VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Siết chặt điều kiện hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá

08/10/2019 - 298 Lượt xem

Đây là một trong những nội dung được Bộ Tài chính bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá.

Nghề thẩm định giá là công cụ hữu hiệu, giúp cho thị trường tài sản trở nên công khai, minh bạch.

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện và lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá.

Theo Bộ Tài chính, sau 6 năm thi hành Luật giá và Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá (Nghị định số 89) cho thấy, bên cạnh các mặt đạt được, các quy định hướng dẫn chi tiết Luật giá tại Nghị định số 89 đã phát sinh một số hạn chế và bất cập.

Cụ thể, trong quá trình cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá, cũng như quản lý điều kiện hành nghề của thẩm định viên về giá dẫn đến số lượng doanh nghiệp thẩm định giá phát triển nóng, phá vỡ định hướng phát triển nghề trong giai đoạn 2013 – 2020. Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ thấp giá và chất lượng dịch vụ, nhiều vụ việc thẩm định giá trong thi hành án, vay vốn ngân hàng gây bức xúc trong dư luận và xã hội.

Vì vậy, để tăng cường biện pháp quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá, Bộ Tài chính đã xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 89 nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý ổn định và thống nhất trong lĩnh vực thẩm định giá; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động thẩm định giá, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá. Qua đó, phát triển nghề thẩm định giá tài sản theo lộ trình phù hợp và trở thành công cụ hữu hiệu, giúp cho thị trường tài sản trở nên công khai, minh bạch...

Cụ thể, dự thảo đã bổ sung quy định về thu hồi thẻ thẩm định viên về giá có trong những trường hợp: Gian lận để được cấp Thẻ thẩm định viên về giá; Người đã được cấp Thẻ thẩm định viên về giá bị kết án về tội liên quan đến hành nghề thẩm định giá và bản án đã có hiệu lực pháp lý; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước có thời hạn Thẻ thẩm định viên về giá từ 02 lần trở lên.

Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định hiện hành, mới quy định Thẻ thẩm định viên bị thu hồi trong các trường hợp gian lận để được cấp Thẻ thẩm định viên về giá mà chưa quy định trường hợp thu hồi khi thẩm định viên về giá có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quá trình hành nghề.

Tham khảo một số các quy định về thu hồi các giấy phép, chứng chỉ hành nghề (như chứng chỉ hành nghề luật sư tại Luật Luật sư, chứng chỉ hành nghề dược tại Luật Dược…) cho thấy nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước có thời hạn chứng chỉ hành nghề từ 02 lần trở lên thì bị thu hồi chứng chỉ hành nghề.

Đồng thời, những trường hợp đã được cấp Thẻ thẩm định viên về giá mà bị kết án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên thì cũng cần thiết phải thu hồi Thẻ thẩm định viên về giá. Quy định này cũng phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 36 Luật Giá về người đã bị kết án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên không được hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về điều kiện của người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá. Cụ thể, người đại diện phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp theo quy định, đồng thời có ít nhất 3 năm là thẩm định viên về giá hành nghề và ký ít nhất 30 bộ Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá.

Theo Bộ Tài chính, Luật giá quy định người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nghị định số 89/2013/NĐ-CP khi cụ thể hóa quy định trên tại Luật giá chưa quy định riêng về điều kiện của thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp với tư cách người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá.

Hiện nay, điều kiện đăng ký hành nghề của thẩm định viên về giá là người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá không có sự khác biệt với các thẩm định viên về giá của doanh nghiệp.

Thực tế đó dẫn đến thẩm định viên mới được cấp Thẻ thẩm định viên về giá, chưa có kinh nghiệm thực tế hành nghề thẩm định giá, chưa xây dựng được uy tín với khách hàng đã đăng ký hành nghề thẩm định giá với tư cách người đại diện pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá và để thu hút khách hàng thường cạnh tranh bằng hạ giá dịch vụ thay vì cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ.

Việc bổ sung quy định này nhằm tăng cường chất lượng hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá, giảm tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ thẩm định giá. Quy định này có thể làm tăng điều kiện kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh thẩm định giá. Tuy nhiên, đối với loại hình kinh doanh có điều kiện có tính chuyên môn cao, kết quả tư vấn ảnh hưởng lớn đến quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng thẩm định giá thì quy định này thực sự cần thiết.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), kể từ khi Luật Giá đi vào cuộc sống đến nay, có thể khẳng định, đây là văn bản pháp lý quan trọng thể hiện tư duy đổi mới phương thức quản lý giá trong nền kinh tế thị trường, theo hướng khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh.

Việc sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm định giá tại thời điểm này là hết sức cần thiết, nhằm nâng cao vai trò của Nhà nước, tăng cường công tác kiểm soát hoạt động nghề đối với các doanh nghiệp thẩm định giá. Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP sẽ bổ sung một số quy định nhằm đưa hoạt động thẩm định giá đi vào nề nếp, góp phần quản lý chặt chẽ hơn.

Nguồn: Tạp chí Tài chính