VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Nền tảng tài chính hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

16/12/2018 - 1061 Lượt xem

Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam năm 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố ngày 20/12/2018 nhận định: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại, căng thẳng thương mại gia tăng, kinh tế Việt Nam năm 2018 vẫn tiếp tục đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận với tốc độ tăng GDP cao nhất trong 10 năm qua, thị trường tài chính có sự phục hồi mạnh mẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế 2018 sẽ đạt mức đạt 6,9 – 7%, lạm phát được kiểm soát dưới 3,6%, lạm phát cơ bản duy trì ổn định dưới 1,5%. Nến tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì và củng cố. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo: cán cân thanh toán quốc tế thặng dư cao, nợ công và cân đối ngân sách được kiểm soát. Tổng cầu của nền kinh tế duy trì mức tăng khá, xuất khẩu và tiêu dùng tăng cao hơn cùng kỳ. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư cao nhờ cán cân thương mại dự báo xuất siêu ở mức cao hơn năm 2017. Cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo. Tỷ lệ nợ công/GDP năm 2018 giảm và dự kiến đạt 61,4%.

Điểm sáng thể hiện trong báo cáo là “nền tảng tài chính tiếp tục được củng cố, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, ông Đặng Ngọc Tú - Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Uỷ ban tài chính quốc gia cho biết. Trong đó, cán cân tài chính tiếp tục thặng dư nhờ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục khá, dòng vốn đầu tư gián tiếp đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, kiều hối tăng trưởng trên 10%; khoản mục lỗi và sai sót giảm mạnh so với năm 2017. Nhờ đó, NHNN đã bổ sung được dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục (đạt khoảng 12 tuần nhập khẩu).

Ông Nguyễn Văn Thùy – Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Uỷ ban tài chính quốc gia cho biết, cung ứng vốn của thị trường tài chính chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào khu vực ngân hàng và gia tăng vai trò của thị trường vốn. Vốn cung ứng cho nền kinh tế từ hệ thống ngân hàng thấp hơn năm 2017, tăng trưởng tín dụng ở mức 14-15%  nhưng hiệu quả và chất lượng hơn khi hệ số thâm dụng tín dụng giảm từ mức 1,94 xuống còn 1,75 lần trong năm 2018. “Tín dụng chậm lại là yếu tố tích cực”, ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc phát triển Đại học Fulbright bình luận. Quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia - ông Trương Văn Phước phát biểu “Điều quan trọng, không phải là tín dụng nhiều hay ít, mà là chất lượng của dòng vốn đó. Cần điều chỉnh làm sao để dòng vốn đó đi vào sản xuất kinh doanh, tránh những lĩnh vực có quá nhiều rủi ro (bất động sản, đầu cơ chứng khoán…)”.

Bức tranh thị trường tài chính được thể hiện trong báo cáo cũng đã cho thấy hiệu quả của điều hành chính sách. Đó là lạm phát thấp, tỷ giá được điều hành linh hoạt. Tín dụng đã chảy vào sản xuất kinh doanh, chảy vào những lĩnh vực tạo tăng trưởng. Trong đó tín dụng dành cho công nghiệp là 21,5%, thương mại là 20,4% và các hoạt động dịch vụ khác là 37,3%. Tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro giảm. Dòng vốn huy động ngắn hạn của hệ thống ngân hàng để cho vay trung dài hạn đã được giảm xuống. “Những điều chỉnh chính sách như thời gian qua phù hợp với sự phát triển của thị trường vốn”, ông Phước phát biểu.

Với phân tích như vậy, ông cho rằng, tỷ lệ tín dụng/GDP hiện ở mức 131% là chấp nhận được, thậm chí tỷ lệ này có thể tăng thêm 5-7%. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đi vào những lĩnh vực hỗ trợ cho tăng trưởng, chứ không phải những lĩnh vực tạo ra rủi ro cho nền kinh tế.

Đánh giá tổng quan về thị trường tài chính, Quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia khẳng định: Trong năm 2018, chuyển biến thị trường tài chính Việt Nam là tốt. Điều đó được thể hiện ở chỗ: thị trường tiền tệ đã giải quyết cơ bản vấn đề nợ xấu; hoạt động của các tổ chức tín dụng đã tốt hơn; thị trường vốn đã có chuyển biến tích cực (ứng dụng các công cụ phái sinh trong kinh doanh mua bán chứng khoán)… “Nếu kiên trì đi theo con đường này, dần dần chúng ta sẽ mở rộng được thị trường tài chính và áp dụng các chuẩn mực quốc tế”, ông nhấn mạnh.

Một điểm tích cực nữa là thanh khoản hệ thống ngân hàng được đảm bảo, lãi suất và tỷ giá ổn định.  Lợi nhuận ngân hàng tăng khá một phần nhờ tăng trưởng kinh tế khởi sắc, phần quan trọng do các tổ chức tín dụng đẩy mạnh phát triển dịch vụ. Lợi nhuận toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng khá tạo thuận lợi cho quá trình xử lý nợ xấu thông qua sử dụng nguồn dự phòng rủi ro và thu hồi nợ. Kết quả là tỷ lệ nợ xấu giảm tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất cho vay trước áp lực tăng lãi suất trên thị trường quốc tế./.

Nguồn: Thoibaonganhang