VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin mới

Sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng tới kinh tế tuần hoàn

30/10/2019 - 363 Lượt xem

Thông điệp trên được đưa ra tại Hội nghị “Hành động sản xuất tiêu dùng hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững” do Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam tổ chức vào sáng ngày 25/10.

san xuat va tieu dung ben vung huong toi kinh te tuan hoan

Nhu cầu cấp thiết

Trong nền kinh tế tuyến tính truyền thống, các nhà sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ. Sau đó, phế thải từ sản xuất và tiêu dùng bị đưa đi chôn lấp, thải ra môi trường tự nhiên. Chẳng hạn như: Dệt may là ngành sử dụng nhiều loại hóa chất, thuốc nhuộm, chất trợ dệt. Các chất này còn lưu lại trên sản phẩm tiêu dùng hoặc bị thải bỏ gây ô nhiễm môi trường. Theo số liệu thống kê, toàn ngành dệt may thải ra môi trường hàng năm trung bình khoảng 70 triệu m3 nước thải.

Hay tại các làng nghề, chất thải phát sinh cũng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và khó kiểm soát. Ông Tôn Gia Hóa – Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam – cho biết, hàm lượng các chất ô nhiễm từ một số làng nghề vượt quá quy chuẩn việt Nam hàng chục lần. Ô nhiễm chất vô cơ bắt nguồn từ các làng nghề dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ và mây tre đan, tái chế giấy, nước thải có hàm lượng cặn lớn và chứa nhiều chất ô nhiễm như dung môi, dư lượng các chất trong quá trình nhuộm, đánh bóng…

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, Việt Nam đang có 13 làng nghề bị đưa vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần phải được xử lý triệt để.

Đối với hệ thống phân phối hiện nay, lưu thông hàng hóa, dịch vụ vẫn chủ yếu qua các kênh truyền thống, trong đó khoảng 40% lưu lượng hàng hóa thực hiện qua hệ thống chợ, 25% qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại còn lại 35% qua bán hàng trực tuyến, cửa hàng bán lẻ hộ gia đình. Các cơ sở phân phối này cũng ẩn chứa nguy cơ gây ô nhiễm nhựa và nilon…

“Chính những mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống đã và đang tạo sức ép đối với môi trường xã hội”- bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững – đánh giá. Đồng thời nhấn mạnh, sản xuất và tiêu dùng bền vững sẽ là quá trình thúc đẩy sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả, hạ tầng bền vững và đảm bảo tất cả mọi người được tiếp cận tới các dịch vụ cần thiết, thân thiện với môi trường.

"Xanh" từ sản xuất đến tiêu dùng

Trước những thách thức về tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng, trong thời gian gần đây, Việt Nam đã có những chính sách để tạo điều kiện phát triển kinh tế sạch - kinh tế tuần hoàn. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (SCP), Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 và Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020.

Thông qua các Chương trình, chiến lược, các mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn đã được xây dựng mà trong đó có các giải pháp giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải. Bộ Công Thương đã ban hành hơn 20 hướng dẫn kỹ thuật áp dụng sản xuất sạch hơn cho hơn 20 ngành công nghiệp khác nhau. Các mô hình này đã chứng minh tính hiệu quả về cả mặt môi trường và kinh tế cho các doanh nghiệp.

Đại diện Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) – cho biết, Sở đã triển khai ứng dụng mô hình tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp trên địa bàn, bước đầu có những kết quả nhất định. Theo đó, có 104 giải pháp tiết kiệm năng lượng được áp dụng, tiết kiệm trên 2.600 TOE/năm, tương đương 31,6 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh việc thúc đẩy năng lượng tiết kiệm hiệu quả, Sở Công Thương Hà Nội còn khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo thông qua mô hình thí điểm hệ thống pin mặt trời áp mái tại Công ty CP sản xuất và kinh doanh đồ uống Thảo Mộc. Hiện, TP. Hà Nội cũng đang nghiên cứu mở rộng các mô hình thí điểm để tiến tới nhân rộng toàn thành phố.

Đối với ngành công nghiệp dệt may – nhuộm, một số doanh nghiệp cũng đã ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường, nâng cấp các hệ thống xử lý nước thải… góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh sản xuất hướng đến tiết kiệm năng lượng hiệu quả và sạch, hệ thống phân phối hiện đại của Việt Nam cũng hướng đến phân phối “xanh”. Đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều cửa hàng chuyên doanh hiện đã có sự nhận biết đầy đủ và cập nhật về các sản phẩm thân thiện với môi trường từ cả hai phía doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Chẳng hạn đối với các cửa hàng chuyên doanh ngành dệt như hệ thống cửa hàng khăn Mollis… xu hướng sử dụng nguyên liệu hữu cơ thân thiện với môi trường đang được nhân rộng. Ở các cửa hàng chuyên doanh điện máy như chuỗi siêu thị điện máy xanh, sản phẩm tiết kiệm năng lượng có giá thành phải chăng tiếp tục được đón nhẫn. Đối với ngành thực phẩm và hóa mỹ phẩm, Hệ thống cửa hàng khăn Mollis, Chuỗi thực phẩm chức năng và mỹ phẩm thiên nhiên như The Body Shop, Le Ocitane, Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển, Bác Tôm… đang triển khai kinh doanh tập trung vào các sản phẩm hữu cơ. Đặc biệt, các siêu thị kinh doanh tổng hợp đều tham gia hưởng ứng phong trào phòng chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường như thay thế túi nilon bằng túi từ vật liệu thân thiện với môi trường; hay sử dụng ống hút bằng giấy, tre, gạo, cỏ… thay thế cho ống hút nhựa…

Mặc dù phong trào “xanh hóa” từ sản xuất đến tiêu dùng trong thời gian đã có những kết quả đáng ghi nhận, nhưng mới chỉ phổ biến ở các doanh nghiệp lớn. Việc triển khai áp dụng còn nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi các doanh nghiệp này năng lực tài chính hạn chế, nên việc thay đổi công nghệ, sử dụng công nghệ sạch còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phân phối bán lẻ hiện chưa thực hiện được việc quản lý năng lượng hiệu quả, vì chi phí đầu tư tối ưu việc tiêu thụ năng lượng còn cao...

Trong thời gian tới, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy từ kinh tế tuyến tính sang tuần hoàn; xem rác thải là nguồn nguyên liệu mới để sản xuất; học hỏi khả năng tái tạo và tuần hoàn của thiên nhiên; nhận thức mọi tài nguyên đều giới hạn để sản xuất dựa trên giới hạn đó; ý thức về cộng sinh công nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn...” – bà Nguyễn Thị Lâm Giang khuyến nghị.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ có kiến nghị, đề xuất với Chính phủ những cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tích cực tham gia hệ thống phân phối xanh; thúc đẩy sản xuất, phân phối, tiêu dùng hàng hóa thân thiện môi trường...

Được biết, hiện, Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030 đề trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào cuối năm 2019.

Nguồn: Báo Công thương

https://congthuong.vn/san-xuat-va-tieu-dung-ben-vung-huong-toi-kinh-te-tuan-hoan-127188.html