VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII: Chất vấn thẳng, trả lời cũng phải thẳng

06/08/2010 - 234 Lượt xem

Hôm qua, 4 bộ trưởng đã hoàn thành phần trả lời chất vấn trước Quốc hội trong không khí sôi nổi và thẳng thắn.

* Điều hành xuất khẩu gạo bị phê bình
* Ngân hàng Nhà nước lạc quan về an toàn hệ thống
* Sẽ siết chặt và nâng cao tiêu chuẩn các trường ĐH-CĐ
* Ba bộ trưởng "nợ" một câu hỏi về hoa quả

Bộ trưởng Công thương nhận "một phần trách nhiệm"

* EVN chưa làm tròn trách nhiệm

Trong vòng 130 phút, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời 17 lượt ý kiến. Các chất vấn tiếp tục gắt gao về trách nhiệm của người đứng đầu ngành công thương liên quan đến câu chuyện "tạm ngừng xuất khẩu gạo" hồi đầu năm. Ông Hoàng nói với Quốc hội rằng: "Chưa bao giờ chúng tôi kiến nghị dừng xuất khẩu gạo, và Chính phủ chưa bao giờ quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo, chỉ tạm dừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới". 

ĐB Lê Thị Dung (An Giang) bức xúc: “Bộ trưởng trả lời chưa xác đáng, cần nói rõ trách nhiệm của Bộ trưởng với tư cách là Tổ trưởng Tổ điều hành xuất khẩu gạo”. Bộ trưởng Hoàng nói, Tổ điều hành xuất khẩu gạo gồm đại diện của nhiều cơ quan, trong đó có Hiệp hội lương thực, với 150 thành viên, và khi đưa ra ý kiến tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công thương có tham khảo ý kiến của Hiệp hội và các thành viên. ĐB Dung truy: “Tại sao Bộ trưởng lại tham mưu cho Thủ tướng không kịp thời, không đúng lúc ?”. Bộ trưởng Hoàng: “Chúng tôi có một phần trách nhiệm, nhiều khi chưa kịp thời, chưa riết róng”. ĐB Dung dồn: “Thời cơ đã qua, trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào ?”. Bộ trưởng Hoàng bất ngờ nói cứng: “Các ĐB có thể có ý kiến thế này thế kia nhưng cá nhân tôi, Bộ Công thương xin khẳng định rằng, việc tham mưu cho Chính phủ và Chính phủ đưa ra quyết định vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 là chính xác. Giá thế giới cao, nếu không như vậy doanh nghiệp, thương lái đổ xô đi mua, chỉ số giá sẽ như thế nào?". Dưới hội trường, các ĐBQH người nhíu mày, người lắc đầu, người thở dài.

“Chúng tôi có một phần trách nhiệm trong tham mưu cho Chính phủ về xuất khẩu gạo" Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

ĐB Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) lên tiếng: “Nói tham mưu chính xác, tôi không hài lòng”. Ông Nhơn gay gắt: "Bộ trưởng cho rằng vấn đề này không đến nỗi quy trách nhiệm và kiểm điểm tổ chức và cá nhân, chúng tôi không thỏa mãn. Tôi cho rằng đây hoàn toàn là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương, chứ không phải là Bộ trưởng Bộ NN - PTNT. Bộ trưởng phải nhìn nhận trách nhiệm của Bộ trưởng". 

Bị truy quá ráo riết, Bộ trưởng Hoàng nói: "Báo cáo với Quốc hội về trách nhiệm thì đúng là cũng có những lúc chúng tôi tham mưu chưa kịp thời. Chúng tôi xin nhận một phần trách nhiệm trong xuất khẩu gạo".

ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) 3 lần chất vấn Bộ trưởng Hoàng về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện. Trước tình trạng một mình một chợ, thích làm gì thì làm của Tập đoàn Điện lực (EVN), ĐB Hải quả quyết: “Không thể biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp”, và đặt câu hỏi: “Năm 2009, tăng giá điện, mà điện vẫn bị cắt thì ngành điện có đền bù cho các doanh nghiệp không ?”. Bộ trưởng Hoàng không trả lời trực tiếp vào câu hỏi này, ông khéo léo lái vấn đề theo hướng khác: năm 2009, tổng công suất của toàn hệ thống đạt khoảng 18.000 MW, về tổng thể, tình hình cung cấp điện có thể được cải thiện nhưng không tránh khỏi việc tiết giảm điện, vào mùa khô có thể thiếu 1 tỉ kWh.

