VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Công nghệ - chìa khóa để Việt Nam hội nhập EVFTA thành công

19/07/2019 - 389 Lượt xem

Ông Brian Hull, Tổng giám đốc Công ty TNHH ABB (trực thuộc Tập đoàn ABB) - một trong những DN FDI lâu đời nhất tại Việt Nam nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

* PV: Là một trong những DN EU có mặt đầu tiên tại Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về cơ hội đối với cộng đồng DN EU và Việt Nam mà EVFTA mang tới?

- Ông Brian Hull: EVFTA có hiệu lực chắc chắn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao hơn và mang tới nhiều cơ hội hơn cho đầu tư mới, tạo ra nhiều việc làm hơn.

brian
 Ông Brian Hull

Hiệp định sẽ mở ra cơ hội cho các DN EU và Việt Nam mở rộng hợp tác kinh doanh và tạo động lực cho cộng đồng DN ở châu Âu mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đối với các DN EU nói chung và ABB nói riêng, tôi nghĩ cơ hội đến từ tiềm năng thị trường, sự thông thoáng về cơ chế, các chính sách  hỗ trợ và bảo vệ các nhà đầu tư phát triển dự án mới ngay từ giai đoạn đầu…

Bên cạnh đó, chúng tôi nhìn thấy rõ những lợi ích to lớn của DN Việt Nam. Những tập đoàn lớn như ABB được thừa hưởng các nền tảng công nghệ phát triển của châu Âu sẽ thực hiện những cuộc chuyển giao công nghệ ở nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, sản xuất như robot, hệ thống quản lý sản xuất... 

Ngay sau khi EVFTA được ký kết cũng là lúc chúng tôi bắt đầu thực hiện đưa số hóa vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng điện và nước - lĩnh vực mà chúng tôi cho rằng sẽ có nhu cầu tăng trưởng trong thời gian tới.

* PV: Vậy theo ông, bên cạnh những cơ hội đó thì khó khăn thách thức từ EVFTA mà DN sẽ phải đối mặt là gì?

- Ông Brian Hull: EVFTA mở ra thị trường mới, nhưng đồng thời cũng tạo sự cạnh tranh cao hơn trên thị trường. Điều này có nghĩa là các DN phải liên tục tìm kiếm các sản phẩm và công nghệ sáng tạo, để nâng cao sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. 

Do đó, các DN cần chú trọng đầu tư đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực xuất sắc, chất lượng cao để tận dụng được những lợi tích tốt nhất mà công nghệ kỹ thuật số mới mang lại.

Tôi tin rằng đầu tư vào phát triển lực lượng lao động lành nghề đi đôi với việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến sẽ mang đến cho DN cơ hội cải thiện năng suất, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao hơn nữa chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Đặc biệt, khi tham gia vào các hiệp định thương mại như EVFTA, chúng ta vẫn hay lo ngại một trong những khó khăn mà DN Việt Nam phải đối mặt là những đòi hỏi khắt khe về chất lượng, các điều kiện về kỹ thuật và an toàn thực phẩm…Các DN EU sẽ hợp tác để giúp DN bản địa nâng cấp dây chuyền sản xuất, đạt được mục tiêu sản xuất mới thông qua tự động hóa với năng suất cao hơn, lợi nhuận cao hơn và chi phí sản xuất giảm. 

* PV: Để tận dụng những cơ hội đến từ EVFTA, ABB Việt Nam có kế hoạch và sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

- Ông Brian Hull: Chúng tôi tập trung phát triển nguôn nhân lực và đã đầu tư hơn 3.400 ngày đào tạo, gửi nhân viên tài năng tới một trường đào tạo kinh doanh hàng đầu của Mỹ để đảm bảo họ được cập nhật những ý tưởng quản lý mới nhất. 

Bên cạnh đó, chúng tôi đã hợp tác với Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh nhằm đào tạo thế hệ kỹ thuật viên sản xuất trong tương lai cho các nhà máy. 

Bên cạnh đó, để ứng dụng và phát triển công nghệ 4.0 tại Việt Nam, chúng tôi đã thành lập trung tâm dịch vụ kỹ thuật và dịch vụ robot đầu tiên của Việt Nam tại Bắc Ninh và sắp tới sẽ thành lập trung tâm khác tại TP. Hồ Chí Minh. Các trung tâm này là cầu nối, tạo điều kiện để chúng tôi hỗ trợ khách hàng của mình là các DN Việt phát triển công nghệ 4.0.

* PV: Theo ông, Việt Nam cần có những chính sách hay động thái  như thế nào để có thể tận dụng hội từ EVFTA một cách hiệu quả và bền vững?

- Ông Brian Hull: Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần áp dụng kỹ thuật số hóa công nghiệp - sản xuất tiên tiến thông qua robot và tự động hóa và đảm bảo sự tiếp cận đối với nguồn năng lượng bền vững - là điều mà nhiều nhà đầu tư châu Âu cân nhắc. 

Theo đó, tôi cho rằng Chính phủ có thể cung cấp hỗ trợ theo ba cách. Thứ nhất, các tổ chức giáo dục được khuyến khích triển khai các khóa học cụ thể trong các môn học liên quan như robot, công nghiệp 4.0…để đảm bảo cung cấp nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.

 Thứ hai, Việt Nam cần có cơ chế thông thoáng và linh hoạt hơn nữa, các thông tin chính sách của Nhà nước cần minh bạch hơn. Và đặc biệt, Việt Nam cần có thêm nhiều chính sách hiệu quả để kích thích áp dụng công nghệ mới nhất. Ví như hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ cho các nhà đầu tư tư nhân và các DN có sử dụng công nghệ thông minh. 

Ngoài ra, các dự án đấu thầu của Chính phủ, mua sắm và cấp phép đầu tư cần cân nhắc công nghệ thông minh là yếu tố bắt buộc, phải đảm bảo rằng Việt Nam sử dụng công nghệ kỹ thuật số thông minh, bền vững.

Cuối cùng, Việt Nam cần tập trung vào đổi mới, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong nước và thúc đẩy mô hình hợp tác giữa các ngành công nghiệp, chính phủ và giới học thuật về các công nghệ thời đại mới như AI, ML, và robot...

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2019-07-05/cong-nghe-chia-khoa-de-viet-nam-hoi-nhap-evfta-thanh-cong-73581.aspx