VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân

Bàn thêm về tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới

13/03/2014 - 713 Lượt xem

Tuy nhiên, thực tế Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai như thế nào và hiệu quả kinh tế cũng như hiệu quả xã hội đến đâu thì chúng ta cần tích cực và chủ động kiểm tra, giám sát thường xuyên. Bài viết xin được bàn thêm về đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện.

Nội dung chủ yếu của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được thể hiện qua 19 tiêu chí tại Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi một số tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Bao gồm các nội dung: Quy hoạch nông thôn mới; Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; Chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; Giảm nghèo và an sinh xã hội; Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; Phát triển giáo dục – đào tạo ở nông thôn; Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cư dân nông thôn; Xây dựng đời sống văn hóa, thông tin và truyền thông nông thôn; Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn; Giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn.

Rõ ràng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đòi hỏi có nguồn vốn, kinh phí lớn, có sự tham gia hợp tác của nhiều bộ ngành liên quan. Chính vì vậy, tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cần phải được kiểm tra, giám sát thông qua KTNN với tư cách là cơ quan kiểm tra tài sản, tài chính công cao nhất.

Đánh giá tính kinh tế, hiệu quả của Chương trình mục tiêu Quốc gia về  xây dựng nông thôn mới

 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới bao gồm nhiều dự án, nhiều nội dung, hầu hết các dự án có tổng mức đầu tư không cao; Chương trình được lồng ghép với nhiều Chương trình mục tiêu và dự án khác; sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau. Do đó, Chương trình dễ dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán, khó quản lý điều hành tập trung thống nhất; khó đảm bảo nguyên tắc công khai dân chủ; dễ xảy ra tình trạng vốn sử dụng không đúng nội dung, sai mục đích hay sử dụng lãng phí.

Các Kiểm toán viên nhà nước (KTV) cần kiểm tra hồ sơ, tài liệu từ khâu lập, thẩm định và phê duyệt đề án, quy hoạch nông thôn, thẩm định đơn giá dự toán, quản lý và sử dụng vốn cho Chương trình; thủ tục giám sát thanh toán vốn Chương trình, quy chế kiểm soát trong tất cả các khâu trong hoạt động quản lý, giám sát đầu tư; quản lý và cấp phát vốn đầu tư; đồng thời cơ cấu tổ chức, điều hành bộ máy lãnh đạo và thanh tra ở địa phương để đưa ra những đánh giá về rủi ro kiểm soát.

Chính vì vậy, KTV khi đánh giá về tính hiệu quả của Chương trình cần quan tâm tới các nội dung sau

- Vì nguồn vốn của Chương trình được huy động từ nhiều nguồn khác nhau: vốn ngân sách, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn tín dụng, vốn đầu tư của doanh nghiệp, các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân trong xã, các nguồn vốn hợp pháp khác... KTV cần quan tâm tới việc dự toán thu có đảm bảo bao quát hết tất cả các nguồn thu, khả năng thu hay không, dự toán chi có vượt tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước? Đây là cơ sở để đánh giá hiệu quả của công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán Chương trình và đây cũng là cơ sở để xem xét có đảm bảo tính kinh tế, hiệu quả trong việc xem xét mức độ phù hợp với nhu cầu sử dụng hay không?

- Cần quan tâm tới tốc độ giải ngân và phân bổ nguồn vốn được giao có kịp thời và phù hợp với dự toán được duyệt hay không? Bởi tính kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả sử dụng nguồn vốn trong thực hiện Chương trình. Nếu giải ngân và phân bổ nguồn vốn không kịp thời và phù hợp thì nguồn vốn phải chuyển nguồn năm sau trong khi chương trình không thể thực hiện hiệu quả, các hoạt động chậm trễ, dở dang. Rõ ràng chi phí và tổn thất tăng lên nhiều lần.

Bên cạnh đó, KTV cần quan tâm tới quy trình kiểm soát và kết quả làm việc của bộ phận thanh tra nhân dân. Bởi đây là bộ phận được dân tín nhiệm thay mặt nhân dân giám sát quá trình triển khai và thực hiện Chương trình. Để đi sâu vào công tác kiểm tra, các KTV cần nghiên cứu số liệu, bằng chứng thu thập được, thực hiện phân loại, tính toán các chỉ tiêu, kiểm tra chi tiết các nghiệp vụ quản lý sử dụng vốn của Chương trình; sử dụng phương pháp chọn mẫu để kiểm tra chi tiết dự án, từng nội dung của Chương trình.

