VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Cốt lõi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính là vì dân

06/08/2010 - 228 Lượt xem

Đây cũng là cơ sở quan trọng đảm bảo tiến độ triển khai Đề án 30, mà theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng công việc này.

Cụ thể yêu cầu trên của Thủ tướng là Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng (Tổ công tác) phải trên cơ sở tự rà soát của các Bộ, ngành, địa phương, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC và kết quả rà soát độc lập để xây dựng phương án đơn giản hóa các TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của từng Bộ, ngành. Trước 30/5/2010, gửi phương án này tới Bộ, ngành để từng cơ quan nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện phương án đơn giản hóa.

Phương án đơn giản hóa TTHC phải trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản nhất cho người dân và doanh nghiệp, cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ TTHC nhưng vẫn bảo đảm được mục tiêu quản lý của nhà nước

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng-

Cũng trước thời điểm này, Tổ công tác tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê bình những Bộ, ngành, địa phương có kết quả rà soát không đạt chỉ tiêu được giao, không bảo đảm chất lượng, báo cáo thiếu trung thực.

Theo phân tích của ông Ngô Hải Phan, Tổ phó Thường trực Tổ công tác, thực tế tất cả các Bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc tự rà soát các TTHC và gửi kết quả đến Tổ công tác theo hạn thời gian ngày 31/3/2010.

Đánh giá tổng quát có thể thấy, các cơ quan đã chấp hành yêu cầu về kỷ luật hành chính (nộp đúng thời hạn), kết quả rà soát của mỗi đơn vị đều đã đề xuất đơn giản hóa tối thiểu 30% quy định về TTHC và cắt giảm 30% chi phí thực hiện TTHC. Tuy nhiên, mặc dù tất cả các Bộ, ngành, địa phương đã vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao nhưng chất lượng của các phương án đơn giản hóa này chỉ có thể trả lời sau bước làm mà Tổ công tác cùng với đội ngũ chuyên gia, chuyên trách và các luật sư đang bắt tay vào thực hiện từ nay đến 30/5 tới.

Đây là công việc nặng nề bởi theo ông Phan, trong thời gian 1 tháng rưỡi nữa (từ nay đến 30/5), đội ngũ cán bộ chuyên trách và các chuyên gia sẽ phải tập trung rà soát lại, nghiên cứu, đối chiếu,... để đưa ra kết quả độc lập về phương án đơn giản hóa TTHC đối với 5.565 TTHC mà các Bộ, ngành, địa phương đã đề xuất bước 1 về phương án đơn giản hóa.

Đến thời điểm này, theo đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương, trong số 5.565 TTHC đã được thống kê, rà soát, sơ bộ có trên 4.000 TTHC phải sửa đổi, bổ sung, thay thế. Cụ thể:

+ 453 TTHC được kiến nghị bãi bỏ, hủy bỏ.

+ 3.700 TTHC được kiến nghị sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa.

+ 288 TTHC được kiến nghị thay thế.

"Trong số 5.565 TTHC này, có 2.500 TTHC được thực hiện ở cấp Bộ, ngành Trung ương và 3.000 TTHC khác của các Bộ, ngành được phân cấp thực hiện ở cấp địa phương. Hơn nữa, mỗi 1 TTHC thực hiện ở cấp địa phương tại từng tỉnh, thành là khác nhau và đều cần phải rà soát, đối chiếu, so sánh giữa phương án đơn giản hóa của Bộ đề xuất với phương án của từng địa phương trong số 63 tỉnh thành đưa ra, xác định đúng sai, phân tích, lựa chọn, thậm chí sửa chữa lại hoàn toàn... Như vậy, chỉ tính riêng 3.000 TTHC thực hiện ở cấp địa phương nhân (x) với 63 tỉnh, thành phố đã là gần 190.000 thông tin phải xử lý trong thời gian rất ngắn. Và kết quả cuối cùng kiên quyết sẽ chỉ có duy nhất 1 phương án đơn giản hóa với từng TTHC trong số 3.000 thủ tục để thực hiện thống nhất ở tất cả 63 địa phương trên cả nước", ông Phan nói.

Kết quả đề xuất sau cùng của Tổ công tác đưa ra về phương án đơn giản hóa TTHC của các Bộ, ngành, địa phương sẽ được các cơ quan này nghiên cứu, tiếp thu trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản nhất cho người dân và doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý của nhà nước. Đây có thể xem là điều kiện tốt để các Bộ, ngành xem xét, sửa ngay tức thời những quyết định, quy định còn bất hợp lý, không phù hợp với hoàn cảnh của địa phương trong quá trình triển khai TTHC đến dân.

Tổ công tác cho biết, hiện một số Bộ như: Tư pháp, Công Thương, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Chính sách xã hội, mặc dù đã công bố kết quả tự rà soát TTHC theo đúng hạn thời gian nhưng lại chưa tính toán chi phí tuân thủ TTHC mà theo chỉ tiêu của Thủ tướng đưa ra là phải cắt 30% chi phí thực hiện các thủ tục. Bởi vậy, các đơn vị này sẽ phải thực hiện bổ sung việc tính toán chi phí tuân thủ TTHC trước ngày 20/4/2010.

Ông Phan khẳng định, công việc đơn giản hóa TTHC tiên quyết không chạy theo phong trào, không chạy theo thành tích mà phải đạt cho được mục tiêu cốt lõi là tạo thuận lợi, đơn giản nhất cho người dân và doanh nghiệp, cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ TTHC cho dân như chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: Chinhphu.vn