VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Thị trường tiêu dùng: Chuyển mình đón cơ hội đầu tư

15/11/2019 - 294 Lượt xem

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng với những biến chuyển trong lối sống, thu nhập và hành vi người tiêu dùng. Vì vậy, tại “Hội nghị khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam” do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 12/11, các chuyên gia, DN cho rằng cần sớm nhận diện sự thay đổi trong khuynh hướng tiêu dùng tại Việt Nam để nắn dòng đầu tư vào lĩnh vực này, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp tiêu dùng phát triển.

Ảnh minh họa

Thay đổi nhanh để bắt kịp thị trường

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 10 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước (11,8%), tiêu dùng nội địa vẫn đang giữ vai trò động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế trong vài năm gần đây.

Theo các chuyên gia, kết cấu dân số trẻ, năng động sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy tốc độ đô thị hóa cao. Mặt khác, GDP hàng năm tăng trưởng cao cũng tạo tiềm năng cho đầu tư, cùng với thu nhập được cải thiện nên khả năng chi tiêu của người dân cũng cao hơn.

Một số xu hướng tiêu dùng chủ yếu đã thay đổi trong thời gian qua. Theo đó, tần suất mua sắm của người tiêu dùng tại cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, mô hình cửa hàng giá rẻ và đồng giá đang tăng lên nhanh chóng, trong khi lại giảm sút mạnh với chợ truyền thống.

Mua hàng trực tuyến đang trở thành xu hướng ưa chuộng, đặc biệt là với giới trẻ luôn đồng hành cùng các thiết bị di động, mạng xã hội. Ngoài ra, các nền tảng tìm kiếm và đặt chỗ như dịch vụ giao đồ ăn nhanh cũng như dịch vụ thuê nhà, đặt chỗ khám bệnh… có thể giúp các DN sàng lọc, tiếp cận khách hàng tiềm năng và nâng cao sự tiện lợi của khách hàng hiện hữu.

“Các DN nên tận dụng tối đa khả năng của truyền thông và nền tảng của mạng xã hội để xây dựng, quảng bá thương hiệu. Bởi với hơn 50% dân số truy cập internet, hiện mạng xã hội đang đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá sản phẩm tại Việt Nam”, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đưa khuyến cáo.

Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam luôn có hứng thú trải nghiệm với những sản phẩm mới. Điều này góp phần thúc đẩy các thương hiệu mới phát triển. Một điểm quan trọng hơn là tầng lớp trung lưu - nền tảng của tiêu dùng đang tăng nhanh. Tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm chất lượng cao chiếm đến gần 26% nhóm hàng tiêu dùng nhanh… Những điều này tạo ra cơ hội lớn cho DN trong việc thích ứng với những thay đổi của thị trường và bắt kịp các xu hướng mới.

Và đón xu hướng đầu tư mới

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Thương mại của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho rằng, các DN Việt Nam cần sớm nắm bắt thông tin đa chiều về sự thay đổi trong khuynh hướng tiêu dùng trong tương lai. 

Ông Hoàng phân tích, trong khi ở các nước phát triển, DN có xu hướng tập trung vào nhóm người cao niên, thì ở các nước đang phát triển như Việt Nam, nhóm người trẻ tuổi lại là nhóm đối tượng tiêu dùng chủ yếu. Mặc dù vậy, nhóm khách hàng trung niên và cao tuổi vẫn là một phân khúc không thể bỏ qua. Bởi trong tương lai, dân số Việt Nam cũng sẽ bước vào thời kỳ già hoá, khiến nhóm khách hàng này ngày càng phát triển.

Một vấn đề khác nữa cần lưu ý, hiện nay người tiêu dùng ở thành thị chỉ chiếm 35% dân số Việt Nam với khoảng 8 triệu hộ dân ở thành thị và 16-17 triệu hộ gia đình sống ở nông thôn. “Điều này cho thấy dư địa phát triển ở thị trường thành thị vẫn còn, nhưng ở nông thôn còn nhiều gấp 3-4 lần”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Chỉ ra ở nông thôn, tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh đã lên tới 69%, trong khi tỷ lệ kết nối internet tại nhà lên tới 38%, ông Hoàng cho rằng nền tảng số trong thời gian tới cũng sẽ trở nên phổ biến ở khu vực này, và các NĐT vào ngành bán lẻ không thể bỏ qua. 

Với những bước phát triển nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia châu Á được xem là khu vực sẽ phát triển nhanh chóng về thương mại điện tử. Tuy nhiên, xu hướng trong thời gian tới của lĩnh vực này không chỉ là đa kênh, mà còn là đa kênh tích hợp, với hành trình mua sắm của người tiêu dùng cực kỳ phức tạp.

Ông Hoàng cho hay, hiện nay châu Á đang là cái nôi phát triển thương mại điện tử và sẽ còn tăng tốc trong thời gian tới. Trong tương lai gần, Việt Nam cũng sẽ trở thành một trong những nước phát triển thương mại điện tử vượt bậc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, ông Hoàng cũng lưu ý, kênh thương mại truyền thống sẽ không “chết” như nhiều ý kiến đã nhận định. Vì trải nghiệm của người tiêu dùng luôn có xu hướng kết hợp “vừa ảo vừa thật”, do đó việc mua hàng trong thời gian tới sẽ được tích hợp đồng thời cả trực tiếp và trực tuyến. Nắm bắt được thị hiếu đó, tại Trung Quốc đang diễn ra đồng thời cả 2 xu hướng là nhà bán lẻ trực tuyến đầu tư vào chuỗi cửa hàng truyền thống, và mô hình truyền thống đang được số hoá. Các NĐT tại Việt Nam cần nghiên cứu để triển khai các mô hình này trong tương lai.

Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương đánh giá, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng. Các DN cũng như người tiêu dùng đang đứng trước cơ hội chuyển mình từ cuộc CMCN 4.0 và những lợi ích to lớn của xu thế hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, thương mại điện tử tại Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại cũng như thách thức trong phát triển bền vững. Để tận dụng tối đa tiềm năng, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cũng như cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng logistic… Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn nữa vai trò “đòn bẩy” của Nhà nước đối với DN tư nhân. Đặc biệt là hỗ trợ các DNNVV trong xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

http://thoibaonganhang.vn/thi-truong-tieu-dung-chuyen-minh-don-co-hoi-dau-tu-94628.html