VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Triển khai nghị quyết của Quốc hội về phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2009: Kiến nghị: Đổi mới và linh hoạt hơn

06/08/2010 - 180 Lượt xem

Năm 2009: tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư

Trước viễn cảnh tình hình kinh tế năm 2009 sẽ đầy khó khăn, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 đã đặt mục tiêu “tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư” lên hàng đầu. Đó là yếu tố quan trọng để ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất-kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Giải pháp cấp bách là tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất-kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) và từng sản phẩm. Để thu hút đầu tư, Bộ Kế hoạch-Đầu tư tiếp tục đẩy mạnh chương trình cải cách đăng ký kinh doanh, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Trong thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng “hệ thống thông tin về đầu tư nước ngoài” kết nối toàn quốc, hỗ trợ cải cách hành chính và bảo đảm thông tin công khai minh bạch. Nhằm kích thích đầu tư trong nước, bộ sẽ nghiên cứu xây dựng nghị định về trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN như tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin, kết nối DN, thực hiện bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa.

Trong đó cũng quy định Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại điều chỉnh cơ cấu tín dụng, tạo điều kiện cho các DN và hộ sản xuất tiếp nhận vốn vay, nhất là lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, các làng nghề, DN sản xuất hàng tiêu dùng… Những hoạt động này được các DN ví như lắp ráp các mảnh gỗ thành chiếc thuyền để ra biển lớn – đủ sức cạnh tranh theo tiến trình gia nhập WTO.

Phát triển thương mại, dịch vụ và đẩy mạnh xuất khẩu cũng là mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế năm 2009. Cụ thể, Bộ Công thương sẽ có nhiệm vụ xây dựng đề án khuyến khích các DN tăng cường liên kết, hợp tác, khai thác hiệu quả năng lực sản xuất xã hội; kiện toàn hệ thống bán buôn, bán lẻ; xây dựng cơ chế chính sách đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến và có hàm lượng công nghệ cao, khuyến khích phát triển sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu; xây dựng và triển khai đề án bảo hiểm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, DN phải biết tận dụng những lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương (FTA), gắn thị trường xuất khẩu với thị trường nhập khẩu, thông qua đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu ở các thị trường có mức nhập siêu lớn.

Còn các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng tiêu dùng không thiết yếu; xây dựng hàng rào kỹ thuật phù hợp định chế quốc tế đối với hàng nhập khẩu để bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng, góp phần hạn chế nhập siêu.

Sản xuất lao đao vì dự báo

Nhận xét dự thảo nghị quyết của Chính phủ, nhiều đại biểu cho rằng nội dung quá dàn trải và trùng lắp nhiệm vụ giữa các bộ. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát lại, đảm bảo hướng đến những mục tiêu trọng tâm và trọng điểm.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh cho rằng, nguồn cung điện phải đủ và ngành điện phải đền bù thiệt hại cho DN khi cúp điện. Ông Minh cũng kiến nghị Chính phủ nên cho phép các địa phương thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển và nguồn vốn kích cầu nên phân bổ về nơi này.

Hầu hết các đại biểu đều kiến nghị Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, nhất là ưu đãi về tín dụng, cụ thể là nên hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn. Tuy nhiên, các đại biểu cũng yêu cầu phải có tiêu chí cụ thể và rõ ràng hơn về đối tượng DN vừa và nhỏ và ngành hàng sẽ được nhận hỗ trợ.

Các đại biểu cũng không hài lòng về công tác dự báo kinh tế của Chính phủ và các bộ ngành. Năm 2008, do công tác này yếu kém mà nhiều ngành sản xuất đã lao đao, hàng hóa ứ đọng, đặc biệt là khu vực nông nghiệp nông thôn. Năm 2009, nếu công tác dự báo không cải thiện thì DN và người sản xuất rất khó đưa ra được những quyết định sản xuất-kinh doanh kịp thời và đúng đắn.

Bên cạnh đó, công tác quản lý giá cả và xử lý sai phạm cũng còn nhiều lỏng lẻo. Về vấn đề đang và sẽ nóng bỏng này, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Võ Lâm Phi kiến nghị nên bổ sung nhiều mặt hàng và dịch vụ vào danh mục do Nhà nước kiểm soát giá cả.

Theo đại diện UBND TP Hải Phòng, quy trình hiện nay rất khó để chúng ta đạt được những mục tiêu đề ra, chẳng hạn như khó mà “tiêu hóa” được nhanh, hiệu quả và chất lượng lượng vốn khổng lồ xấp xỉ 200.000 tỷ đồng từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ dành cho năm 2009.

Do đó, kiến nghị hàng đầu của các đại biểu là Chính phủ có cơ chế điều hành linh hoạt, đổi mới hơn nữa và có cơ chế đặc biệt phù hợp với tình hình; nhất là sửa đổi mạnh hơn nữa các luật Đất đai, Xây dựng, Đầu tư và Đấu thầu.

Chính phủ nên đẩy mạnh phân cấp và phân quyền cho các địa phương quy trình đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự án nào sử dụng nguồn vốn của địa phương thì nên để địa phương quyết định. Nhưng bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương cũng phải tự chịu trách nhiệm cao hơn trước Chính phủ và pháp luật. Hội nghị sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày hôm nay với phần trình bày của các bộ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ
Nguồn: SGGP