VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42: Phát triển dịch vụ logistics khối ASEAN

23/08/2010 - 176 Lượt xem

Theo ước tính, giá trị dịch vụ logistics toàn cầu đạt trên 1.200 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 16% tổng GDP toàn cầu. Nếu giảm 10% chi phí vận chuyển có thể làm tăng 20% lưu lượng thương mại hay giảm một nửa chi phí vận chuyển và làm tăng 0,5% tổng GDP đối với mỗi quốc gia.

Các nền kinh tế ASEAN đang có mức tăng trưởng nhanh và năng động, quy mô thị trường không ngừng phát triển với tốc độ từ 5%-7%/năm. Giá trị giao dịch thương mại của ASEAN đạt gần 1.500 tỷ USD/năm. Hội nhập kinh tế khu vực của ASEAN càng sâu thì nhu cầu giao thương giữa các nước càng lớn. Vì vậy, việc tạo điều kiện cho hoạt động logistics có ý nghĩa quan trọng để giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Qua hơn 2 năm thực hiện lộ trình hội nhập ngành logistics, về tự do hóa thương mại và đầu tư, theo lộ trình cam kết, phần lớn các nước ASEAN đã cho phép các doanh nghiệp ASEAN được tự do đầu tư trong các phân ngành dịch vụ vận tải hàng hóa.

ASEAN đã ký kết Hiệp định đa biên về tự do hóa hoàn toàn vận tải hàng hóa hàng không, tạo cơ sở thiết lập thị trường hàng không ASEAN thống nhất vào năm 2015.

Đặc biệt, ASEAN đang khẩn trương thực thi kế hoạch chiến lược phát triển hải quan và “Cơ chế một cửa ASEAN” nhằm hài hòa quy tắc quản lý thương mại và thủ tục hải quan giữa các nước. Theo kế hoạch, các nước ASEAN-6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) sẽ hoàn thành xây dựng cơ chế hải quan một cửa vào 2010, Việt Nam sẽ hoàn thành vào năm 2012, 3 nước còn lại, gồm: Lào, Campuchia, Myanmar sẽ hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.

ASEAN đang ưu tiên triển khai 2 dự án đường bộ và đường sắt rất quan trọng. Đó là, dự án mạng đường bộ ASEAN và dự án đường sắt Singapore - Côn Minh. Hai dự án này sẽ nối dài “cánh tay” liên kết giữa các nước ASEAN và xa hơn nữa là các đối tác trong khu vực.

Tuy nhiên, tại hội thảo, các đại biểu đều có chung nhận định: Sự khác biệt về tiêu chuẩn, công nghệ, năng lực chuyên môn và cả sự chênh lệch về trình độ phát triển của các nước ASEAN sẽ còn là thách thức không nhỏ mà ASEAN phải xử lý trong thời gian tới. Vì vậy, chiến lược hội nhập logistics của ASEAN cần phải thể hiện trong chiến lược phát triển dịch vụ logistics của mỗi quốc gia.

Đối với Việt Nam, dịch vụ logistics hiện chiếm 15%-20% GDP (khoảng 12 tỷ USD) mỗi năm với trên 800 doanh nghiệp logistics đang hoạt động. Đa số doanh nghiệp này có quy mô vừa và nhỏ, tổ chức kinh doanh còn thể hiện sự manh mún, thiếu chuyên nghiệp, nguồn nhân lực hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp. Với vai trò điều phối lộ trình hội nhập ngành logistics của ASEAN, Việt Nam mong muốn thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ logistics trong khu vực, qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. 


Nguồn: SGGP