VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

EVFTA - Những kỳ vọng mới và thách thức cho Việt Nam

21/12/2018 - 1293 Lượt xem

Chiều 17/10/2018, Ủy ban châu Âu đã họp báo chính thức công bố thông tin tích cực này và khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy đưa Hiệp định này đi vào thực thi trong thời gian sớm nhất. Đây là kết quả của cả quá trình phối hợp tích cực các nỗ lực về chính trị, đối ngoại, đàm phán, hợp tác, đấu tranh của cả hai bên, là tin vui cho toàn thể người dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Tối 17/10, giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange. Đây là cơ quan có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam. Ông Bernd Lange bày tỏ vui mừng trước việc Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam đã được Ủy ban châu Âu thống nhất trình Hội đồng châu Âu để ký, đây là bước quan trọng để Nghị viện châu Âu bắt đầu quá trình xem xét phê chuẩn, đáp ứng được sự mong đợi của cả hai bên, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa EU và Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu cũng khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam - EU trên tất cả các lĩnh vực.

Trong ngày 17/10, hội kiến với Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, trên cơ sở Ủy ban châu Âu đã thông qua Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam, Nghị viện châu Âu sớm xem xét phê chuẩn Hiệp định này cũng như Hiệp định bảo hộ đầu tư vào đầu năm 2019. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani đặc biệt vui mừng trước việc Ủy ban châu Âu đã thông qua việc trình Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam lên Hội đồng châu Âu và nhấn mạnh Nghị viện châu Âu sẽ nỗ lực để hoàn tất việc phê chuẩn hai Hiệp định này ngay trong đầu năm tới. Ông cũng khẳng định đây là lợi ích quan trọng của cả hai bên và có ý nghĩa lớn đối với thương mại giữa châu Âu và châu Á.

Việc Ủy ban châu Âu thông qua Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam ngay trước khi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM 12), nơi quy tụ lãnh đạo của 53 quốc gia châu Á và châu Âu là một thông điệp mới, mạnh mẽ và là hành động cụ thể khẳng định với cộng đồng quốc tế về nỗ lực đẩy mạnh kết nối, hợp tác liên khu vực giữa châu Âu và châu Á.

Trong thông báo của Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Junker nhấn mạnh Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam là ví dụ điển hình thể hiện chính sách thương mại hiện nay của EU, mang lại những lợi ích chưa từng có đối với doanh nghiệp và người dân Châu Âu và Việt Nam. Chủ tịch Jean Claude Junker nêu rõ việc Ủy ban châu Âu thông qua việc trình Hiệp định lên Hội đồng châu Âu ngay trước thềm ASEM 12 là sự khẳng định cam kết của EU mở cửa thương mại với châu Á và đề nghị Nghị viện châu Âu cũng như các nước thành viên thực hiện các bước cần thiết để hiệp định này nhanh chóng có hiệu lực.

Cao ủy Thương mại của Ủy ban châu Âu Cecilia Malstrom nhấn mạnh, Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và một thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp và các nhà đầu tư châu Âu, bày tỏ tin tưởng Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU sẽ nhanh chóng thông qua Hiệp định này để cho phép doanh nghiệp và người dân hai bên có thể sớm hưởng lợi những lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam.

Ngày 19/10/2019, bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEM diễn ra tại Brussels, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Cao ủy Thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom đã ra tuyên bố chung cấp bộ trưởng về FTA. Tuyên bố chung hoan nghênh việc Ủy ban châu Âu đệ trình các hiệp định lên cấp cao hơn là Hội đồng châu Âu đề nghị xem xét phê duyệt. Tuyên bố chung nhấn mạnh, các hiệp định này sẽ mở ra cơ hội mới về xuất khẩu và đầu tư cho các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, đồng thời cũng đặc biệt quan tâm tới quyền của người lao động và bảo vệ môi trường.

Phía châu Âu đang gấp rút dịch nội dung hai hiệp định ra 24 ngôn ngữ châu Âu, đồng thời đẩy nhanh các quy trình trước khi ký chính thức EVFTA (dự kiến cuối năm 2018).

