VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20t%E1%BB%A9c

Nền kinh tế tiếp tục mở rộng đà tăng trưởng, nhưng cần cải thiện về 'chất'

31/10/2019 - 354 Lượt xem

Đây là chủ đề được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo “Động lực cho kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 30/10.

Tăng trưởng kinh tế tương đối cao

Trình bày báo cáo đánh giá tình hình KTVM từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho biết, 10 tháng năm 2019 đã chứng kiến bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có không ít bất định, kể cả thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác điều hành chính sách, cải cách kinh tế của đất nước đã bộc lộ không ít điểm sáng, tạo nên những kết quả tích cực về tăng trưởng kinh tế, ổn định KTVM. Theo đó, tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm 2019 đạt cao nhất gần thập kỷ qua. Trong đó, riêng quý III/2019, GDP tăng 7,31%, cao hơn so với cùng kỳ các năm trước (trừ quý III/2017).

“Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng. Quý III/2019 là quý thứ 10 liên tiếp GDP vượt mức tiềm năng. Dù vậy, tăng trưởng GDP tiềm năng vẫn giữ xu hướng giảm. Điều này đặt ra những cảnh báo về vấn đề cần củng cố chất lượng tăng trưởng” – ông Dương nhấn mạnh

Cũng theo ông Dương, từ đầu năm đến nay ghi nhận nhiều điểm sáng về động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế. Cụ thể đó là, sự tăng trưởng tương đối nhanh ở khu vực công nghiệp, nhất là khai khoáng đã tăng trưởng trở lại sau khi sụt giảm trong cùng kỳ năm 2018; tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng tăng nhẹ…

Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu vẫn giữ đà phục hồi tăng trưởng. Theo đó, thặng dư thương mại trong 9 tháng năm 2019 đạt 7,1 tỷ USD, vượt cả cùng kỳ năm 2018 (hơn 6,3 tỷ USD). Thặng dư thương mại 10 tháng ước 10 đạt 7 tỷ USD… Đặc biệt, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có sự giảm tốc, ngược lại DN trong nước phát triển xuất khẩu tương đối nhanh, vượt mức xuất khẩu của DN FDI…

Kinh tế vĩ mô

 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: D.T

Bên cạnh những kết quả tích cực, theo ông Dương, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước một số khó khăn, thách thức. Thứ nhất, chất lượng tăng trưởng chưa tương xứng vẫn là một vấn đề đáng quan ngại. Biểu hiện, mặc dù vai trò của khai khoáng trong GDP đã trở lại, song đóng góp theo điểm % không lớn trong 10 tháng năm 2019. Tồn kho của công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh hơn, cùng với đó là sự suy giảm của khu vực nông – lâm – thủy sản. Đặc biệt, tích lũy tài sản tăng chậm hơn các năm trước, gây ra lo ngại về năng lực sản xuất trong tương lai. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực và lao động vẫn còn thấp, các vấn đề môi trường đang phức tạp hơn…

Thứ hai, hiệu quả sử dụng nguồn lực ở khu vực công còn nhiều bất cập. Đó là tình trạng giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng vẫn rất chậm, làm giảm hiệu quả đầu tư công và tăng chi phí vốn (kể cả chi phí cơ hội); tình trạng lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước còn hiện hữu…

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành một điểm đến đầu tư, địa điểm dịch chuyển đầu tư tương đối hấp dẫn (nhờ tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh hay tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung…), nhưng nếu không sàng lọc tốt và kịp thời, các dự án FDI có thể khó mang lại hiệu quả cao như kỳ vọng, thậm chí sẽ xuất hiện những dự án “núp bóng” đầu tư, gây hệ lụy đến môi trường, xã hội…

Tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt mức 7,02%

Theo nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo của CIEM, biễn biến KTVM trong những tháng cuối năm 2019 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới vẫn có thể gia tăng, cùng với căng thẳng thương mại ở khu vực chưa hạ nhiệt, còn nhiều bất định… Bên cạnh đó, dù Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đi vào thực thi, song xuất khẩu vào các thị trường CPTPP chưa nhanh như kỳ vọng, mặt khác khả năng tận dụng ưu đãi từ các FTA hiện có nhìn chung chưa cao…

Từ những phân tích trên, theo dự báo của CIEM, tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt mức 7,02%. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 8,13%. Lạm phát bình quân năm 2019 có thể ở mức 2,78%...

Đưa ra những khuyến nghị về mặt chính sách cho những tháng cuối năm 2019, ông Nguyễn Đình Cung – chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, trước hết cần tiếp tục duy trì và củng cố vững chắc ổn định KTVM, để trực tiếp hỗ trợ hợp lý đối với tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần xem xét, bãi bỏ các rào cản, thủ tục hành chính bất hợp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường… nhằm tạo thuận lợi và khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân xây dựng năng lực sản xuất kinh doanh mới cho nền kinh tế.

Đặc biệt, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư công, đồng thời cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, thoái vốn của DN nhà nước…

Ngoài ra, theo khuyến nghị của ông Nguyễn Anh Dương, Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, bằng việc nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến CPTPP, chuẩn bị sẵn sàng những nguồn lực trong nước đáp ứng cho việc phê chuẩn và thực thi FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu… trong thời gian tới./. 

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2019-10-30/nen-kinh-te-tiep-tuc-mo-rong-da-tang-truong-nhung-can-cai-thien-ve-chat-78299.aspx