VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Nghị quyết của Chính phủ: Tập trung triển khai các biện pháp chống suy giảm kinh tế

06/08/2010 - 207 Lượt xem

Ngày 8-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị quyết số 06/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2009. Theo đó, Chính phủ khẳng định, tuy nền kinh tế nước ta vẫn được giữ ổn định trước sự tác động trực tiếp của suy thoái kinh tế toàn cầu, song đang có chiều hướng suy giảm. Giá trị sản xuất công nghiệp giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2008 và giảm 8,6% so với tháng 12-2008; kim ngạch xuất khẩu tháng 1-2009 giảm do thị trường thế giới bị thu hẹp và giá cả giảm; đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm; công ăn, việc làm gặp khó khăn do nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất. Vì vậy, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, phấn đấu đạt được mục tiêu đã đề ra, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các công việc sau.

Tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội

Khẩn trương tổ chức thực hiện các chương trình, dự án và nhiệm vụ đã đề ra cho cả năm. Các bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc quyết liệt, sát thực tế, tích cực chủ động xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và xuất khẩu. Khẩn trương rà soát để có giải pháp hỗ trợ đối với từng ngành công nghiệp, sản phẩm xuất khẩu đang có thị trường; quan tâm mở thị trường trong nước, nâng cao sức mua của người dân, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ… Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, ưu tiên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi…; tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy những dự án, công trình trọng điểm đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, vốn doanh nghiệp Nhà nước có khả năng hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2009 và 2010, vừa để hoàn thành công trình, vừa giải quyết việc làm, vừa kích cầu đầu tư; triển khai nhanh chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình kinh tế trong nước và thế giới để có sự điều chỉnh linh hoạt, thích hợp chính sách tài chính, chính sách tiền tệ, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong điều kiện kinh tế suy giảm, việc giải quyết công ăn, việc làm khó khăn, các bộ, ngành, địa phương phải phát huy kết quả đạt được của những năm trước, tiếp tục bảo đảm tốt an sinh xã hội; triển khai thực hiện các chính sách đã ban hành đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục và xã hội; chú trọng hỗ trợ dạy nghề cho người nghèo, nông dân và các quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Chính phủ giao Bộ LĐTB-XH chủ trì nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Thực hiện tốt Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 61 huyện nghèo nhằm bảo đảm đến năm 2020 các huyện này có mức phát triển ngang bằng trình độ chung cả nước.

Triển khai kế hoạch hành động về FDI

Nghị quyết này cũng nêu rõ, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1, Chính phủ đã nghe báo cáo tình hình thu hút và quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 3 năm 2006 – 2008 và một số giải pháp cơ bản cho các năm 2009 – 2010; Đề án an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Theo đó, về vấn đề FDI, trong 3 năm 2006 – 2008, FDI đã gia tăng mạnh mẽ cả về số vốn đăng ký và vốn thực hiện: so với mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 5 năm 2006 – 2010, vốn đăng ký đạt 97,6 tỷ USD, vượt 77,4%; vốn thực hiện đạt khoảng 23,6 tỷ USD, bằng 94,4%. Với dự báo về những diễn biến phức tạp, khó khăn hơn của tình hình kinh tế thế giới và kinh tế trong nước, có thể việc thu hút FDI trong hai năm 2009 - 2010 sẽ giảm đáng kể so với năm 2008. Vì vậy, Chính phủ giao Bộ KH-ĐT chủ trì bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo về tình hình thu hút và quản lý FDI trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

Định hướng sắp tới về công tác thu hút và quản lý FDI trong bối cảnh kinh tế thế giới và kinh tế trong nước đã có nhiều thay đổi của Chính phủ là tiếp tục tích cực kêu gọi và thu hút FDI, lựa chọn và ưu tiên các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ phụ trợ, phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên đất đai, sản xuất sản phẩm xuất khẩu lớn, phát triển nông nghiệp và nông thôn, bảo đảm môi trường và an ninh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa IX.

Về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN 100% vốn nhà nước, trong đó tập trung vào các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, Chính phủ thống nhất nhận định, năm 2008, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động bất lợi cho các doanh nghiệp, nhưng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước vẫn hoạt động ổn định và có hiệu quả kinh tế - xã hội khá, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước. Trong bối cảnh lạm phát, giá cả tăng cao, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã đi đầu trong việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá cả vật tư, hàng hóa, kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô… Tuy nhiên, hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thời gian qua còn bộc lộ một số mặt hạn chế. Tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa các tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp quy mô lớn còn chậm.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì hoàn chỉnh, bổ sung vào báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, kể cả các ngân hàng thương mại nhà nước, làm cơ sở để đánh giá hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này; đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa các tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp quy mô lớn một cách vững chắc, có hiệu quả, trình Bộ Chính trị cho ý kiến. 
Nguồn: SGGP