"Nhưng một phần trách nhiệm ấy là gì? Biện pháp sắp tới ra sao?" Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng

ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) đưa Bộ trưởng "trở lại quỹ đạo": "Cuối cùng thì EVN kinh doanh lỗ hay lãi ? Khi đề nghị tăng giá điện thì nói là lỗ nhưng tháng 10 vừa rồi lại xin trích hơn 1.000 tỉ để lập quỹ khen thưởng. Nhưng lại từ chối 13 dự án điện là sao ?". Bộ trưởng Hoàng giải trình chuyện trả lại 13 dự án trước. Ông nói rằng: “Một phần là Tập đoàn Điện lực chưa làm tròn trách nhiệm của mình”. Tuy nhiên ông cũng thanh minh giúp EVN khi cho rằng tập đoàn cũng có khó khăn riêng, bởi các dự án nhà máy điện đều sử dụng than mà nguồn cung cấp than hạn chế, hơn nữa khả năng huy động vốn lúc này rất khó khăn. Trong câu trả lời của Bộ trưởng thì dường như không có mối liên hệ nào giữa hiệu quả kinh doanh của điện với việc từ chối 13 dự án điện mới. Về chuyện EVN xin trích thưởng 1.002 tỉ đồng, ông Hoàng vắn tắt cho biết, phần xin trích thưởng này được lấy từ lợi nhuận của năm 2007, không phải của 2008. "Năm 2008 đang phải chờ kiểm toán", Bộ trưởng nói.

Do không đủ thời gian nên rất nhiều câu hỏi về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được Bộ trưởng Công thương trả lời.

ĐB Lê Thị Dung (An Giang): Bộ trưởng Công thương phải xin lỗi !

“Tôi không đồng ý với trả lời của Bộ trưởng Hoàng về điều hành xuất khẩu gạo. Bộ trưởng là Tổ trưởng điều hành, nên có vai trò chính: thời điểm 28.5.2008, chúng ta đã biết sản lượng sẽ tăng, gạo còn dư nhiều. Lúc đó, các tỉnh ĐBSCL đã họp, đề xuất Bộ Công thương cho ký xuất tiếp 1,6 triệu tấn, nhưng việc đó không được chấp nhận. Sau đó, khi trình Chính phủ thì đã chậm, không kịp thời, giá xuống, làm mất thời cơ của người nông dân.

Bộ trưởng phải có lời xin lỗi với người nông dân, xin lỗi vì đó là trách nhiệm trong tham mưu, điều hành xuất khẩu gạo đã làm thiệt hại cho người nông dân. Sau này, chính sách thu mua cũng còn bất cập, không giải tỏa được bao nhiêu. Nếu Bộ trưởng mạnh dạn xin lỗi, tôi nghĩ người nông dân sẽ sẵn sàng tha thứ. Còn chỉ nhận một phần trách nhiệm, thì có thể là chưa thấy hết trách nhiệm của mình” - X.T (ghi)

Bộ trưởng GD -  ĐT hứa phổ cập bậc mầm non

Một trong những vấn đề được đại biểu quốc hội quan tâm trong phiên chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT là chuyện chất lượng các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ngoài công lập (Báo Thanh Niên vừa phản ảnh). Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) hỏi vì sao Bộ GD-ĐT lại cấp nhiều giấy phép thành lập cho các trường, trong khi chất lượng không đảm bảo ?  Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận thực trạng này. Ông nói Bộ GD-ĐT chưa có những yêu cầu cao về các tiêu chí đảm bảo chất lượng; có thiếu sót khi chưa kiểm tra xử lý nên để tình trạng này kéo dài. Ông Nhân cho biết sắp tới Bộ sẽ đưa ra những tiêu chí cao hơn về các điều kiện đảm bảo chất lượng và sẽ tăng cường khâu kiểm tra để đảm bảo "trong vòng 3 năm nữa các trường phải thực hiện đúng như cam kết khi thành lập". 

Trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Nguyên), Bộ trưởng Nhân cũng nói "sẽ quan tâm giải quyết vấn đề chỗ ở cho sinh viên”. Ông cho biết: "Theo đề án về ký túc xá cho sinh viên được triển khai từ năm 2004 thì đến năm 2010 có 60% sinh viên được ở KTX nhưng do thiếu kinh phí, đến nay con số này mới chỉ là 20%. Sắp tới Bộ sẽ rà soát và xem xét lại việc thực hiện đề án này và sẽ có quy định quản lý nhà trọ sinh viên để cải thiện điều kiện chỗ ở cho các em", Bộ trưởng nói.

