VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa và phát triển ngành công nghiệp

03/01/2020 - 256 Lượt xem

Tham dự Lễ Ký kết có ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Konaka Tetsuo, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam.

Dự án Hợp tác kỹ thuật hướng tới tăng cường kết nối giữa DNNVV trong nước với chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu thông qua việc sử dụng các cơ chế hỗ trợ được quy định trong luật Hỗ trợ DNNVV và các chính sách đối với công nghiệp phụ trợ dự kiến được triển khai từ tháng 4/2020 - 4/2023.

Các hoạt động của Dự án gồm khảo sát, đánh giá hiện trạng việc cung cấp thông tin hỗ trợ DNNVV qua các cổng thông tin của các cơ quan, phục vụ nâng cấp Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ DNNVV nhằm hình thành nền tảng kết nối kinh doanh giữa nhà cung ứng trong nước với các doanh nghiệp công nghiệp hàng đầu ở Việt Nam.

Qua đó, giúp các DNNVV trong nước có tiềm năng để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu - đối tượng thụ hưởng trực tiếp của Dự án, sẽ nhận được những hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp để có thể nâng cao năng lực và đáp ứng được tiêu chuẩn của các doanh nghiệp công nghiệp quốc tế. Các doanh nghiệp này cũng sẽ nhận được những hỗ trợ gián tiếp thông qua các hoạt động đào tạo được triển khai cho các đơn vị tư vấn cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV hoạt động cả ở khu vực công và tư nhân.

Thông qua các hoạt động của Dự án, các DNNVV trong nước được kỳ vọng sẽ tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh, qua đó tăng cường kết nối kinh doanh giữa các DNNVV trong nước với nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, từng bước hỗ trợ DNNVV trong nước tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Tại Lễ ký, Trưởng đại diện Konaka Tetsuo cho biết, theo khảo sát về Điều kiện kinh doanh của các Công ty Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương của JETRO, các công ty Nhật Bản hiện là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam đã mua sắm khoảng 34,2% các nguyên vật liệu thô và phụ tùng đầu vào từ các nhà cung cấp địa phương trong năm 2016. Con số này thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI của Nhật tại các nước ASEAN như Thái Lan (57,1%) và Indonesia (40,5%).

Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, cả nước có khoảng 760 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Xét về quy mô, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước, trong đó các DNNVV đóng vai trò chủ đạo, đóng góp khoảng 42% GDP và tạo ra hơn 50% việc làm cho xã hội.

Theo nhận định của ông Konaka Tetsuo, tuy tăng mạnh về số lượng song khu vực DNNVV đang đứng trước những thách thức to lớn. Việt Nam đặc biệt thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp cỡ vừa, là một trong những yếu tố hạn chế khả năng kết nối với khu vực DNNNV để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ DNNVV quy định một số chính sách cụ thể để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị toàn cầu. Tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị yêu cầu nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong nước bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa với mục tiêu tăng tỉ lệ nội địa hóa từ 20-25% như hiện nay lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.

Để góp phần giải quyết những vấn đề nêu trên, năm 2018, Chính phủ Việt Nam đã đề xuất Chính phủ Nhật Bản thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật để thúc đẩy việc thực hiện Luật hỗ trợ DNNVV và phát triển công nghiệp phụ trợ.

Việc ký kết Biên bản thảo luận Dự án lần này sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam học hỏi những kinh nghiệm quý báu từ Nhật Bản, cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày một phát triển hơn.

Nhật Bản hiện là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, đối tác lớn thứ ba về du lịch và đối tác lớn thứ tư về thương mại của Việt Nam. Các nguồn vốn của nhà đầu tư Nhật Bản được đánh giá có chất lượng cao, tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam.

Chương trình phát triển nguồn nhân lực công nghiệp và phát triển công nghiệp thuộc 1 trong 3 trụ cột của JICA trong Chính sách Hợp tác Quốc tế đối với Việt Nam. Ưu tiên của JICA là hỗ trợ việc nâng cao năng lực kỹ thuật và quản lý của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, là đối tượng cơ bản của các ngành công nghiệp phụ trợ, hiện đang hoạt động trong các lĩnh vực chiến lược được nêu trong Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam./.

Nguồn: Bộ KHĐT

http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=44905&idcm=188