Rõ ràng hiệu quả của Chương trình được đánh giá thông qua hệ thống tiêu chí (19 tiêu chí) đã được xây dựng. Vì vậy, KTNN cũng cần chú ý tới chất lượng của Chương trình chứ không đơn giản là xem xét các tiêu chí đã đạt được hay chưa mà cần quan tâm tới mức độ đạt được như thế nào? Ngoài ra, hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới cần được thể hiện ở cả hiệu quả xã hội mà KTV cần quan tâm.

Hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội được nhắc tới ở đây là sự phát triển bền vững ở nông thôn, nâng cao tính cạnh tranh của nông nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong dài hạn; vấn đề bảo vệ môi trường (nguồn nước, đất và không khí, môi trường sống…). Đặc biệt, hiệu quả xã hội của Chương trình còn là sự thay đổi trong nhận thức và hành vi của người dân theo hướng chủ động, tích cực để nâng cao chất lượng cuộc sống và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Để thực hiện được mục tiêu này các KTV cần khảo sát, hoặc lấy ý kiến chuyên gia; kiểm định chất lượng công trình, định giá tài sản, kiểm kê, kiểm tra hiện trường tại các địa phương. Đối với các vấn đề liên quan đến bên thứ ba cần phải kiểm tra, đối chiếu (Ban quản lý dự án, nhà thầu, tổ chức kinh tế...) hay có thể trực tiếp phỏng vấn chính những người dân của các địa phương nơi Chương trình đang được triển khai từ đó có đánh giá tin cậy.

Đánh giá tính hiệu lực

Tính hiệu lực của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới: Về tiến độ thực hiện đạt các tiêu chí; tỷ lệ giải ngân thanh toán vốn; tính khả thi về huy động các nguồn lực cho Chương trình; về cơ chế huy động vốn của của Chương trình.

Khi tiến hành đánh giá về tính hiệu lực của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các KTV có thể chú ý tới các vấn đề sau:

- Tiến độ thực hiện các tiêu chí như thế nào về thời gian và số lượng tiêu chí đạt được?

- Đề án, Chương trình có được cấp có thẩm quyền phê duyệt không?

- Tiến độ giải ngân như thế nào? Có đảm bảo không hay chậm trễ?

- Chi có đúng đối tượng không? Có đúng định mức không?

- Công tác tuyên truyền về nội dung Chương trình có được triển khai đầy đủ không?

- Có sự phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương và các Sở, ngành chức năng không?

- Có xây dựng Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình không?

Để có được những thông tin trên, KTV cần tiến hành thử nghiệm, phỏng vấn để củng cố thêm bằng chứng kiểm toán; đặc biệt KTV cần kiểm tra hiện trường để thu thập bằng chứng vật chất có độ tin cậy cao.

Sản phẩm kiểm toán không thể thiếu của KTNN đó chính là các kiến nghị mà KTNN đưa ra để nâng cao hiệu quả của Chương trình. Các kiến nghị mà KTNN đưa ra phải phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Để đưa ra các kiến nghị có giá trị về tính hiệu quả, kinh tế và hiệu lực của Chương trình thì các KTV cần phải tìm hiểu nguyên nhân của những lỗ hổng, những yếu kém và sai phạm. Đồng thời, KTV cần đi sâu để xem xét đến việc sử dụng nguồn lực của các địa phương có kinh tế, hiệu quả, và mục tiêu của Chương trình có đạt được một cách hiệu quả đồng thời có những kiến nghị mang tính tư vấn nhằm cải tiến công tác quản lý, sử dụng nguồn lực được tiết kiệm và hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin về kết quả hoạt động quản lý, sử dụng nguồn lực của đơn vị được kiểm toán.

Rõ ràng, chúng ta cần khẳng định rằng, xây dựng nông thôn mới là quá trình đổi mới nông nghiệp, chứ không chỉ đơn giản là dự án thí điểm trong một khoảng thời gian nào đó. Vì vậy, những điều chỉnh sau khi có kiến nghị của KTNN cần phải được quan tâm để đảm bảo xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn theo đúng định hướng chứ không chỉ xây dựng xong cơ sở hạ tầng mà không hoạt động, hoặc hoạt động không hiệu quả.

___________________

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Quang Quynh, Kiểm toán hoạt động, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, 2009

2. http://www.saga.vn.

3. http://www.khoahockiemtoan.vn.

4. www.kiemtoannn.gov.vn.

Bài đăng trên Báo Kiểm toán số 2 - 2014

Nguồn: tapchitaichinh.vn