VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin mới

“Đòn bẩy” từ các hiệp định thương mại tự do

19/09/2019 - 344 Lượt xem

Xuất khẩu tăng trưởng cao nhờ FTA
Gỗ được đánh giá là một trong những ngành hàng được hưởng lợi lớn nhất khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực. Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (SADACO) cho biết, EVFTA mang đến một số thuận lợi nhất định cho ngành gỗ XK của Việt Nam sang EU. Đầu tiên là giảm thuế theo lộ trình nhất định, thậm chí có những mặt hàng thuế về bằng 0%. Thứ hai là cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt tiếp cận máy móc thiết bị hiện đại, cũng như các kênh phân phối của EU tốt hơn. Một thuận lợi nữa là thông qua những yêu cầu bắt buộc, những tiêu chuẩn cao của hiệp định này DN sẽ trưởng thành thêm, tự nâng cao quản trị kinh doanh, phát triển sản phẩm, quy trình sản xuất…

SADACO là một trong những DN đã tận dụng tốt các ưu đãi từ các FTA đã ký kết. Ông Trần Quốc Mạnh thông tin: “Với kinh nghiệm sản xuất đồ gỗ trên 30 năm, khi triển khai EVFTA, chúng tôi tương đối tự tin. Hiện tại toàn bộ thông tin, quá trình triển khai EVFTA chúng tôi đều nắm chắc. Kim ngạch XK gỗ vào EU đã chiếm đến gần 40% trong tổng số doanh thu 500 tỷ đồng của SADACO thời gian qua”.

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, thời gian qua, tất cả các nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, cho thấy các ưu đãi từ các FTA cơ bản đã được ta tận dụng có hiệu quả.

Đơn cử, XK sang Nhật Bản tám tháng đầu năm đạt 13,39 tỷ USD, tăng 9,9%; XK sang Hàn Quốc đạt 12,56 tỷ USD, tăng 5,3%; XK sang ASEAN đạt 17,3 tỷ USD, tăng 3,7%; XK sang Nga đạt 1,92 tỷ USD tăng 14,2%; XK sang New Zealand đạt 358,8 triệu USD tăng 12,8% so với cùng kỳ...

Đặc biệt, kim ngạch XK sang các thị trường thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy XK, đa dạng hoá thị trường XK. Cụ thể, XK sang Canada tám tháng đầu năm đạt 2,59 tỷ USD, tăng 31,3%; xuất khẩu sang Mexico đạt 1,85 tỷ USD, tăng 20,9%. Canada đang là thị trường có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất của Việt Nam với mức tăng lên tới hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) phân tích, CPTPP và EVFTA được đánh giá là những hiệp định quan trọng nhất, đã mở ra điều kiện để hàng hóa Việt Nam đi vào thị trường cao cấp. CPTPP được đánh giá là FTA thế hệ mới, được cam kết ở mức rất cao. Rất nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, có thể XK hiệu quả vào các khu vực này như dệt may, giày dép, điện thoại, thủy hải sản…

Không chỉ mang lại những kết quả cao cho XK, nhập khẩu cũng được đánh giá là sẽ có hiệu quả hơn. “Khi CPTPP và EVFTA được thực thi, khả năng nhập khẩu sẽ tăng lên và nhập siêu có thể quay trở lại, nhưng là nhập siêu tốt. Bởi ta sẽ nhập được công nghệ hiện đại với giá cả phải chăng về để tăng năng lực nền kinh tế vào những năm sau”, ông Phạm Tất Thắng cho biết.

Chú trọng xuất xứ
Ông Phạm Tất Thắng tin tưởng những tháng cuối năm, xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn theo chiều hướng tốt, đặc biệt khi các FTA ngày càng phát huy tác dụng. Nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp sạch bắt đầu đi vào quy củ, tạo nguồn hàng dồi dào cho XK. Những tháng cuối năm, nếu phía EU dỡ bỏ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam, XK thủy sản nói riêng và hàng hóa nói chung sang khối thị trường này chắc chắn sẽ khởi sắc hơn.

Tuy nhiên, song song với những kỳ vọng, hoạt động XK vẫn tiềm ẩn một số lo ngại. Cụ thể, một số mặt hàng truyền thống đang có kim ngạch XK giảm như gạo, than đá, dầu… Điều này đặt ra yêu cầu hoạt động XK, nhất là XK của DN 100% vốn trong nước cần phải nỗ lực hơn nữa.

Ngoài ra, EVFTA hay CPTPP giúp Việt Nam có thêm ưu đãi thuế ở một số thị trường rộng lớn như Canada, Mexico, Peru, Pháp, Đức… DN được khuyến cáo cần đặc biệt chú ý điều này vì đây là những thị trường tiềm năng, có khả năng XK lớn. “Nhưng phải lưu ý, chỉ khi hàng hóa Việt Nam có chứng nhận xuất xứ Việt Nam, đạt tỷ lệ nội địa hóa nhất định mới được hưởng thuế suất đó. Do vậy bên cạnh việc DN nỗ lực nội địa hóa, cần đề phòng hiện tượng hàng hóa nước ngoài mạo danh hàng Việt Nam để XK vào các nước CPTPP”, ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.

Cùng chung ý kiến, ông Trần Quốc Mạnh cho rằng, thách thức của EVFTA đặt ra cho ngành gỗ là không hề nhỏ vì EU đã dựng lên rào cản kỹ thuật lớn. Đó là xác định nguồn gốc nguyên liệu gỗ đưa vào sản xuất. Còn ngành gỗ Việt dù nguyên liệu trong nước đã tăng dần nhưng vẫn phải sử dụng tới gần 50% nguyên liệu nhập khẩu. Vấn đề này đặt DN trước một số khó khăn như xác định nguồn gốc gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam và nguồn gốc gỗ nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam.

“Trước mắt, phía EU đã nhìn ra khó khăn của các DN Việt Nam nên đang hỗ trợ cho DN thuộc Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh thực hiện dự án xác định nguồn gốc bền vững. Dù dự án này không lớn nhưng cho thấy sự tích cực của EU và sẽ có không ít DN được hưởng lợi từ dự án này”, ông Trần Quốc Mạnh thông tin.
CPTPP và EVFTA có hiệu lực, hàng rào phi thuế quan cắt bỏ thì hàng rào kỹ thuật tăng lên, khiến chúng ta không còn dựa được nhiều vào các lợi thế từ nhân công giá rẻ, mà phải cạnh tranh bằng chất lượng. Điều này thúc ép ta thực hiện nghiêm túc hơn chủ trương của Chính phủ là tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế kinh tế để mang lại lợi ích nhiều hơn cho người sản xuất. Các DN cũng cần nỗ lực hơn để chủ động nguồn nguyên liệu. Điều này là khó, nhưng khi làm được, DN sẽ còn có cơ hội mở rộng hơn nữa thị trường cho mình, không chỉ trong phạm vi các quốc gia có FTA.

Nguồn: Báo Nhân dân

https://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/41612902-%E2%80%9Cdon-bay%E2%80%9D-tu-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do.html