VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Sắp xếp các công ty với 1,86 triệu ha đất: Không thể chậm hơn 2020

19/11/2019 - 252 Lượt xem

Thủ tướng ra “hạn chót” là năm 2020 cho việc sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp, thành phần đang quản lý, sử dụng hơn 1,8 triệu ha đất, tương đương khoảng 1/2 diện tích trồng lúa của cả nước. “Mục tiêu này không thể chậm hơn”.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, nhiều ý kiến phát biểu cho thấy, việc sắp xếp các nông, lâm trường luôn là vấn đề nóng, phức tạp do liên quan đến đất đai (sự chồng lấn, tranh chấp đất giữa người dân đi khai hoang trước đây và nông, lâm trường…).

Quá trình phát triển của nông, lâm trường quốc doanh trải qua nhiều giai đoạn, gắn với các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH của đất nước.

Giai đoạn 1955-1975, nhiệm vụ chủ yếu của nông, lâm trường là khai hoang, phục hóa đất đai, trồng rừng và phát triển kinh tế theo mô hình tập trung, tập thể. Giai đoạn 1976-1986, là thời kỳ phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và số lượng. Nông, lâm trường được hình thành, phân bố rộng khắp cả nước (khoảng 870 đơn vị; quản lý 7,5 triệu ha đất, bằng 23,2% diện tích tự nhiên của cả nước). Đến năm 2012, cả nước còn trên 650 nông, lâm trường, ban quản lý rừng, vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên được Nhà nước giao quản lý, sử dụng gần 8 triệu ha. Đến nay, cả nước còn gần 260 công ty nông, lâm nghiệp, quản lý gần 1,86 triệu ha, chiếm 10% đất nông nghiệp cả nước.

Các ý kiến cho thấy thời gian qua, việc triển khai thực hiện phương án tổng thể sắp xếp đã được Thủ tướng phê duyệt còn chậm. Tình trạng đất cho thuê, cho mượn, liên doanh liên kết, sử dụng đất không đúng đối tượng, mục đích còn tiếp diễn chưa được giải quyết dứt điểm.

Một số ý kiến đề xuất là cần đo đạc lại, làm rõ, nắm chắc từng mảnh đất, ai là chủ sử dụng thực tế. Phải hoàn thành sớm việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, “1,8 triệu ha đất này đóng góp gì cho quốc kế dân sinh, cho phát triển nông nghiệp Việt Nam, thậm chí, làm sao để nông lâm trường dẫn dắt nông nghiệp Việt Nam phát triển, nhất là phát huy hiệu quả, nâng cao đời sống của nhân dân, đồng bào dân tộc, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội của vùng biên cương”.

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì cùng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và Văn phòng Chính phủ hoàn thiện báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình Bộ Chính trị. Đây là sản phẩm từ Hội nghị này.

Thủ tướng chỉ rõ sự chỉ đạo của các địa phương chưa đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt. Có dư luận về một số trường hợp cố tình làm chậm, làm trái, còn tình trạng lợi ích nhóm, gây thất thoát lãng phí lớn nguồn lực, tài nguyên đất đai, xâm phạm lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức và người dân. 

Phương án sử dụng đất các nông lâm trường theo Nghị quyết 30 là đến năm 2015 phải hoàn thành nhưng đến nay vẫn còn 13 địa phương làm chưa xong, Thủ tướng cho rằng đây là khuyết điểm cần khắc phục.

“Các nông lâm trường với sự chỉ đạo của địa phương, của các cơ quan chức năng, nhất là Bộ NN&PTNT phải đánh thức, khơi dậy, phát huy hiệu quả những tiềm năng thế mạnh, nguồn lực đất đai hiện có”, Thủ tướng nói, để làm sao thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như 3 sứ mệnh: Là động lực mới của nền kinh tế; là một bộ phận quan trọng của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và là phương tiện công cụ quan trọng để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cụ thể là Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đặc biệt khó khăn vào cuộc sống

Nghiêm cấm tình trạng phát canh thu tô, hưởng lợi trung gian

Để phát triển các công ty nông lâm trường một cách thực sự bền vững, hiệu quả, theo Thủ tướng, phải có cơ chế chính sách khơi thông, có giải pháp quản lý thật sự chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực đất đai, tài nguyên rừng, nguồn nhân lực tại chỗ, trong đó có 3 nguyên tắc rất quan trọng.

Ảnh VGP/Quang Hiếu

Đó là đất đai và tài nguyên rừng phải được giao cho những chủ thể trực tiếp để quản lý sử dụng hiệu quả. Nghiêm cấm tình trạng phát canh thu tô, hưởng lợi trung gian. Thứ hai là quan tâm đặc biệt đến tạo việc làm, đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương, nhất là đồng bào thiểu số, góp phần giải quyết tốt vấn đề tái định cư gắn với quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ phát triển rừng. Thứ ba là thu hút mạnh đầu tư, thúc đẩy sớm hình thành các vùng sản xuất nông lâm, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, thâm canh, ứng dụng công nghệ gắn với công nghiệp chế biến. 

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng cũng nêu 3 điểm lớn. Trước hết là tập trung chỉ đạo việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông lâm nghiệp theo Nghị quyết 30. Hoàn thành việc sắp xếp các công ty nông lâm nghiệp trong năm 2020. “Mục tiêu này không thể chậm hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với các công ty nông lâm nghiệp đã hoàn thành việc sắp xếp thì hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng hiệu quả các doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức thực hiện, nhất là vấn đề sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,  xử lý các trường hợp cho thuê, mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết trái pháp luật.

Về các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ làm tốt hơn nữa công tác tư tưởng nhận thức và thông tin tuyên truyền, nhất là cấp cơ sở. Không còn tư tưởng bao cấp, tư tưởng dựa vào đất đai của Nhà nước để làm lợi cá nhân mà Nhà nước không quản lý được. “Phải có giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo việc làm, sinh kế cho đồng bào, nhất là người dân địa phương”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh “đừng để tình trạng đất do Nhà nước quản lý thì thừa nhưng người dân bị thiếu đất nghiêm trọng, phải đi làm thuê, làm mướn”.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến sắp xếp, đổi mới công ty nông lâm nghiệp; ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy sớm hoàn thiện việc sắp xếp lại, nhất là giải quyết được những vướng mắc, bức xúc hiện nay.

Làm tốt công tác cán bộ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm, làm sai, lợi ích nhóm, tham nhũng lãng phí, đặc biệt là đừng để tình trạng làm chậm chạp như thời gian vừa qua.

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo rà soát, đánh giá kỹ lại và thực hiện tốt nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới các Tổng công ty cà phê, cao su, lâm nghiệp vì đây là những doanh nghiệp rất lớn, quản lý nhiều đất đai, cần làm nghiêm túc, hiệu quả, bảo đảm an ninh trật tự, chăm lo đời sống, việc làm cho người dân trên địa bàn.

Cho rằng các địa phương có trách nhiệm rất lớn, Thủ tướng yêu cầu, “phải làm mạnh hơn, giải quyết các tồn tại, nhất là tồn tại về đất đai, chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ đo đạc,  lập bản đồ địa chính, đưa ra các phương án với từng lâm trường cụ thể”.

 
Nguồn: Chinhphu.vn