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) chất vấn: “Mầm non là cái nền của sự học nhưng ít được quan tâm trong khi lại cho mở tràn lan các chương trình về giáo dục ĐH, nhất là tại chức và từ xa, mà không đảm bảo chất lượng”. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trả lời: "Do từng giai đoạn chỉ có thể tập trung giải quyết cho từng bậc học". Ông Cuông chưa hài lòng: "Đây là một vấn đề đã được các ĐBQH quan tâm từ lâu và đã đề nghị đưa vào luật giáo dục nhưng Bộ GD-ĐT vẫn thờ ơ, chỉ quan tâm đến giáo dục ĐH. Vậy Bộ có thấy quan trọng không? Có kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội quan tâm không? Nếu thấy quan trọng thì có động thái gì kiến nghị đầu tư cho bậc học này ?". Trước câu hỏi có phần khá gay gắt này, Bộ trưởng Nhân trả lời: "Bộ rất quan tâm". Ông nói rằng mình chính là người chủ động đề xuất chương trình phổ cập cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi. "Bộ đang xây dựng và trình Chính phủ đề án này nhằm tạo điều kiện cho trẻ 5 tuổi được tiếp cận với giáo dục có chất lượng trong các loại hình trường", người đứng đầu ngành GD-ĐT dẫn giải.

Thống đốc NHNN bình tĩnh khi bị gợi ý từ chức

Khác với phần chất vấn căng thẳng và kéo dài dành cho Bộ trưởng Công thương, thời gian 60 phút dành cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu có vẻ quá ngắn; đặc biệt khi mà ông đã mất hơn 20 phút để báo cáo về những việc ngành này đã làm được kể từ kỳ họp thứ 3 tới nay. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, cả 3 nhóm công việc mà ông hứa làm tại kỳ chất vấn trước đều đã đạt kết quả. Về nhóm công việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt trong điều hành, ông nói: “Chúng tôi tập trung hai mục tiêu chủ yếu là kiểm soát tổng phương tiện thanh toán tăng ở mức hợp lý. Mười tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán tăng 10,59%, chỉ bằng 1/3 so với mức tăng cùng kỳ năm ngoái”. 

Kiểm soát dư nợ tín dụng cũng là một mục tiêu khác mà Thống đốc đánh giá là thành công. “10 tháng đầu năm nay tăng trưởng tín dụng là 19,6%, chỉ bằng 56% so với mức tăng cùng kỳ năm ngoái”, ông Giàu kể. 

Lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đang ở mức 18%, được người đứng đầu ngành ngân hàng cho là thành công tiếp theo của ngành này trong việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng. “Nhiều ngân hàng cũng đã chia sẻ với doanh nghiệp, đặc biệt mới đây chúng tôi điều chỉnh lãi suất cơ bản xuống còn 12% thì các tổ chức tín dụng hiện nay cho vay phổ biến các doanh nghiệp ưu đãi thì 15 tới 16%, đặc biệt Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì áp dụng cho vay nông dân cả nước chỉ 14,4%”, ông Giàu hào hứng.  Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng nói với Quốc hội rằng, Chính phủ đã làm rất nhiều việc để thực hiện lời hứa với Quốc hội về đảm bảo an toàn hệ thống; vốn điều lệ của các ngân hàng đã tăng gần 28% trong 10 tháng đầu năm. Ông thừa nhận các ngân hàng "có mạnh tay cho vay bất động sản" nhưng "chúng tôi đã chấn chỉnh kịp thời" và dư nợ trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán đang giảm nhanh.

"Không có vốn doanh nghiệp phá sản hàng loạt ai phải chịu trách nhiệm, Thống đốc có nghĩ đến việc từ chức không?" ĐB Nguyễn Hồng sơn (Hà Nội)

Phần báo cáo này của ông Giàu bị các ĐBQH phê bình là quá dài. Trong chưa đầy 40 phút còn lại Thống đốc Nguyễn Văn Giàu bị các ĐB truy vấn đề chính sách tỷ giá không linh hoạt, điều hành giật cục, gây khó khăn cho cả việc huy động vốn của các ngân hàng thương mại và cả người đi vay. ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) còn bức xúc hỏi Thống đốc Giàu rằng, ông “đã nghĩ đến việc từ chức hay chưa". Theo ĐB Sơn, các chính sách ban hành bởi Ngân hàng Nhà nước nhằm thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát là không sai nhưng quá gấp gáp và không tính toán đầy đủ, dẫn đến lãi suất cho vay được đẩy lên quá cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt dẫn đến khả năng phá sản hàng loạt của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Nếu trong trường hợp không thể cứu nguy được các hệ thống doanh nghiệp mà dẫn đến phá sản hàng loạt, nếu trong trường hợp chúng ta không có giải pháp tốt trong tương lai thì trách nhiệm của Thống đốc cũng như của các đơn vị tham mưu của Ngân hàng Nhà nước đến đâu. Thống đốc có nghĩ đến việc mình phải từ chức ở vị trí này hay không ?”, ông Sơn nói.