Những bước tiếp theo: Ngay khi Hội đồng châu Âu có ủy quyền, hai hiệp định này sẽ được ký kết và sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Rồi ngay khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn hiệp định, Hội đồng châu Âu sẽ kết thúc tiến trình đối với Hiệp định Tự do Thương mại và đưa hiệp định đi vào thực thi, dự kiến trước tháng 5 năm 2019.

EVFTA - Những kỳ vọng mới và thách thức cho Việt Nam

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn 12 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên hơn 50,4 tỷ USD năm 2017; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng13,6 lần (từ 2,8 tỷ USD lên hơn 38,3 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 9 lần (1,3 tỷ USD lên 12,1 tỷ USD). Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ta sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản.

EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính đến năm 2017, đã có 24 trong số 28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với khoảng 2000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 21,5 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.

Đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU, một trong những đàm phán thương mại tự do quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay, đang đi vào những giai đoạn cuối cùng. Với tính chất là một FTA thế hệ mới, có phạm vi rộng và mức độ tự do hóa sâu, khi đi vào thực hiện, EVFTA dự kiến sẽ mang lại những tác động quan trọng đối với hoạt động kinh doanh thương mại giữa Việt Nam và EU.

Trong cuộc họp báo hôm 17/10 vừa qua, ngay sau khi Ủy ban châu Âu đệ trình 2 hiệp định lên Hội đồng châu Âu xin ủy nhiệm ký, bà Cecilia Malmstrom - Cao ủy Thương mại châu Âu đã nhấn mạnh lợi ích của các hiệp định này đối với doanh nghiệp châu Âu. Và khẳng định: Hai hiệp định thể hiện cam kết mạnh mẽ của EU đối với Việt Nam. Những hiệp định này quan trọng vì nhiều lý do, trước hết là giúp châu Âu tăng đầu tư, tạo thêm việc làm, thúc đẩy thương mại với một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á. Các công ty châu Âu sẽ được ưu tiên tiếp cận thị trường đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam với hơn 92 triệu người tiêu dùng; các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng dễ tiếp cận châu Âu hơn…

Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) thì nhấn mạnh:  Ngay khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ xóa bỏ 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu từ EU. Các dòng thuế còn lại sẽ được giỡ bỏ dần trong thời gian 10 năm xét tới thực tế là Việt Nam là nước đang phát triển. Hiệp định Tự do Thương mại có những điều khoản giải quyết các hàng rào phi thuế quan đang tồn tại trong ngành ô tô, cũng như bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 169 sản phẩm thực phẩm và đồ uống của châu Âu tại Việt Nam. Về tổng thể, EVFTA sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 10 - 15% và nâng xuất khẩu của Việt Nam sang EU thêm 30 - 40% trong hơn 10 năm tới. Dòng vốn chất lượng cao được dự báo sẽ vào Việt Nam, sản phẩm với những chất lượng tiêu chuẩn châu Âu sẽ được xuất khẩu với xuất xứ rõ ràng. 99% thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa hai phía sẽ được xóa bỏ.

Với EVFTA, Hiệp định cam kết mở cửa thị trường lên tới hơn 99% số dòng thuế và kim ngạch thương mại, thuế suất 0% sẽ được áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu mà hai bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản nhiệt đới, đồ gỗ... của Việt Nam và ô tô, máy móc-thiết bị, rượu bia, dược phẩm, nông sản ôn đới... của châu Âu (EU).

Về thương mại dịch vụ, cam kết của hai bên đều đi xa hơn cam kết trong khuôn khổ WTO. Các doanh nghiệp (DN) EU sẽ được hưởng ưu đãi hơn khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mà các doanh nghiệp (DN) EU có thế mạnh như dịch vụ tài chính - ngân hàng, phân phối, vận tải...

Hiệp định EVFTA còn đề cập tới những khía cạnh khác như: Cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư; giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước; Cạnh tranh, phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý, thể chế; tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi và bình đẳng cho hoạt động của các DN hai bên...nhằm tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai bên.

