VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 12/2019

03/01/2020 - 237 Lượt xem

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết và Lễ hội xuân 2020

Ngày 09/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 1658/CĐ-TTg về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội xuân 2020.

Công điện nêu rõ, để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cho nhân dân vui đón Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội xuân 2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ thẩm quyền, trách nhiệm được giao, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội xuân 2020; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đảm bảo an toàn kỹ thuật phương tiện trong hoạt động vận tải…

Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy; chú ý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, như: Vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; chạy quá tốc độ quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện cơ giới; chở hành khách, hàng hóa quá tải trọng quy định; dừng, đỗ không đúng nơi quy định, không đi đúng phần đường, làn đường và không nhường đường cho xe sau xin vượt theo quy định...

Chỉ thị tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh than, cung cấp than cho sản xuất điện

Ngày 02/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 29/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trái phép; xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động sản xuất, kinh doanh than trái phép.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than; tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện sản xuất, kinh doanh than và công tác bảo đảm an toàn lao động trong hoạt động sản xuất than; kiểm tra các điểm khai thác, vận chuyển, chế biến, các bãi tập kết, mua bán than nhằm phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng sản xuất, kinh doanh than trái phép và vi phạm về kỹ thuật an toàn trong sản xuất than.

Tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải

Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg, trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và các địa phương liên quan tập trung tối đa để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc về mặt bằng đối với các dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải đang thực hiện.

Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên

Ngày 04/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 31/CT-TTg về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động giáo dục, đào tạo và trải nghiệm; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, lối sống văn hóa cho học sinh, sinh viên gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng và nhân rộng mô hình tốt, điển hình tiêu biểu trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện; triển khai các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm đạo đức, lối sống.

Tạm thời chưa thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc)

Ngày 10/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, trong đó, tạm thời chưa thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc); bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung của bộ, ngành, địa phương để ban hành, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm căn cứ pháp lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; tài sản được đưa vào danh mục mua sắm tập trung đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và thực tế của bộ, ngành, địa phương; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật trong việc mua sắm tập trung, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm trong mua sắm tập trung.

Bảo đảm đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm

Ngày 19/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp: phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước; tổ chức tốt hệ thống kênh bán lẻ, giảm thiểu chi phí trung gian, bảo đảm thông suốt từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng; tăng cường gắn kết việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp với các chương trình bình ổn thị trường, giá cả; bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng người dân không được về quê ăn Tết do không có tàu, xe...

Điều kiện sản xuất, buôn bán giống cây trồng

Ngày 13/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Về giống cây trồng, Nghị định quy định chi tiết về bảo tồn nguồn gen giống cây trồng và Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu; hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng; chi tiết điều kiện sản xuất, buôn bán giống cây trồng và chi tiết quy định về ghi nhãn giống cây trồng...

Trong đó, Nghị định quy định chi tiết điều kiện về sản xuất, buôn bán giống cây trồng. Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 22 của Luật Trồng trọt.

Quy định mới về khung giá đất

Ngày 19/12/2019 , Chính phủ ban hành Nghị định 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất.

Nghị định quy định 7 vùng kinh tế để xây dựng khung giá đất gồm: Vùng trung du và miền núi phía Bắc; Vùng đồng bằng sông Hồng; Vùng Bắc Trung bộ; Vùng duyên hải Nam Trung bộ; Vùng Tây Nguyên; Vùng Đông Nam bộ; Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Khung giá đất trên được sử dụng làm căn cứ để UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương.

Nghị định cũng yêu cầu UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tế tại địa phương được quy định mức giá tối đa trong bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh cao hơn không quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất.

- Sửa đổi quy định về quy hoạch cấp, thoát nước

Ngày 27/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật.

Nghị định số 98/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, trong đó sửa đổi đối tượng lập quy hoạch cấp nước. Nội dung quy hoạch cấp nước được xác định trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng và quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn. Quy hoạch cấp nước đô thị được tổ chức lập như một đồ án quy hoạch riêng đối với các thành phố trực thuộc trung ương.