"Ưu tiên kiềm chế lạm phát, doanh nghiệp rõ ràng có gặp khó khăn" Thống đốc Nguyễn Văn Giàu

Dưới hội trường xuất hiện nhiều tiếng xì xào nhưng Thống đốc Giàu tỏ ra khá bình tĩnh. Ông nói: “Tôi cho rằng các giải pháp, các bước đi của ngân hàng Nhà nước thực hiện đều có lộ trình phù hợp. Còn việc các doanh nghiệp khó khăn thì chúng ta ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững cũng đã được xác định rõ”.

Ngành y tế chỉ lo "an toàn trên bàn ăn"

Tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XII (tháng 10.2007), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu là một trong những bộ trưởng đưa ra nhiều lời hứa với QH nhất. Hôm qua 12.11, Bộ trưởng Triệu cũng rất tự tin khi nói về việc ông đã thực hiện, như: đã sửa được điều kiện để tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện; cử bác sĩ có tay nghề cao ở tuyến trung ương tăng cường về các địa phương, vùng sâu vùng xa để đào tạo theo kiểu cầm tay chỉ việc, khám chữa bệnh giúp; đã có 552 bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trung ương về các xã... Trong 65 phút trả lời chất vấn, ông Triệu tỏ ra là người rất hài hước: không dưới ba lần, các ĐB phải phì cười về cách đăng đàn của ông. 

Truyền tải nỗi lo lắng của hàng triệu người dân, ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) chất vấn: “Theo cảnh báo, có 24,5% hoa quả nhập khẩu vào nước ta có chất bảo quản độc hại, gây ung thư, bộ trưởng đã kiểm tra chưa ?”. Viện dẫn các quy định trong Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, trong quy trình từ trang trại đến mâm cơm thì Bộ Y tế có trách nhiệm quán xuyến chung và phần trên bàn ăn, còn trồng trọt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phụ gia, phẩm màu và lưu thông là Bộ Công thương. 

Lập tức, Chủ tịch Quốc hội “triệu” ngay Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương để làm rõ vấn đề. Tuy nhiên, hai vị Bộ trưởng này cũng không làm rõ được nội dung câu hỏi của ĐB Mai. Bộ trưởng Cao Đức Phát nói, cái đó thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận việc đó thuộc trách nhiệm của ngành, rồi bỏ lửng. Không kìm chế được, ĐB Mai tiếp tục: “Tôi thấy phải có một nhạc trưởng, trách nhiệm là của Bộ Y tế, liên quan đến sức khỏe của nhân dân thì phải có người chịu trách nhiệm”. 

Bộ Y tế có trách nhiệm quán xuyến chung và phần trên bàn ăn, còn trồng trọt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phụ gia, phẩm màu và lưu thông là Bộ Công thương.

Bộ trưởng Triệu làm cả Hội trường bật cười, khi ông nói chuyện bảo vệ sức khỏe và chống hoa quả nhập khẩu có chứa chất độc hại giống như chuyện đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Người đứng đầu ngành y tế xuê xoa: “Nếu ĐB phê bình là chưa phối hợp chặt chẽ thì tôi nghĩ cũng phải xem xét”. ĐB Mai bất bình: “Câu hỏi của tôi rất rõ ràng nhưng đến bây giờ, tôi vẫn chưa biết ai là người trả lời”. ĐB Mai đề nghị Bộ trưởng phải tiếp tục trả lời bằng văn bản về nội dung này. 

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý (Nghệ An) bày tỏ sự bức xúc của cử tri về tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải y tế gây ra. ĐB Lý đặt câu hỏi: “Bộ Y tế làm gì để khắc phục tình trạng này ?”. Bộ trưởng thừa nhận, ô nhiễm môi trường do rác thải y tế gây ra đã đáng báo động. Hiện mới có 40% rác thải y tế độc hại được xử lý bằng lò đạt tiêu chuẩn, 27% là đốt ở ngoài trời và chôn lấp, chỉ có 33% nước thải y tế xử lý đạt tiêu chuẩn. Để khắc phục được ô nhiễm do rác thải y tế thì cần phải đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, vị tư lệnh ngành lại chưa đưa ra được lộ trình cụ thể là khi nào sẽ xử lý dứt điểm được tình trạng trên, mặc dù có ĐB nhắc đi nhắc lại yêu cầu này.
Nguồn: Thanh Niên