VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Thực hiện thắng lợi Chiến lược KT-XH 2001 - 2010: Bước chuyển vị thế quan trọng của đất nước

17/12/2010 - 222 Lượt xem

Năm 2010 chuẩn bị kết thúc, đồng thời cũng kết thúc việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2001- 2010. Điểm lại kết quả chủ yếu 10 năm qua (với 15 chỉ số) không chỉ phục vụ đánh giá việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược, mà còn giúp cho việc xác định Chiến lược 10 năm tới.

 

GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái

Chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình

Với GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái năm 1988 mới đạt 86 USD, Việt Nam nằm trong vài ba chục nước có thu nhập thấp nhất thế giới. Năm 2000 - năm trước khi thực hiện Chiến lược kinh tế - xã hội 2001- 2010, GDP bình quân đầu người của Việt Nam bằng 34,7% mức bình quân (MBQ) của Đông Nam Á; đứng thứ 7/10 nước trong khu vực; bằng 16,6% MBQ và đứng thứ 30/44 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á; bằng 7,7% MBQ và đứng thứ 132/170 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đến năm 2008, bằng 42,8% MBQ và đứng thứ 7/11 nước Đông Nam Á; bằng 26% MBQ và đứng thứ 34/49 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á; bằng 11,7% MBQ và đứng thứ 138/182 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

GDP năm 2010 gấp đôi năm 2000, theo đó, các tỷ lệ so sánh như trên của Việt Nam cao hơn và thứ bậc được rút ngắn hơn.

Cụ thể là GDP tính theo giá so sánh năm 2000 đạt 273,7 nghìn tỷ đồng. Năm 2010, với tốc độ tăng 6,7%, sẽ đạt 551,1 nghìn tỷ đồng, cao gấp trên 2 lần năm 2000. Như vậy, mục tiêu này đã đạt và đây là một yếu tố quan trọng nhất để thực hiện được mục tiêu tổng quát về chuyển vị thế của đất nước.

Nhịp độ tăng xuất khẩu gấp trên 2 lần nhịp độ tăng GDP

Xuất khẩu (XK) là lối ra, là một định hướng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, tăng trưởng XK cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP là động lực của tăng trưởng kinh tế. XK năm 2000 đạt xấp xỉ 14,5 tỷ USD, năm 2010 có thể đạt 70,8 tỷ USD, cao gấp gần 4,9 lần năm 2000, tốc độ tăng đạt gần 17,2%/năm. GDP năm 2010 cao gấp 2,01 lần năm 2000, bình quân tăng 7,23%/năm. Như vậy, tốc độ tăng xuất khẩu cao gấp gần 2,4 lần tốc độ tăng GDP- vượt mục tiêu đề ra.

Tuy còn có hạn chế song với tốc độ tăng trưởng XK cao đã thể hiện rõ ràng hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng Việt Nam đã có những bước tiến bộ vượt bậc.

Nâng cao đáng kể chỉ số phát triển con người

Việt Nam chưa chính thức tính toán và công bố chỉ số phát triển con người (HDI) mà dựa vào công bố của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP). HDI của Việt Nam đạt được 3 sự vượt trội: tăng qua các năm; thứ bậc trên thế giới tăng lên; chỉ số và thứ bậc cao hơn chỉ số và thứ bậc về GDP bình quân đầu người nhờ chỉ số tuổi thọ và chỉ số người đi học cao hơn. Trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường; hoàn thành cơ bản phổ cập trung học cơ sở trong cả nước.

Giải quyết cơ bản vấn đề việc làm ở cả thành thị và nông thôn; tỷ lệ thất nghiệp của cả nước năm 2009 là 2,9%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị liên tục giảm còn 4,6%; tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn là 2,25%. Tỷ lệ thiếu việc làm năm 2009 của cả nước là 5,61%, trong đó ở thành thị là 3,33%, ở nông thôn là 6,51%; đồng thời nâng tỷ lệ người lao động được đào tạo nghề lên khoảng 40%.

Tăng tuổi thọ bình quân lên hơn 70 tuổi. Đến năm 2009, tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam đạt 73 tuổi, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2010. Đây là kết quả của việc tăng lên của mức sống, của công tác y tế và chăm sóc sức khỏe dân cư,… là chỉ số đạt cao nhất trong 3 chỉ số thành phần của chỉ số phát triển con người.

Mức sống và chất lượng cuộc sống vật chất, văn hóa, tinh thần được nâng lên rõ rệt trong một xã hội an toàn, lành mạnh, với môi trường sinh thái được cải thiện

Đây là mục tiêu định tính nhưng có thể lượng hóa một số chỉ tiêu cụ thể như sau:

- Tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 10%;

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 18%;

- Diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người đạt 23,1 m2;

- Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 80%;

- Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch khoảng 84%;

- Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý trên 67%;

- Tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị trên 82%;

- Tỷ lệ xử lý chất thải nguy hại khoảng 65%;

- Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý trên 75%;

- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn khoảng 45%;

- Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 40%.

Kết cấu hạ tầng đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh.

Tất cả các xã có điện, điện thoại và các dịch vụ bưu chính, viễn thông cơ bản, có trạm xá, trường học, có nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao. Cơ bản bảo đảm đủ trường lớp cho học sinh phổ thông học cả ngày tại trường, đủ giường bệnh cho bệnh nhân. Các mục tiêu này có một số chỉ tiêu đạt được, nhưng có nhiều chỉ tiêu còn chưa đạt được như số xã có điện, đủ giường bệnh…

Nguồn: Chinhphu.vn