VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin mới

2020 tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước

27/12/2019 - 234 Lượt xem

Phấn đấu đến cuối năm 2020 các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, kịp thời tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Đó là một trong nhiều nội dung đáng chú ý của Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 vừa được Chính phủ ban hành.

Xử lý có kết quả rõ rệt các ngân hàng yếu kém

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương triển khai nhiệm vụ năm 2020 vừa qua, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh: đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng còn thấp, sức ép lạm phát còn lớn, tính tự chủ của nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới. 

Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, kinh tế nhà nước, nhất là doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả còn thấp, đang gặp nhiều khó khăn, ách tắc (giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm; việc xử lý các dự án thua lỗ, chậm tiến độ, các ngân hàng thương mại yếu kém còn nhiều vướng mắc, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra).

Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ tiếp thu chỉ đạo của Tổng bí thư, thể hiện tại nghị quyết 01 của Chính phủ.

Nghị quyết 01 đã có những chỉnh sửa cụ thể hơn so với dự thảo trước đó.

Về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, nghị quyết nêu rõ,thực hiện hiệu quả Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020. Xử lý có kết quả cụ thể, rõ rệt các tổ chức tín dụng yếu kém, hoàn thiện và phê duyệt phương án xử lý ngân hàng mua bắt buộc. 

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Ban hành khuôn khổ thể chế quản lý thử nghiệm (sandbox) đối với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt. Phấn đấu đến cuối năm 2020 các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II; kịp thời tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng là những giải pháp được nêu tại nghị quyết. 

Phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ

Tại nghị quyết, Chính phủ xác định, tiếp tục cải cách mạnh mẽ để kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Khẩn trương ban hành nghị định sửa đổi bổ sung các nghị định số 126, 91, 32 để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và tăng vốn điều lệ các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Hoàn thành chỉ tiêu nguồn thu từ cổ phần hoá thoái vốn cho đầu tư công theo  đúng nghị quyết của Quốc hội. Hoàn thành công bố xác định giá trị khi thực hiện cổ phần hoá tại hơn 90 doanh nghiệp; thoái vốn nhà nước tại trên 100 doanh nghiệp theo kế hoạch đã được phê duyệt. Nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh và chất lượng việc thực hiện công bố thông tin về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; cơ bản hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm tăng cường giám sát doanh nghiệp nhà nước theo hướng công khai, minh bạch.

Xử lý vướng mắc về hợp đồng EPC và tái cơ cấu tài chính, tín dụng của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương. Triển khai Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Trung ương để đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, sớm công bố sách trắng về hợp tác xã. Phát huy vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu, tăng cường sự phối hợp và phân định rõ trách nhiệm giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và bộ quản lý ngành, cơ quan chức năng, nghị quyết nêu rõ.

2020 Chính phủ cũng xác định tập trung tháo gỡ vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và các chỉ số xếp hạng quốc tế; có chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể tăng xếp hạng môi trường kinh doanh 10 bậc; công bố sách trắng về doanh nghiệp. 

Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp cả về số lượng và quy mô, chất lượng; đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo. Khẩn trương đưa các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thực tiễn và dành nguồn lực thích đáng để triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng tính liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp. 

Khuyến khích phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh và sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư, xây dựng các dự án lớn. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; có kế hoạch, giải pháp cụ thể phấn đấu mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào cuối năm 2020.

Nguồn: Vneconomy

http://vneconomy.vn/2020-tang-von-dieu-le-cho-cac-ngan-hang-thuong-mai-nha-nuoc-20200102081152494.htm