển du lịch

10/01/2020 - 322 Lượt xem

Cầu nối trong huy động nguồn lực

Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới, Việt Nam là một trong mười quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới trong ngành du lịch với tốc độ tăng trưởng du khách 25% mỗi năm trong giai đoạn 2015 - 2018. Năm 2019, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, tăng 16,2% so với năm 2018 và tăng gần 8 lần so với năm 2001. Khách du lịch nội địa đạt 85 triệu lượt, tăng 7,3 lần so với năm 2001. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 700 nghìn tỷ đồng, đóng góp trực tiếp hơn 8% GDP Việt Nam.

PGS.TS. Đỗ Thị Kim Hảo - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng, đối với ngành du lịch, liên kết vùng du lịch đã mang lại những kết quả đáng khích lệ như thúc đẩy, đa dạng hoá sản phẩm du lịch, giúp cho du khách có nhiều lựa chọn, tạo điều kiện cho các hãng lữ hành thiết kế nhiều tour du lịch với nội dung phong phú, đặc sắc hơn.

Liên kết vùng du lịch còn nâng cao lợi thế cạnh tranh của điểm đến, tăng sức mạnh thị trường cũng như hiệu quả hoạt động, tạo cơ hội tiếp cận với các nguồn lực khan hiếm, đặc trưng thế mạnh của từng vùng, địa phương, gia tăng sức mạnh tài chính và chia sẻ rủi ro với các đối tác khác từ đó nâng cao tính cạnh tranh bền vững cho du lịch vùng, địa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. 

Trong mối liên kết đó, ngành Ngân hàng được coi là cầu nối quan trọng trong việc huy động các nguồn lực đầu tư, trong đó có nguồn vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào lĩnh vực du lịch. “Không những thế, với các dịch vụ tài chính hiện đại, đa dạng, ngân hàng cũng đang cung cấp những dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, thu đổi ngoại tệ cho các du khách trong nước, quốc tế, đảm bảo an ninh an toàn thanh toán đã góp phần tăng thương hiệu cho Việt Nam”, bà Hảo nhấn mạnh. 

Theo nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh - Học viện Ngân hàng, trong nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn tín dụng ngân hàng là đòn bẩy quan trọng giúp tạo điều kiện phát triển ngành du lịch, khai thác tiềm năng du lịch địa phương, từ đó hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Bởi không chỉ cấp tín dụng cho các công ty du lịch, các dự án bất động sản, ngân hàng còn ưu tiên tài trợ phát triển làng nghề tại địa phương, cấp tín dụng cho DNNVV chuyên sản xuất/kinh doanh các sản phẩm địa phương hay các hộ kinh doanh sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách địa phương... Ngành Ngân hàng cũng luôn chủ động đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, đảm bảo sự phát triển bền vững của đôi bên. 

Xây dựng chuỗi liên kết

ThS. Phạm Xuân Hoè - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng, chuỗi giá trị liên kết du lịch mang lại dòng tiền cho ngân hàng rất tốt. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận, khó có thể bóc tách được dư nợ tín dụng cho riêng ngành du lịch. Vì thực tế, tổng dư nợ cho vay đối với thương mại, vận tải, viễn thông là gần 1,962 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay các ngành dịch vụ khác là gần 2,947 triệu tỷ đồng. Tất cả những ngành này đều ảnh hưởng và liên quan tới du lịch. Quan trọng nhất, theo đại diện Viện Chiến lược ngân hàng là vấn đề dòng tiền được chảy như thế nào trong tất cả các du khách đến với Việt Nam. 

PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh nhận thấy, nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng cần tham gia tích cực hơn trong kênh dẫn truyền vốn cho phát triển du lịch. Kinh nghiệm của Malaysia cho thấy, hệ thống ngân hàng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp du lịch.

Đơn cử Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hoá Malaysia (MOTAC) hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch với Quỹ Berhad (BPMB). Quỹ hỗ trợ dự án du lịch (SFT3) với mức vốn tương tự quỹ phát triển cơ sở hạ tầng du lịch là 1 tỷ USD, nhằm hỗ trợ tài chính đối với các DNNVV thông qua Ngân hàng Phát triển DNNVV Malaysia Berhad. 

Thực tế, bản thân ngành du lịch cũng như việc kết nối các ngành phục vụ cho ngành du lịch mang lại rất nhiều sự phát triển dịch vụ cho ngân hàng. Theo ông Hoè, Việt Nam cần có một liên kết bền vững trong câu chuyện liên kết du lịch để thực hiện chiến lược marketing. Trong chuỗi giá trị, sẽ có ba trục liên kết chính. Trụ cột thứ nhất và quan trọng nhất là ra được sản phẩm, ra được dòng tiền. Trục thứ hai là Chính phủ, các cơ quan cung cấp dịch vụ công để chuỗi liên kết này phát triển, và trục thứ ba là dịch vụ về tài chính đi kèm phục vụ cho từ thanh toán, tín dụng... 

Một điểm cần lưu ý là lĩnh vực thanh toán thời gian gần đây phát triển rất nhanh và đạt được nhiều kết quả ấn tượng, đặc biệt là làn sóng thanh toán qua mobile. Chia sẻ thêm tại Hội thảo, đại diện Vụ Thanh toán (NHNN) cho hay: Với hệ sinh thái thanh toán trên mobile và cộng đồng sử dụng hệ sinh thái qua mobile sẽ góp phần rất lớn cho quảng bá du lịch khi kết hợp các khâu lựa chọn địa điểm, đặt phòng khách sạn, các hình thức thanh toán phong phú khi mua hàng hoá dịch vụ.... Thanh toán điện tử cũng mang lại cho du lịch một số hướng phát triển như hợp tác bán chéo sản phẩm để tạo ra sản phẩm đồng thương hiệu, sản phẩm ngân hàng hiện đại. 

Bàn về giải pháp, phía Vụ Thanh toán thông tin, NHNN tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh toán, đơn cử như việc  đang tiến hành quá trình sửa đổi Nghị định 101 về TTKDTM, trong đó có đưa ra hành lang pháp lý cho vấn đề thanh toán xuyên biên giới. Quan trọng ở việc hợp tác giữa các NHTM, trung gian thanh toán trong nước với các tổ chức nước ngoài (như AliPay, Wechat Pay...), tạo điều kiện thuận lợi về thanh toán cho khách du lịch đến Việt Nam. 

Cuối tháng 10/2019, trong khuôn khổ chương trình Khóa họp lần thứ 22 của Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, BIDV và NAPAS đã ký kết Thỏa thuận triển khai dịch vụ kết nối với Tổ chức thẻ nội địa Liên Bang Nga NSPK. BIDV là ngân hàng đầu tiên cung cấp dịch vụ chấp nhận thanh toán thẻ MIR - thẻ nội địa mang thương hiệu quốc gia của Liên Bang Nga tại hệ thống POS của BIDV trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hợp tác các nước ASEAN, NHNN cũng đang nghiên cứu giải pháp chuẩn hoá kết nối hệ thống QR Code của các nước khu vực Đông Nam Á, tạo điều kiện công dân ASEAN khi du lịch, công tác có thể sử dụng được smartphone để thanh toán QR Code cho nhu cầu mua sắm, đặt phòng khách sạn...

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

https://thoibaonganhang.vn/von-tin-dung-ngan-hang-don-bay-tao-dieu-kien-phat-trien-du-lich-97008.html