VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Thay đổi tư duy để phát triển nhanh và bền vững

03/01/2020 - 224 Lượt xem

Ba vấn đề cốt lõi để giữ đà tăng trưởng cao

Tại Báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2019 (ADOU 2019), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 6,7% (số liệu công bố tháng 9-2019) lên 6,8% cho năm 2020.

Theo ADB, việc điều chỉnh tăng dự báo GDP xuất phát từ những tín hiệu tích cực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ ngoài dự đoán của nền kinh tế Việt Nam có được từ cuối năm 2019 và nhiều khả năng tiếp tục duy trì được trong năm 2020.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo triển vọng kinh tế trước mắt và trong trung hạn của Việt Nam là tích cực, tăng trưởng GDP khoảng 6,5% trong những năm tới. Các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng, Chính phủ đã tạo được dư địa tài khóa nhất định thông qua chính sách tài khóa thận trọng.

Đối với dự báo của các tổ chức nghiên cứu trong nước, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đưa ra kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 ước đạt 6,72%; lạm phát bình quân khoảng 3,17%.

Còn Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) dự báo, giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm, kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định, lạm phát ở mức 3,5 - 4,5%/năm.

Nếu tận dụng được các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới đã ký kết và thực hiện và tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, mức tăng trưởng có thể nâng lên 7,5%/năm.

Mặc dù các kịch bản tăng trưởng của các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế đều có chung quan điểm: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục lạc quan trong năm 2020, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới nhưng tốc độ tăng trưởng lại có xu hướng giảm nhẹ so với năm 2019.

Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, kinh tế Việt Nam đang đứng trước những đòi hỏi mới cả động lực, tiềm năng và chất lượng tăng trưởng. Trong khi đó, sự chuẩn bị trong nước dường như chưa tương xứng với tiềm năng của các FTA mới.

Theo NCIF, ba vấn đề cốt lõi Việt Nam cần ưu tiên thực hiện để giữ đà tăng trưởng 7% trong năm 2020 và cả giai đoạn 2021-2025 là nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tận dụng hiệu quả các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và CMCN 4.0.

Tạo động lực phát triển khu vực tư nhân

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát: Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đây cũng là khuyến nghị nhất quán của WB, cũng như các đối tác phát triển của Việt Nam đưa ra tại các diễn đàn kinh tế diễn ra năm 2019 và trong báo cáo gửi đến Tổ Biên tập Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) gần đây.

Ông Osmane Dione, Giám đốc WB Việt Nam cho rằng, tăng trưởng của khu vực tư nhân sẽ thúc đẩy tiến độ của Việt Nam trên con đường trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển này thông qua môi trường kinh doanh, kết cấu hạ tầng và thể chế thị trường.

Tuy nhiên theo Giám đốc WB Việt Nam, khu vực tư nhân còn một số nút thắt cần tháo gỡ để phát triển như: môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước, thể chế, năng lực quản trị công ty, vấn đề môi trường…

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam đã xác định một định hướng quan trọng về thể chế, đó là hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế.

“Đặc biệt là xây dựng, hoàn thiện, thử nghiệm khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường. Lấy doanh nghiệp làm trung tập trong định hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, người đứng đầu Bộ KHĐT nêu rõ.

“Theo đó, dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro cho việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới; thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, sản xuất kinh doanh, tổ chức xã hội” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Những khát vọng và mong muốn của Việt Nam trong việc phát triển đất nước ngày càng thịnh vượng, hiện đại, với những định hướng táo bạo và đầy quyết tâm là rất rõ ràng. Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng nhanh. Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách.

Nguồn: Báo Nhân dân