Đặc biệt, EVFTA còn có những vấn đề Việt Nam chưa từng cam kết như: Đầu tư (cả trong sản xuất và dịch vụ), chính sách đối với DN nhà nước (DNNN), mua sắm công, lao động, môi trường…

EVFTA khi được thực thi, nhất là việc dỡ bỏ thuế quan, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, cải thiện quy tắc xuất xứ và chứng nhận xuất xứ; cải thiện môi trường tạo thuận lợi thương mại - hỗ trợ kỹ thuật tăng cường nhận thức và áp dụng những tiêu chuẩn của thị trường EU…sẽ mang lại nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Khi tích cực và chủ động tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam có lợi thế trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có 2 nét mới. Một là, theo dự báo của EuroCham, EU sẽ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, là lĩnh vực tiềm năng được nhiều doanh nghiệp EU chờ đón, trong đó, ngoài việc tập trung nguồn vốn còn đẩy mạnh chuyển giao giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp, sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm. Với quy mô và tiềm năng về vốn, công nghệ của EU, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, cửa ngõ kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực châu Á. Hai là, việc đầu tư mà EVFTA hướng tới không chỉ nhằm vào sản xuất, xuất nhập khẩu mà còn cả những lĩnh vực dịch vụ đang "sôi sục" trong trào lưu cách mạng công nghệ 4.0 như viễn thông & công nghệ thông tin, kiến trúc & tư vấn kỹ thuật, dịch vụ môi trường. Khi phát triển các dịch vụ này đạt trình độ quốc tế, Việt Nam chẳng những bớt phần nhập khẩu mà còn có thể xuất khẩu nhiều dịch vụ chất lượng cao, không chỉ tăng đột phá kim ngạch xuất khẩu về giá trị mà còn cả về hiệu quả, cán cân thương mại tích cực.

Cam kết đầu tư trong EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tham gia đầu tư vào thị trường các bên. Theo đó, hai bên sẽ đối xử bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau, như: (1) Đối xử với các nhà đầu tư của nước thành viên bình đẳng như nhà đầu tư trong nước hoặc ngoài khối về lĩnh vực đầu tư và tiếp cận thị trường; (2) Không áp dụng các chính sách hạn chế như yêu cầu hàm lượng nội địa, sản xuất nội địa, bắt buộc chuyển giao công nghệ, hạn chế nhập khẩu và định mức xuất khẩu; (3) Đảm bảo hoàn trả và bồi thường cho nhà đầu tư nếu xảy ra thiệt hại trong trường hợp xung đột vũ trang, bất ổn xã hội, trường hợp khẩn cấp hoặc thiệt hại do chính sách nhà nước (trưng dụng gián tiếp); (4) Không trưng dụng, quốc hữu hóa các khoản đầu tư, trừ trường hợp dùng vào mục đích công, có bồi thường đúng pháp luật; (5) Công nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho các hình thức chuyển nhượng tài sản như góp vốn, trả lãi, giao dịch mua bán và bồi thường; (6) Nếu Hiệp định EVFTA bị hủy bỏ, nước thành viên phải tiếp tục áp dụng các điều khoản về đầu tư thêm 15 năm; (7) Các bên còn thống nhất cơ chế giải quyết tranh chấp chặt chẽ nhưng thân thiện để các khúc mắc, nếu có, sẽ được xem xét, khách quan, thấu đáo và phán quyết cuối cùng được tuân thủ.

Thực tế đã khẳng định FDI của EU là một trong những nguồn lực mới tạo sức đẩy "cỗ đại xa đổi mới" tăng tốc trên xa lộ hội nhập, bằng: (1) Mở ra kênh huy động vốn đầu tư quốc tế; (2) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế; (3) Thúc đẩy chuyển giao công nghệ; (4) Bổ sung hàng cho thị trường nội địa; (5) Mở mang xuất nhập khẩu và hội nhập quốc tế; và (6) Tạo ra quá trình chuyển đổi từ một quốc gia với lực lượng lao động tay nghề thấp sang tay nghề cao. EVFTA chính là công cụ tạo xung lực để Việt Nam bước tiếp trong tiến trình nói trên.

