VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

Chuyên gia CIEM: Kinh tế tăng trưởng tích cực, nhưng rủi ro còn hiện hữu, trong đó có nỗi lo về chuyển dịch đầu tư bất thường từ Trung Quốc!

09/10/2019 - 292 Lượt xem

Chuyên gia CIEM: Kinh tế tăng trưởng tích cực, nhưng rủi ro còn hiện hữu, trong đó có nỗi lo về chuyển dịch đầu tư bất thường từ Trung Quốc!
 

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chỉ ra 4 vấn đề khi nhìn lại các chỉ số kinh tế trong 9 tháng đầu năm.

Thứ nhất, ông nhận xét dù tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa đi kèm với cải thiện tương xứng về chất lượng.

Diễn biến tăng trưởng của 3 quý đặt ra một số vấn đề, như rủi ro quay trở lại mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào khai thác và xuất khẩu khoáng sản; tăng trưởng chậm của khu vực nông lâm thuỷ sản.

"Bản thân tính bền vững của tăng trưởng kinh tế cũng là một dấu hỏi. Tăng trưởng GDP tiềm năng vẫn giữ xu hướng giảm", ông nói. Mặt khác, tốc độ tăng tích luỹ tài sản thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước cũng đặt ra lo ngại về duy trì năng lực sản xuất trong tương lai, theo ông Dương.

Nguyên nhân có thể do tăng trưởng tín dụng tương đối chậm trong khi tín dụng phi chính thức có phần bị kiểm soát hơn. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay chưa giảm, giải ngân đầu tư công chậm, chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động còn thấp hay các vấn đề môi trường… khiến cho diễn biến trở nên phức tạp hơn.

Thứ hai, ông Dương cho biết hiệu quả sử dụng nguồn lực ở khu vực công vẫn còn bất cập. 

"Giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm còn chậm, thậm chí thấp hơn 2018", ông nhận xét.

Hết tháng 9, số vốn giải ngân mới đạt hơn 192.130 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch Quốc hội giao, trong đó thấp nhất là giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ, ODA.

Hệ quả của giải ngân vốn đầu tư công chậm đã làm chậm phát huy tác động của nguồn vốn này đối với nền kinh tế; và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

"Lo ngại có thể sẽ gia tăng nếu việc phát hành Trái phiếu Chính phủ vẫn được thực hiện một cách thiếu linh hoạt, không tính đến hiện trạng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn này. Khu vực doanh nghiệp nhà nước còn quản lý lượng tài sản lớn, nhưng việc giao chỉ tiêu và đánh giá hiệu quả cho khu vực này còn chưa tương xứng, tình trạng lãng phí trong sử dụng ngân sách vẫn hiện hữu", ông nói thêm.

Thứ ba là vấn đề về chuyển dịch đầu tư gắn với xuất nhập khẩu gần đây. Ông Dương đặc biệt lưu ý về tương tác của Việt Nam với các đối tác thương mại và đầu tư chủ chốt là Mỹ và Trung Quốc.

Theo ông, chuyển dịch đầu tư bất thường từ Trung Quốc, với vốn đăng ký mới đạt hơn 2,0 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, chỉ thấp hơn Hàn Quốc, đi kèm với gia tăng nhập khẩu từ nước này, có thể kéo theo lo ngại Việt Nam thành "bãi đáp" cho các doanh nghiệp nước này lẩn tránh các biện pháp áp thuế quan và các biện pháp khác của Mỹ.

"Hình ảnh về đầu tư của Trung Quốc chỉ có thể được cải thiện nếu có những đột phá tích cực, với kết quả đủ nhanh và đủ bao trùm, song hiện thực hóa yêu cầu này là không đơn giản", ông nói.

Theo ông, bản thân xu hướng chuyển dịch đầu tư này có thể làm trầm trọng thêm vấn đề cạnh tranh, chèn lấn của doanh nghiệp FDI đối với doanh nghiệp trong nước - vốn đã hiện hữu trong nhiều năm.

"Việt Nam không phân biệt đối tác đầu tư, nhưng thách thức chính là làm sao cân đối giữa yêu cầu sàng lọc dự án đầu tư với việc giảm các chi phí chính sách không cần thiết cho hoạt động đầu tư", ông nhấn mạnh.

Vấn đề cuối cùng là việc làm thế nào để tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại.

Lấy ví dụ về Hiệp định CPTPP, ông cho biết quá trình chuẩn bị cho đàm phán và phê chuẩn hiệp định này diễn ra trong thời gian không ngắn, nhưng những rà soát, chuẩn bị về một số văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn chậm. Do đó, nếu không rút kinh nghiệm từ quá khứ, những lợi ích từ Hiệp định EVFTA nói riêng và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung có thể bị suy giảm.

Mặt khác, để tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam, các cơ quan chức năng cần phải có cái nhìn nghiêm túc hơn về "hàng Việt Nam" và các quy định, chế tài liên quan.

 

Nguồn: Trí thức trẻ