VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kiểm soát chặt chi tiêu công, kéo giảm bội chi ngân sách

15/11/2019 - 353 Lượt xem

Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm

Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đặt ra yêu cầu bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỉ lệ bội chi NSNN, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP. Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội, mục tiêu là tỷ lệ bội chi NSNN cả giai đoạn 2016 - 2020 không quá 3,9% GDP, phấn đấu giảm mạnh bội chi NSNN để đến năm 2020 không quá 3,5% GDP.

Bộ Tài chính đã quán triệt quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm; cắt giảm tối đa chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; đẩy mạnh thực hiện khoán chi; giảm hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình điều chỉnh giá, phí; siết chặt việc ứng trước, chuyển nguồn, bổ sung dự toán... 

Triển khai các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TWHội nghị Trung ương 6, Khóa XII, từ khâu dự toán NSNN năm 2019, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu các cấp có thẩm quyền thực hiện cắt giảm kinh phí thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương và yêu cầu các địa phương dành nguồn để tạo nguồn cải cách tiền lương, thực hiện các chính sách an sinh xã hội và cơ cấu lại ngân sách.

Kết quả, trong năm 2019, tổng kinh phí cắt giảm ở cấp trung ương và dành ra ở cấp địa phương khoảng 10.000 tỷ đồng; năm 2020 khoảng 2.870 tỷ đồng.  

Nhìn lại giai đoạn 2016 - 2018, chi NSNN năm 2016 tăng 1,7% so với dự toán, đánh giá thực hiện chi NSNN năm 2017 đạt 97,5% dự toán và năm 2018 tăng 6,1% so dự toán. Đối với các năm 2016 và 2018, phần tăng chi chủ yếu là tăng chi đầu tư gắn với vượt thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết của địa phương. Năm 2017 chi thấp hơn dự toán chủ yếu do một số khoản chi triển khai chậm (như các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu) nên bị hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau chi tiếp theo quy định của Luật NSNN. 

Chi thường xuyên năm 2016 bằng 98,2% dự toán, năm 2017 bằng 97,7% so dự toán và năm 2018 đánh giá vào khoảng 101,4% dự toán. 

Cơ cấu chi ngân sách có bước chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển thực hiện trong các năm 2016 - 2018 lên mức 27 - 28% (so với mục tiêu đề ra là 25 - 26%), giảm tỷ trọng chi thường xuyên thực hiện xuống khoảng 63,5% (mục tiêu là dưới 64%); vừa thực hiện cải cách tiền lương hằng năm tăng 7%/năm theo nghị quyết của Quốc hội; vừa bảo đảm các nhiệm vụ chi quốc phòng - an ninh, các chính sách an sinh xã hội, xử lý kịp thời các vấn đề thiên tai, dịch bệnh phát sinh...

Bội chi cả giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 3,6 - 3,7% GDP

Dự toán bội chi NSNN năm 2019 là 222 nghìn tỷ đồng, bằng 3,6% GDP; ước thực hiện bội chi NSNN là 209,5 nghìn tỷ đồng, bằng 3,4% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương trong phạm vi dự toán, cân đối ngân sách địa phương không bội chi (giảm 12,5 nghìn tỷ đồng).

Được biết, từ nay đến hết năm 2019, Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành toàn diện và ở mức cao nhất nhiệm vụ tài chính - NSNN, trong đó phấn đấu tổng thu NSNN vượt khoảng 5% so với dự toán. Đây sẽ là cơ sở để tiếp tục kéo giảm bội chi ngân sách.

Năm 2020, tỷ lệ bội chi NSNN dự kiến là 3,44% GDP (tương ứng 234,8 nghìn tỷ đồng), trong đó bội chi ngân sách trung ương là 3,2% GDP và bội chi ngân sách địa phương là 0,24%GDP. 

Như vậy, ước tính bình quân bội chi NSNN cả giai đoạn 2016 - 2020 là 3,6 - 3,7% GDP, vượt mục tiêu Nghị quyết số 25/2016/QH14 là tỷ lệ bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016 - 2020 không quá 3,9% GDP, năm 2020 không quá 3,5% GDP.

Bên cạnh những kết quả khả quan nêu trên, Bộ Tài chính cũng nhận thấy còn nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện mục tiêu về bội chi ngân sách. Theo đó, chi ngân sách gắn với các nghĩa vụ chưa được tính toán đầy đủ, chưa lường hết được như chi dự phòng lớn, chi thiên tai, dịch bệnh, vấn đề ô nhiễm môi trường, quá trình phát triển sản xuất kinh doanh theo chiều rộng... Do đó, bội chi NSNN sẽ không đạt kế hoạch trong trường hợp rủi ro về thu ngân sách, hoặc rủi ro về chi gắn với các nghĩa vụ dự phòng lớn, chi thiên tai, dịch bệnh,... 

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã từng chia sẻ, trên thực tế vẫn còn tình trạng chi tiêu sai chế độ ở một số đơn vị. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng. Kho bạc Nhà nước phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định. Bên cạnh đó, việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định, đặc biệt là mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nên chuyển nguồn sang năm sau thực hiện tiếp theo chế độ quy định.

Do đó, người đứng đầu ngành Tài chính đã khẳng định, thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát chi chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN để giúp giảm bội chi ngân sách, phấn đấu vượt kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020.

Nguồn: Thời báo Tài chính

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2019-11-08/kiem-soat-chat-chi-tieu-cong-keo-giam-boi-chi-ngan-sach-78697.aspx