Trên thực tế, Dệt may, một trong những ngành công nghiệp lớn nhất Việt Nam với hơn 2 triệu nhân công sẽ hưởng lợi lớn nhờ sau khi ký kết FTA, mức thuế quan hiện nay 12% EU áp dung đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm xuống còn 0%. Cụ thể, điều này sẽ có lợi đối với 5 sản phẩm dẫn đầu xuất khẩu của Việt Nam (bộ vest nữ - 285 triệu, bộ vest nam - 233 triệu USD, áo khoác nam - 211 triệu, áo khoác nữ - 207 triệu và áo len - 166 triệu). Dựa trên số liệu năm 2009, việc cắt giảm thuế quan của EU sẽ giúp tăng xuất khẩu của 5 sản phẩm xuất khẩu dẫn đầu nói trên, trung bình hơn 20%.

Việt Nam là một trong 10 nhà xuất khẩu da giầy dép hàng đầu thế giới, với trên 500 doanh nghiệp, 1 triệu nhân công và chiếm 10% kim ngạch xuất khẩu hàng năm. xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào giầy da chất lượng cao (48%, 2,3 tỷ USD năm 2008) và giầy thể thao cho các thương hiệu giầy của Mỹ và EU; gần đây một số nhà sản xuất Việt Nam đã bắt đầu tập trung vào nhu cầu nội địa  Mức thuế quân bình quân gia quyền EU áp dụng đối với giầy dép nhập khẩu từ Việt Nam là 12,4%: Thuế nhập khẩu giầy da gồm cả thuế chống bán phá giá là 17%. Việc ký kết FTA trở nên đặt biệt quan trọng đối với xuất khẩu giầy dép Việt Nam: trong mô phỏng SMART (Ngân hàng thế giới), xuất khẩu các loại giầy dép khác nhau sẽ tăng từ 7 đến 21%; cần cộng thêm 14-16% do hết hạn áp dụng thuế chống bán phá giá.

Tuy nhiên, kinh nghiệm thực thi các cam kết WTO và các FTA trước đây của Việt Nam cho thấy, các lợi ích suy đoán từ một hiệp định sẽ không đương nhiên trở thành hiện thực; các quyền và nghĩa vụ theo các cam kết không tự nhiên phát huy tác dụng. Cần những nỗ lực lớn để thực thi các cam kết, hiện thực hóa các lợi ích và xử lý thách thức liên quan.

Trong một FTA thế hệ mới như EVFTA, bên cạnh các cam kết mang tính truyền thống về mở cửa/tiếp cận thị trường (mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ), số các cam kết mang tính quy tắc (rules), có ý nghĩa ràng buộc cách hành xử chính sách của các Bên, là rất lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực liên quan tới thương mại, kinh doanh. Việc thực thi các cam kết có liên quan tới trình tự, thủ tục hành chính này đòi hỏi việc cùng lúc rà soát và điều chỉnh về cơ chế, trong một số trường hợp còn điều chỉnh cả bộ máy và phương thức thực hiện, trong các lĩnh vực khác nhau. Hơn thế nữa, phần lớn các cam kết dạng này đều phải thực hiện ngay khi FTA phát sinh hiệu lực hoặc trong một thời hạn rất ngắn sau đó. Điều này đặt ra thách thức lớn không chỉ về năng lực mà cả về nguồn lực thực thi đối với Việt Nam.

