VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Vàng, đô la 'bão giá' - lo kinh tế vĩ mô

04/11/2010 - 216 Lượt xem

Vàng, đô đua nhau lập kỷ lục về giá

Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề ngày thảo luận thứ hai về kinh tế - xã hội (2-11), đại biểu (ĐB) Cao Sỹ Kiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, giá đô la tăng cao tại Việt Nam trong khi giá đồng tiền này trên thế giới không những không tăng mà còn giảm là một nghịch lý.

 

Giá vàng, USD tăng như thế này, đặc biệt do yếu tố tâm lý có thể gây méo mó chính sách tiền tệ, không an toàn cho hệ thống tài chính tiền tệ - Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm 

Theo ông Kiêm, giá đô la tăng cao do nguồn cung quá ít, trong khi nhu cầu của các đơn vị sản xuất kinh doanh vào dịp cuối năm tăng cao. Nguyên nhân thứ hai là sự điều hành của Nhà nước. Giá đô la tăng, khiến giá vàng cũng tăng theo.

"Giá vàng, đô la tăng như thế này, đặc biệt yếu tố tâm lý có thể gây méo mó chính sách tiền tệ, không an toàn cho hệ thống tài chính tiền tệ" - Ông Kiêm nói. Theo phân tích của chuyên gia tiền tệ này, giá đô la ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng.

"Khi sản xuất không hiệu quả, rủi ro trong sản xuất tăng lên, ngân hàng không thu được nợ, tiền vẫn ra thị trường mà hàng không có thì sức ép lạm phát tăng lên ngay. Doanh nghiệp làm ăn không có lãi, tốc độ tăng trưởng chậm lại" - Ông Kiêm khẳng định.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, giải pháp quan trọng nhất cho vấn đề này là phải đảm bảo nguồn cung ngoại tệ đối với nhu cầu nhập khẩu chính đáng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là thực hiện quyết liệt Pháp lệnh Quản lý ngoại hối để chống đầu cơ, kinh doanh trái phép vàng và đô la trên thị trường chợ đen. "Không nơi nào trên thế giới để nơi thu đổi ngoại tệ thành nơi kinh doanh ngoại tệ." - ĐB Trần Du Lịch bức xúc.

Trong khi đó, ĐB Cao Sỹ Kiêm cho rằng giá đô la tăng liên quan đến lãi suất, chỉ số giá, nên việc đầu tiên là kéo chỉ số giá xuống bằng cách kéo lãi suất xuống. Điều này sẽ làm cho cung cầu đô la giảm xuống, sát với giá thực tế, tránh được đầu cơ.

Nghịch lý lạm phát

ĐB Lò Văn Muôn (Điện Biên) phân tích chỉ số giá tiêu dùng dự kiến ở mức 9%, không kiềm chế được ở mức dưới 7% như mục tiêu Quốc hội đề ra khiến nền kinh tế và đời sống nhân dân xáo trộn có phần do điều hành của Chính phủ.

Đáng lẽ chính sách tài khóa phải san sẻ gánh nặng với chính sách tiền tệ để chống lạm phát cao trở lại, thì ngược lại chi ngân sách lại vượt lớn so với dự toán và so với thực hiện năm 2009, gây áp lực tăng giá.

Theo ông Muôn, nghịch lý của kinh tế vĩ mô năm 2010 của ta là lạm phát cao trong khi thế giới lạm phát rất thấp và đặc biệt có nền kinh tế giảm phát. Lãi suất tín dụng quá cao trong khi các nước thực hiện lãi suất ở mức rất thấp và thậm chí bằng không.

ĐB Trần Du Lịch nêu nhập siêu và bội chi ngân sách là 2 nguyên nhân trực tiếp gây bất ổn vĩ mô trong năm 2010 và những năm tới. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng bắt đầu lo ngại về vấn đề nợ công.

 

Nguồn: Tiền Phong