VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Khai mạc kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII: Gần 2.500 kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội

06/08/2010 - 216 Lượt xem

Theo báo cáo tổng hợp của UBTƯ Mặt trận Tổ quốc VN, tới thời điểm khai mạc kỳ họp có 2.446 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Cử tri và nhân dân cả nước phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, ổn định kinh tế vĩ mô, từng bước đẩy lùi sự suy giảm của nền kinh tế và vẫn giữ được mức tăng trưởng kinh tế là 3,1%; an sinh xã hội được quan tâm, chính trị ổn định, trật tự xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường, vị thế của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được khẳng định.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng với QH.

Về việc thực hiện các giải pháp kích cầu của Chính phủ; vấn đề lao động, việc làm và đời sống nhân dân. Việc thống kê đánh giá số người mất việc làm tại các khu vực kinh tế, các loại hình sản xuất, kinh doanh của các cơ quan chức năng còn thiếu chính xác, không thống nhất, dẫn đến khó khăn cho việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ.

Việc triển khai hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng, nhiều địa phương thực hiện còn chậm, một số nơi thủ tục còn phiền hà. Cử tri băn khoăn cho rằng, nếu các cơ quan chức năng kiểm soát không tốt thì nguồn vốn này dễ bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng để vay và sử dụng không đúng mục đích, thu lợi bất chính, trái với chủ trương kích cầu của Chính phủ. Cử tri kiến nghị Chính phủ nên mở rộng hơn nữa đối tượng được vay, tăng thời hạn được hỗ trợ lãi suất để có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tình hình thu hồi đất nông nghiệp, lâm nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, sân golf ở nhiều địa phương chưa hợp lý, dẫn đến quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp; nhiều đơn vị được giao đất để triển khai dự án nhưng không triển khai mà để hoang hoá, hoặc sử dụng trái mục đích, mua đi, bán lại, gây bất bình trong nhân dân. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tổ chức điều tra, khảo sát để có đánh giá một cách khách quan về thực trạng đời sống nhân dân do tác động của suy giảm kinh tế và sớm có những giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng trên.

Vấn đề sản xuất công nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Cử tri phản ánh tình trạng thiếu điện thường xuyên ở nhiều nơi ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống, đồng thời kiến nghị xem xét lại việc vừa tăng giá điện, vừa giảm chỉ số sử dụng điện ở bậc thang thứ nhất từ 0 - 100 kW/h xuống 0 - 50 kW/h, trong khi nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày một tăng, làm cho đại bộ phận người dân - nhất là người có thu nhập thấp - bị ảnh hưởng nhiều.

Việc áp dụng cách tính giá điện theo giờ cao điểm như quy định của Bộ Công Thương là chưa phù hợp, dẫn đến tăng chi phí sản xuất, đội giá thành sản phẩm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; kiến nghị xem xét lại quy định này theo hướng hạn chế giờ cao điểm ban ngày, tăng số lượng giờ cao điểm ban đêm. 

Cử tri kiến nghị Quốc hội cần đưa vào chương trình hằng năm và toàn khoá để giám sát vấn đề xây dựng ngành công nghiệp bauxite góp phần phát triển KT-XH Tây Nguyên.
Công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu; thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ hoặc có nguồn gốc xuất xứ nhưng không bảo đảm chất lượng, thực phẩm có độc tố vẫn được lưu hành rộng rãi, tràn lan trên thị trường; tình trạng vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang diễn ra phổ biến; các vụ ngộ độc thức ăn xảy ra liên tiếp...

Cử tri kiến nghị cần xem xét tăng ngân sách cho công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm vì ngân sách chi cho công tác này còn ít; đồng thời kiến nghị Quốc hội sớm ban hành luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhằm tạo cơ sở pháp lý để kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực này.

Vấn đề giáo dục, đào tạo. Cử tri băn khoăn, lo lắng về dự kiến tăng học phí, kiến nghị Chính phủ cần cân nhắc thận trọng về thời điểm tăng học phí, đồng thời cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách miễn - giảm học phí và nâng mức giảm học phí hơn nữa đối với con em các hộ nghèo và khu vực nông thôn.

Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung nghiên cứu để có những giải pháp đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ về cả chất và lượng của ngành giáo dục; cần coi trọng và lắng nghe những ý kiến phản biện của các chuyên gia, các nhà khoa học giáo dục tâm huyết để xây dựng nội dung, chương trình giáo dục, cải tiến và nâng cao chất lượng quản lý giáo dục ở các cấp đảm bảo khoa học, phù hợp với sự phát triển của con người Việt Nam và yêu cầu của sự nghiệp giáo dục, đào tạo trong thời kỳ mới.
Nguồn: Lao Động