VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Ngăn chặn suy giảm kinh tế: Chính phủ triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách

06/08/2010 - 225 Lượt xem

  • 1 tỷ USD cho kích cầu đầu tư và tiêu dùng

Trong 2 ngày 1 và 2-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2008. Nội dung chính của phiên họp này là đề ra các biện pháp trọng tâm để ngăn chặn sự suy giảm của nền kinh tế trước tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới.

Xuất hiện hàng loạt suy giảm

Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đều nhận định, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai lũ lụt ở trong nước đã có tác động nhất định tới nền kinh tế của nước ta. Thể hiện qua hàng loạt sự suy giảm trong những tháng gần đây trên các lĩnh vực. Cụ thể, tháng 11 là tháng thứ 5 liên tiếp (kể từ tháng 7) tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bị giảm sút; ngành xây dựng liên tục tăng trưởng âm trong nhiều tháng qua và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Tình hình trì trệ trong 2 tháng 10 và 11 cho thấy giá gia tăng trong xây dựng hầu như không tăng, (các năm trước thường tăng trên 10%; còn giá trị gia tăng ngành xây dựng 9 tháng đầu năm 2008 giảm 0,33% so với cùng kỳ năm trước). Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu, đầu tư, thu ngân sách, thị trường chứng khoán, du lịch, vận tải, dịch vụ và sức mua đều giảm sút so với những tháng gần đây (kim ngạch xuất khẩu tháng 11 giảm 7,1% so với tháng 10).

Thiên tai lũ lụt trong nước làm mất trắng hơn 200.000 ha vụ đông, gây thiệt hại lớn ở miền Bắc và miền Trung. So với thời điểm giá lên cao nhất, thì hiện nay giá gạo chỉ còn bằng khoảng 1/3; giá các loại nông sản khác cũng giảm từ 30% - 50%; thậm chí giá cao su đã xuống dưới mức giá thành sản xuất. Một số sản phẩm khác như xi măng, thép, phân bón đang tồn kho với số lượng lớn. Giá dầu thô từ 147 USD/thùng nay đã xuống dưới 50 USD/thùng, giảm gần 70%. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những khó khăn trên bắt nguồn từ các nguyên nhân cộng hưởng bởi sự suy thoái của nền kinh tế thế giới cùng với những khó khăn trong nước, nhưng Chính phủ cũng đã được dự báo và nằm trong kế hoạch ứng phó từ các tháng trước.

Ưu tiên kích cầu đầu tư và tiêu dùng

Vì vậy, theo Thủ tướng, ngay tại thời điểm này và tới đây, ngoài việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp tổng quát mà Quốc hội đã đề ra, Chính phủ sẽ tập trung 3 nhiệm vụ cấp bách: ngăn chặn sự suy giảm kinh tế; duy trì tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội. Để thực hiện 3 nhiệm vụ này, Chính phủ đã đề ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm và cấp bách.

Thứ nhất, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu. Quan điểm là Chính phủ sẽ có chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cho những người trực tiếp sản xuất, nhất là đối tượng nông dân, người nghèo về chính sách thuế, vay vốn ngân hàng, hoãn nợ, giãn nợ ngân hàng, hỗ trợ về cây, con giống… miễn là không vi phạm quy định của WTO. 

Thứ hai, đẩy mạnh, kích cầu đầu tư và tiêu dùng.
Chính phủ khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, điện xi măng… Chính phủ cũng sẽ phát hành thêm trái phiếu Chính phủ; linh động cơ chế thầu, chỉ định thầu đối với các công trình ở vùng sâu vùng xa; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho người nghèo, cho công nhân để giải quyết vấn đề tồn đọng của hàng hóa, vật liệu xây dựng.

Thứ ba, thực hiện chính sách tài chính tiền tệ linh hoạt hiệu quả nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, kích cầu đầu tư tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ sẽ giữ lãi suất, thuế ở mức phù hợp.  Thứ tư, tiếp tục thực hiện chính sách an sinh xã hội, trong đó có đề án giảm nghèo ở 61 huyện nghèo, bảo hiểm thất nghiệp. Thủ tướng cũng chỉ đạo, không để nhân dân thiếu đói và chỉ đạo Bộ Tài chính mua trên 150.000 tấn gạo, nhu yếu phẩm dự trữ.

Thứ năm, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả trong tổ chức chỉ đạo, điều hành cho phù hợp với tình hình mới. Trong đó, tập trung vào việc chủ động về công tác dự báo, phân tích; đặt nhiệm vụ dự báo sát với tình hình thế giới là việc làm thường xuyên, liên tục của các ngành, các cấp, các tổ chức nghiên cứu khoa học…

Cùng với đó cải cách thủ tục hành chính; ban hành cơ chế được chỉ định thầu đối với công trình từ 5 tỷ đồng trở xuống; đề cao trách nhiệm của các tập đoàn, các tổng công ty. Chính phủ sẽ cử một Phó Thủ tướng thường trực trong công tác điều hành này.

Ngoài 5 nhóm giải pháp trên đây, Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý việc thông tin, tuyên truyền phải đúng sự thật, không gây hoang mang cho người dân.  Chủ trương của Chính phủ là sẽ dành khoảng 1 tỷ USD (16.000 tỷ đồng) để sử dụng vào mục đích kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tuy nhiên sẽ hết sức cân nhắc sao cho thật hiệu quả.
Nguồn: SGGP