VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin mới

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

03/01/2020 - 235 Lượt xem

Theo đó, tiếp tục thực hiện mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể định hướng đến năm 2021 theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Trong đó, năm 2020 phấn đấu MTKD theo xếp hạng EoDB của Ngân hàng Thế giới (WB) lên 10 bậc; năng lực cạnh tranh theo xếp hạng GCI 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lên năm bậc; đổi mới sáng tạo theo xếp hạng GII của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) lên ba đến bốn bậc; Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc (UN) lên 10 đến 15 bậc.

Nghị quyết nêu rõ bảy nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 gồm: Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019; các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi các bộ chỉ số và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần; tiếp tục cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số MTKD; cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh; tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Cụ thể, giao Bộ Tài chính trong quý I-2020 kiến nghị sửa đổi Nghị định số 139/2016/NĐ-CP về lệ phí môn bài theo hướng lùi thời hạn khai, nộp lệ phí môn bài vào ngày 30-1 của năm kế tiếp; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng Hệ thống thông tin khai trình lao động trực tuyến kết nối với Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hoàn thành trong quý IV-2020; Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, không phù hợp nhằm rút ngắn thời gian và chi phí gia nhập thị trường, hoàn thành và trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5-2020; Bộ Xây dựng rà soát lại quy trình, thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép và thanh tra, kiểm tra xây dựng không quá 50 ngày; nghiên cứu, đề xuất áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động đầu tư xây dựng nhằm giảm số lượng các cuộc kiểm tra, số lần phê duyệt, hoàn thành trong quý III-2020; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp duy trì chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch; Bộ Tư pháp trong quý IV-2020 hoàn thành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về giao dịch bảo đảm; Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề nghị, hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình gắn liền với đất, thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà, đăng ký quyền sử dụng đất bảo đảm phù hợp quy định hiện hành, hoàn thành trong quý II-2020...

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ đến hết năm 2020, thực hiện đầy đủ các cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành... Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết ngay các vướng mắc kéo dài trong áp dụng thuế cho nguyên liệu, vật tư dư thừa từ quá trình sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu; chủ trì theo dõi tình hình, đánh giá kết quả thực hiện cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đánh giá mức độ thay đổi và tác động đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-12-2020. Đồng thời, yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích...

Nguồn: Báo Nhân dân

https://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/42794602-tiep-tuc-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-quoc-gia.html