Bên cạnh đó, Nghị định 98/2019/NĐ-CP cũng sửa đổi Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải, trong đó sửa đổi, bổ sung quy hoạch thoát nước. Cụ thể, đối với các thành phố trực thuộc trung ương, quy hoạch thoát nước là quy hoạch hạ tầng kỹ thuật được lập riêng thành một đồ án nhằm cụ thể hóa quy hoạch thoát nước trong quy hoạch chung đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhiệm vụ quy hoạch thoát nước đô thị cần làm rõ các nội dung: Phạm vi, ranh giới; các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật quy chuẩn kỹ thuật áp dụng; xác định lưu vực, phân vùng thoát nước; nguồn tiếp nhận, dự báo tổng lượng thoát nước, mạng lưới và vị trí quy mô các công trình thoát nước.

- Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu phải đạt 6 tiêu chí

Ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị  định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, theo đó, cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với hoạt động nghiên cứu khoa học, đạt 6 tiêu chí, trong đó, trong 3 năm gần nhất, cơ sở giáo dục đại học công bố trung bình mỗi năm từ 100 bài báo trở lên và đạt tỷ lệ trung bình một giảng viên cơ hữu công bố mỗi năm từ 0,3 bài trở lên trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định danh mục tạp chí khoa học có uy tín làm cơ sở công nhận tiêu chí này; có đơn vị thuộc, trực thuộc nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu phát triển công nghệ nguồn; có tỷ lệ ngành đang đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt từ 50% trở lên so với tổng số ngành đang đào tạo cấp bằng; trong 3 năm gần nhất, có quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% tổng quy mô tuyển sinh và cấp trung bình từ 20 bằng tiến sĩ trở lên trong một năm…

- Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

Ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị  định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị  định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông.

Điểm đáng chú ý, Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng).

Chăm sóc 1.000 ngày đầu đời phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em

Ngày 25/12/2019, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình "Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”.

Mục tiêu của Chương trình nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em dưới 2 tuổi, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam.

Phát triển y dược cổ truyền, kết hợp với y dược hiện đại

Ngày 25/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1893/QĐ-TTg Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại với mục tiêu đến năm 2030 phát triển toàn diện y dược cổ truyền, tăng cường kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại nhằm bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân

Ngày 17/12/2019, tại Công văn 1696/TTg-KGVX,  Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2019 - 2020, nhất là chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn, đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ. Chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, tổ chức cấp cứu điều trị người bệnh kịp thời.

Tiếp tục nâng cấp Cổng dịch vụ công bảo đảm kết nối, tích hợp

Ngày 19/12/2019, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo 437/TB-VPCP ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Để Cổng dịch vụ công quốc gia hoạt động thực chất, liên tục và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối, chia sẻ dữ liệu liên quan đến người dân, doanh nghiệp giữa nội bộ các cơ quan để từ đó đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính một cách thực chất, lấy người dân làm trung tâm; tiếp tục nâng cấp Cổng dịch vụ công của Bộ, địa phương mình để bảo đảm kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin với Cổng dịch vụ công quốc gia; nâng cấp, hoàn thiện các dịch vụ công trước khi đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia và đẩy mạnh thanh toán điện tử.

Siết chặt quản lý tàu bay không người lái

Tại Thông báo 416/TB-VPCP ngày 09/12/2019, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, giảm thiểu rủi ro trong an ninh, trật tự và an toàn hàng không.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng điều tra, yêu cầu khai báo đối với các tổ chức, cá nhân sở hữu tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; quản lý các tổ chức, cá nhân có sở hữu tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ thông qua việc khai báo, đăng ký tại các địa bàn; bổ sung, hoàn thiện xác định các hành vi vi phạm và chế tài xử lý hành chính liên quan đến hoạt động của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.

100% văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia phải được ký số

Ngày 26/12/2019, Văn phòng Chính phủ có công văn 11796/VPCP-KSTT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/1/2019 về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gương mẫu trong sử dụng chữ ký số cá nhân phê duyệt hồ sơ, văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường mạng, hoàn thành trước tháng 6 năm 2020.

Phó Thủ tướng yêu cầu 100% văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia phải được tích hợp chữ ký số và được xác thực theo quy định tại Thông tư số 41/2017/TT-BTTTT ngày 19/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông; đầy đủ nội dung đính kèm; tuân thủ các quy định về thời gian gửi, nhận văn bản; cập nhật đầy đủ nội dung thông tin, bảo đảm đúng thể thức văn bản điện tử theo quy định; gửi văn bản điện tử đúng thẩm quyền.

Nguồn: Báo Chính phủ

http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Chi-dao-dieu-hanh-cua-Chinh-phu-Thu-tuong-Chinh-phu-noi-bat-thang-122019/383899.vgp