VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin mới

Tạo chủ động trong tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

03/01/2020 - 291 Lượt xem

Bộ Tài chính mới đây cho biết, tính tới hết quý II năm 2019, mới có 35 trong số 127 ND trong danh mục được phê duyệt phải cổ phần hóa (CPH) xong trước năm 2021 đã hoàn thành nhiệm vụ, số còn phải CPH là 92 trong số 127 DN, chiếm 72% kế hoạch. Về tình hình thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17-8-2017 của Thủ tướng Chính phủ cũng cho thấy, theo kế hoạch, năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 DN, nhưng cũng chỉ có 9 DN thực hiện được việc thoái vốn với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 1.657 tỷ đồng. Đáng lưu ý là số vốn thoái được này tập trung chủ yếu ở Tổng công ty Viglacera với giá trị sổ sách 690 tỷ đồng, thu về 1.587 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến hết quý II-2019, công tác thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg mới được tiến hành tại 88 đơn vị với giá trị vốn nhà nước 4.549 tỷ đồng, thu về 8.765 tỷ đồng.

Đối với các dn cần thoái vốn ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg, lũy kế từ năm 2017 đến hết quý II-2019, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng, chủ yếu tại Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).Việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN theo đề án cơ cấu lại cũng cho thấy đã thoái vốn với tổng giá trị là 1.333 tỷ đồng, thu về 2.174 tỷ đồng, trong đó tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chỉ có 5 DN, với giá trị sổ sách 36 tỷ đồng, thu về 166 tỷ đồng. Cũng tại SCIC, việc bàn giao các DN có vốn nhà nước về SCIC còn chậm. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2017 - 2020, các bộ, ngành, địa phương phải chuyển giao về SCIC 62 doanh nghiệp nhưng đến quý III-2019 mới thực hiện chuyển giao 34 DN với tổng số vốn nhà nước 10.739 tỷ đồng; số DN chưa chuyển giao là 28 DN với tổng số vốn nhà nước là 328 tỷ đồng. Việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC còn chậm, chưa bảo đảm kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo một số chuyên gia, việc chậm trễ chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước về SCIC trước hết và chủ yếu là do những hạn chế trong nhận thức và thực thi kỷ luật hành chính từ phía các cơ quan chủ quản và chính doanh nghiệp. Tình trạng không muốn thực hiện chuyển giao, muốn tiếp tục duy trì quyền sở hữu DN song song với sự tồn tại của tâm lý lo ngại quyền hành sẽ bị ảnh hưởng chính là nguyên nhân quan trọng cản trở tiến trình này. Bên cạnh đó, còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong quá trình CPH chưa được giải quyết dứt điểm nên DN không đủ điều kiện chuyển giao về SCIC.

Nguyên nhân dẫn đến công tác CPH không đạt kế hoạch còn phải kể đến sự chậm trễ về phía các cơ quan có thẩm quyền trong việc phê duyệt phương án sắp xếp nhà đất và phương án sử dụng đất nên việc công bố giá trị DN không thể thực hiện đúng tiến độ. Theo Tổng Giám đốc SCIC Nguyễn Chí Thành, đây là khó khăn lớn nhất mà SCIC và nhiều DNNN đang gặp phải trong quá trình thực hiện CPH DN hiện nay.

Đáng lưu ý, trong thoái vốn nhà nước, vẫn còn có sự chồng chéo giữa nhiều văn bản, và mới chỉ dừng ở các quy định khung, mang tính nguyên tắc. Chính vì thế, trong quá trình thực hiện, các DNNN thường xuyên phải hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xử lý các vấn đề phát sinh. Đó là chưa kể công tác lập kế hoạch thoái vốn không thật sự gắn với yêu cầu thị trường khi đặt ra những thời hạn chót để hoàn thành, khiến các doanh nghiệp bán vốn không có nhiều lựa chọn khi không thể chủ động và độc lập quyết định về thời điểm và danh mục thoái vốn. Điều này dẫn tới không ít trường hợp phải thoái vốn tại những DN có hiệu quả cao, nhưng sau đó sử dụng số tiền thu về để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại những DN, dự án có hiệu quả thấp hơn chỉ với lý do DN đó không thuộc đối tượng nhà nước phải nắm giữ lâu dài. “Như vậy, chúng ta mới chỉ chú trọng về số lượng, thay cho tính toán hiệu quả, chất lượng công việc thoái vốn và đầu tư” - Tổng Giám đốc SCIC Nguyễn Chí Thành nói thêm.

TÁI cơ cấu DNNN, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN là một trong ba trụ cột của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã được khẳng định trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020. Để đạt được mục tiêu đó, cần phải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện hữu, phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, công cụ hoạt động hiệu quả. Việc cần làm ngay là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bán vốn (xác định giá trị văn hóa - lịch sử, đất thuê trả tiền hằng năm, xác định giá khởi điểm đối với doanh nghiệp niêm yết, phương án sử dụng đất...) để đẩy nhanh công tác CPH, thoái vốn nhà nước tại DN. Bên cạnh đó, cần thể chế hóa việc xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN một cách tổng thể. Việc xem xét, đánh giá theo từng dự án đã dẫn tới thực tế kéo dài tiến trình CPH, thoái vốn nhà nước. Nếu nguyên tắc này được thể chế hóa sẽ là một động lực để lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo và đương đầu với rủi ro vì lợi ích và hiệu quả chung của doanh nghiệp.

Nguồn: Báo Nhân dân

https://nhandan.com.vn/bancanbiet/thong-tin-doanh-nghiep/item/41926202-tao-chu-dong-trong-tien-trinh-co-phan-hoa-thoai-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep.html