Một phần lớn các cam kết (cả về tiếp cận thị trường và về quy tắc) trong các FTA thế hệ mới như EVFTA đòi hỏi việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung pháp luật nội địa trong những lĩnh vực liên quan cho phù hợp. Kinh nghiệm từ thực thi WTO của Việt Nam thời gian qua cho thấy, để đảm bảo việc triển khai thực thi các nghĩa vụ theo cam kết một cách đồng bộ (thống nhất về cách hiểu giữa các Bộ ngành, địa phương) và có hiệu quả (tránh trường hợp thực thi "bề mặt" – chỉ sửa đổi cho phù hợp với cam kết về hình thức trong khi không sửa đổi các quy định có liên quan, khiến cam kết không có ý nghĩa thực tiễn hoặc không thể triển khai hiệu quả). Do đó, để thực thi hiệu quả các cam kết trong EVFTA tương lai, ít nhất là từ góc độ các nghĩa vụ bắt buộc, cần thiết phải thiết lập một cơ chế chung, thống nhất, ở cấp Chính phủ với các mục tiêu như rà soát hệ thống pháp luật, để điều chỉnh đồng bộ pháp luật, kiểm soát tiến độ, hiệu quả điều chỉnh pháp luật theo cam kết …Cách thức vận hành của thiết chế này cũng cần được thiết kế phù hợp để đảm bảo khả năng chỉ đạo thống nhất việc thực thi trên thực tế.

Trên thực tế, với nguồn lực hạn hẹp của Nhà nước cũng như nhận thức còn hạn chế của cộng đồng doanh nghiệp, ở Việt Nam, câu chuyện vận dụng các quyền trong các cam kết thương mại quốc tế để bảo vệ những lợi ích hợp pháp còn ít được quan tâm. Điều này dẫn tới một thực tế là Việt Nam chưa tận dụng được đầy đủ các quyền của mình từ các cam kết này, khiến những lợi ích kỳ vọng khi đàm phán không  được hiện thực hóa, trong khi những tác động bất lợi từ các cam kết lại chưa được hạn chế tối đa. Việc hiện thực hóa các quyền trong cam kết FTA trên thực tế không chỉ đòi hỏi những thay đổi về nhận thức hay năng lực mà còn đặt ra những thách thức đáng kể về mặt thiết chế/cơ chế, trong đó có về cơ chế minh bạch hóa thông tin để có thể sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại; về thiết chế liên quan tới các hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ (SPS); về tư vấn, hướng dẫn, giải quyết vướng mắc trong quá trình thực thi các cam kết, áp dụng cam kết, gắn trực tiếp với quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân liên quan. Hiện ở Việt Nam chưa có bất kỳ một đầu mối hay thiết chế nào chính thức thực hiện việc tư vấn, hướng dẫn, giải quyết vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân (phần lớn là doanh nghiệp) trong những trường hợp như vậy.

Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả thực thi EVFTA cần chú ý rà soát các yêu cầu trong EVFTA cũng như thực tiễn hội nhập thời gian qua để thiết lập danh mục các vấn đề về mặt thiết chế cần được xử lý; thiết lập và vận hành các thiết chế cần thiết cho việc đảm bảo thực thi các nghĩa vụ và tận dụng hiệu quả các quyền theo cam kết EVFTA ở Việt Nam, đặc biệt là các hỗ trợ nâng cao năng lực, đóng góp kỹ thuật, thiết kế cơ chế và hỗ trợ nguồn lực xây dựng, vận hành bộ máy cho các thiết chế tương ứng phù hợp với tính chất, chức năng và đảm bảo tính khả thi trong triển khai…

Với tính chất là một FTA thế hệ mới, với sự mở cửa toàn diện, sâu rộng và có tác động mạnh nhất tới nền kinh tế Việt Nam và có vai trò quan trọng trong phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU, EVFTA đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam không chỉ trong đàm phán, mà cả trong quá trình thực thi, đặc biệt là từ góc độ thiết chế. Việc chuẩn bị các yếu tố cần thiết cũng như xây dựng các tiêu chí, dự liệu các giải pháp để vượt qua các thách thức này, thực thi tốt EVFTA là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể đạt được những lợi ích kỳ vọng từ FTA quan trọng này…

Nguồn: TS. Nguyễn Minh Phong (https://kinhtetrunguong.vn/web/guest/kinh-te-xa-hoi/-/view_content/content/1804120/evfta-nhung-ky-vong-moi-va-thach-thuc-cho-viet-n-1)