VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20b%E1%BB%81n%20v%E1%BB%AFng

FDI từ Trung Quốc: Hoan nghênh dự án công nghệ cao, không gây ô nhiễm

08/05/2019 - 1098 Lượt xem

FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh

Vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Đó là điều có thể khẳng định khi nhìn vào số liệu thống kê về tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm.

Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài, 4 tháng đầu năm, Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam gần 1,7 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, sau Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore.

Tuy nhiên, nếu tách riêng vốn đầu tư trực tiếp, tức là loại trừ phần vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, Trung Quốc đang dẫn đầu, với 1,43 tỷ USD, bao gồm cả vốn cấp mới và tăng thêm. Không chỉ tăng nhanh trong những tháng đầu năm nay, vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng nhanh so với những năm gần đây. Con số của 4 tháng đầu năm 2015 chỉ là 34,87 triệu USD. Còn các con số tương ứng của 4 tháng các năm từ 2016 trở lại đây (chỉ tính vốn FDI) là 368,8 triệu USD; 773 triệu USD; 381,5 triệu USD.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, đã có 2 dự án quy mô lớn được các nhà đầu tư Trung Quốc đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Đó là Dự án Chế tạo lốp xe radian toàn thép ACTR, tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD, do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh và Dự án Lốp Advance Việt Nam của nhà đầu tư Guizhou Advance Type Investment Co.,Ltd, với tổng vốn đăng ký 214,4 triệu USD.

Bình luận về xu hướng này, ông Nguyễn Đức Thành (Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách -VRPR) cho rằng, sự vươn lên của FDI từ Trung Quốc đã phần nào “hiện thực hóa” nhận định của VEPR trong các báo cáo trước đây về sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhằm né tránh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và đón đầu Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Điều quan trọng, xu hướng này sẽ còn tiếp tục, khi ngày càng nhiều nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến thị trường Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến công du tới Trung Quốc để tham dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp khá nhiều tập đoàn hàng đầu Trung Quốc. Chẳng hạn, Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương, Tập đoàn Xây dựng năng lượng Trung Quốc, Tập đoàn Bảo hiểm Bình An, Alibaba, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc… đã bày tỏ mối quan tâm và mong muốn đầu tư tại Việt Nam.

Lựa chọn Dự án công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường

Phải thừa nhận rằng, chất lượng các dự án FDI từ Trung Quốc là chưa cao. Cuối năm ngoái, khi trả lời các đại biểu Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn thừa nhận, vốn FDI từ Trung Quốc chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn.

Tiếp các nhà đầu tư Trung Quốc bên lề Diễn đàn “Vành đai và Con đường”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đã nhắc đến tình trạng một số doanh nghiệpTrung Quốc đầu tư vào Việt Nam, nhưng triển khai chậm, trong đó có các dự án trong lĩnh vực sản xuất thép, xây dựng đường sắt…

Tuy nhiên, quay lưng lại với các dự án đầu tư của Trung Quốc không phải là một lựa chọn đúng. GS-TSKH Nguyễn Mại đã nhiều lần khẳng định rằng, “chẳng dại gì” mà không có định hướng để tận dụng lợi thế của Việt Nam, như gần gũi về vị trí địa lý, có quan hệ truyền thống về thương mại và đầu tư… để thu hút đầu tư từ Trung Quốc. Tất nhiên, cần cảnh giác và kiểm soát các dự án kém chất lượng, hoặc các dự án đầu tư vào Việt Nam nhằm “lẩn tránh” xuất xứ hàng hóa.

Quan điểm này cũng đã một lần nữa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các nhà đầu tư Trung Quốc.

Theo đó, sau khi tiếp ông Jonathan Choi, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah (Hồng Kông), đồng thời là Chủ tịch Phòng Thương mại Hồng Kông - Việt Nam và ông David Chow Kam Fai, Chủ tịch Tập đoàn Legendale (Macau) và nghe các nhà đầu tư này chia sẻ các kế hoạch “kéo” các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng không quên nhấn mạnh rằng, Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc tiêu biểu, có tiềm lực, có công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường.

Thông tin cho biết, Sunwah tới đây sẽ tổ chức một đoàn quy mô lớn các doanh nghiệp từ Quảng Đông sang xúc tiến đầu tư tại Việt Nam. Còn Legendale thì đang muốn đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và du lịch tại Việt Nam.

Tương tự, sau khi nghe các tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc, Xây dựng Thái Bình Dương, Xây dựng năng lượng Trung Quốc, Tập đoàn Bảo hiểm Bình An, Alibaba… chia sẻ mong muốn đầu tư các dự án hạ tầng, năng lượng… tại Việt Nam, Thủ tướng vui mừng cho biết, đây là những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhiều tiềm năng để phát triển và thu hút đầu tư.

“Các doanh nghiệp sẽ thành công nếu bảo đảm yêu cầu về môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm tiến độ dự án, giá cả hợp lý. Việt Nam không chấp nhận công nghệ cũ, lạc hậu”, Thủ tướng khẳng định.

Nguồn: Báo Đầu tư

https://baodautu.vn/fdi-tu-trung-quoc-hoan-nghenh-du-an-cong-nghe-cao-khong-gay-o-nhiem-d99448.html