VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6-2009 : Phòng ngừa tái lạm phát (08/07)

06/08/2010 - 187 Lượt xem

Trong 2 ngày 6 và 7-7, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 6 nhằm đánh giá toàn diện tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm, thống nhất các giải pháp điều hành trong 6 tháng cuối năm. Chiều qua 7-7, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo tại Hà Nội.

Nền kinh tế nước ta không suy thoái

Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, kết luận phiên họp này, Thủ tướng đã chỉ đạo tiếp tục tập trung mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu GDP năm 2009 tăng cao hơn 5% (khoảng 5%-5,5%), ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, không để lạm phát quay trở lại (cố giữ khoảng 7%), bội chi ngân sách cả năm dưới 7%.

Tại phiên họp này, Chính phủ thống nhất nhận định, nền kinh tế nước ta trong 6 tháng qua chỉ bị suy giảm, không rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế và đang có chiều hướng tăng dần. Thể hiện qua hàng loạt thông số như tốc độ GDP 6 tháng đầu năm tăng 3,9% (trong đó quý I tăng 3,0%, quý II tăng 4,51%). Công nghiệp tăng 4,8%; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định; dịch vụ phát triển mạnh, đạt 5,5%; thị trường chứng khoán đang phục hồi, giá tiêu dùng tháng 6-2009 so với tháng 12-2008 chỉ tăng 2,68%.

Xuất khẩu 2 tháng gần đây cũng đã tăng so với tháng trước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 322.600 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có thêm 37.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới, tăng 5% so với cùng kỳ…

Tuy vậy, không thể phủ nhận là do tác động của suy thoái kinh tế thế giới và những khó khăn trong nước, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt thấp. Cân đối vĩ mô chưa thật ổn định. Thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, sản xuất thu hẹp đã dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, gây tác động không nhỏ đến thu nhập và đời sống nhân dân… đòi hỏi phải tiếp tục có những giải pháp chỉ đạo điều hành mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm.

Một số giải pháp đã được Thủ tướng kết luận như: đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, phát triển mạnh thị trường trong nước. Thực hiện có hiệu quả gói kích cầu đầu tư, tiêu dùng, góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, khôi phục tăng trưởng. Ổn định nông nghiệp, không để dịch bệnh xảy ra, bảo đảm đủ điện, nhân lực. Thực hiện chính sách tài chính tích cực, chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phòng ngừa tái lạm phát. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội…

Điều hành giá xăng dầu: tình thế và cần thiết

Tại cuộc họp báo chiều qua, một trong vấn đề được quan tâm nhiều nhất là việc điều hành giá xăng dầu. Từ tháng 6 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh 2 lần, khiến dư luận thấy bất bình thường vì giá xăng dầu thế giới tăng không nhiều. Mặt khác, giá dầu thô trước đây là 147 USD/thùng thì giá xăng là 19.000 đồng/lít, hiện nay giá dầu thô chỉ bằng 1/2 nhưng giá xăng đã điều chỉnh ở mức 14.200 đồng/lít.

Trả lời điều này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu trong nước căn cứ vào diễn biến giá xăng dầu thành phẩm (chứ không theo giá dầu thô) bình quân phù hợp với thời gian dự trữ lưu thông hàng tồn kho tối thiểu ở trong nước. Trên thực tế, cả 2 đợt phải điều chỉnh đều là do giá dầu thô, giá xăng và dầu thành phẩm thế giới tăng mạnh (khoảng 10%-24%), vì vậy phải chấp nhận cho tăng giá, đồng thời sử dụng những công cụ tài chính khác như tiếp tục không trích quỹ bình ổn giá xăng dầu, kéo dài thời gian trả nợ 1 tháng khoản tiền tạm ứng từ ngân sách 1.000 đồng/lít xăng, giảm thuế nhập khẩu 5% đối với dầu hỏa… nhưng việc kinh doanh xăng dầu vẫn rất khó khăn.

Về việc tại sao mức điều chỉnh giá xăng dầu gần đây lại vượt quá 500 đồng/lít cho mỗi lần điều chỉnh, không đúng như hướng dẫn tại thông tư của Bộ Tài chính, ông Thỏa cho biết, quy định này chỉ áp dụng đối với điều kiện giá thị trường thế giới diễn biến bình thường, không có biến động lớn và trong điều kiện điều hành giá gắn liền với hoạt động của quỹ bình ổn giá. “Nhưng thực tế, giá xăng dầu diễn biến mạnh, vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, trong khi quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa trích lập được. Nên phải cho điều hành giá linh hoạt”, ông Thỏa giải thích. Tuy nhiên, ông Thỏa cũng thừa nhận, đây chỉ là giải pháp tình thế và cần thiết. Tới đây sẽ phải sửa thông tư.

Kích cầu: chưa có chủ trương cắt giảm

Trước thông tin Chính phủ có chủ trương cắt giảm gói kích cầu đề phòng lạm phát, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khẳng định hiện Chính phủ chưa có chủ trương đó.

“Đánh giá của Chính phủ cho thấy gói kích cầu, hỗ trợ lãi suất đã góp phần tích cực trong việc chống suy giảm kinh tế, góp phần vào tăng trưởng tín dụng 17% trong 6 tháng đầu năm nay” - ông Bảo nhấn mạnh.

Hiện, theo ông Bảo, tổng số dư nợ được hỗ trợ lãi suất đã lên đến 372.272 tỷ đồng, trong đó ngắn hạn gần 345.000 tỷ đồng, trung và dài hạn 23.000 tỷ đồng, nông dân trên 1.300 tỷ đồng. Đã có trên 1,2 triệu gia đình được tiếp cận nguồn vốn này.

Liên quan đến việc Trung Quốc bắt giữ một số tàu cá và ngư dân Việt Nam khi đang đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là vấn đề chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình và quyền lợi của ngư dân.

Nguồn: SGGP