VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin mới

Tháng 9/2008

06/08/2010 - 172 Lượt xem

TỔNG HỢP TIN KINH TẾ THÁNG 9/2008

1. Diễn biến tích cực của nền kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm nay đạt 6,52%. Tuy thấp hơn con số 8,16% của cùng kỳ năm 2007 nhưng GDP 9 tháng đã nhích lên so với con số 6,5% của 6 tháng đầu năm nay.

- Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 16% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm trước đó là 17,1%). Mặc dù nhiều yếu tố không thuận tác động đến sản xuất kinh doanh song giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp 9 tháng vẫn tăng 5,43% so với cùng kỳ 2007 (tăng 4,2%). Hoạt động thương mại, dịch vụ vẫn duy trì tăng trưởng. Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 9 tháng tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2007.

- Giá tiêu dùng tháng 9 tăng 0,18% so với tháng trước đó. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2007. Tuy nhiên, do CPI đã tăng cao trong 8 tháng trước đó nên nếu so với tháng 12/2007, CPI tháng 9 đã tăng 21,87%. Chỉ số giá bình quân 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2007 đã tăng 22,76%.

- Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm trong tháng 9 nhưng tính chung cả năm vẫn tăng trưởng ở mức cao. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đã đạt 48,6 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2007. Kim ngạch nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu khi đạt 64,4 tỷ USD, tăng 48,3% so với cùng kỳ năm 2007. Nhập siêu 9 tháng đầu năm hiện ở mức 15,8 tỷ USD, bằng 32,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

- Vốn FDI tiếp tục được khơi nguồn với nhiều dự án lớn. Nguồn vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Tổng số vốn FDI cấp mới và tăng thêm trong 9 tháng đầu năm đạt 57,1 tỷ USD, tăng 398,5% so với cùng kỳ năm 2007. Giải ngân vốn FDI 9 tháng đạt 8,1 tỷ USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ. Thu hút vốn ODA đạt tổng giá trị trên 1,8 tỷ USD, giải ngân nguồn vốn này đạt trên 1,4 tỷ USD, bằng 74,5% kế hoạch giải ngân năm 2008.

Có thể nói nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro như: Khả năng tăng trở lại của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng nền kinh tế phát triển nóng, những tín hiệu tăng trưởng xuất khẩu đang chậm lại… Bên cạnh đó, khủng hoảng kinh tế Mỹ đang gây ra những ảnh hưởng to lớn tới nền kinh tế toàn cầu và với nền kinh tế của Việt Nam.

2. Lạm phát và khả năng nền kinh tế nóng trở lại

2.1 Những vấn đề tiểm ẩn đằng sau sự giảm tốc của CPI

Việc giá tiêu dùng chỉ tăng 0,18% trong tháng 9 là một tín hiệu tích cực trong nỗ lực kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Bởi lẽ, tháng 9 là thời điểm bắt đầu chu kỳ tăng giá cuối năm do nguồn cung tiền, hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng đều tăng, hoạt động đầu tư, nhập khẩu cũng tăng. Bên cạnh đó là những yếu tố tiềm ẩn về dịch bệnh, tác động của bão lũ, giá đầu vào nhập khẩu ở mức cao... Tất cả những yếu tố này đều có thể đẩy giá tiêu dùng tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng CPI đang có xu hướng chững lại là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nó cũng gợi lên nhiều điều đáng lưu tâm.

Thứ nhất, giá gạo đang giảm mạnh, người tiêu dùng gạo sẽ được lợi. Tuy nhiên, tác động tích cực cho chỉ số CPI đồng thời cũng phản ánh một thực tế là gạo Việt Nam đang không bán được. Trong khi đó, mùa mưa đang đến, nguy cơ lúa gạo hỏng lớn. Đây là tình trạng đáng lo ngại. Giá thấp đồng nghĩa với của cải bị mất, rủi ro lớn đổ vào người trồng lúa, những đối tượng dễ tổn thương trong lạm phát.

Thứ hai, phải tính tới sự giảm giá tiêu dùng quốc tế. Khi giá tăng, Việt Nam cần tập trung bàn chính sách để chống lạm phát. Khi giá giảm, cần phải xem yếu tố chính sách tác động được bao nhiêu và bao nhiêu là do yếu tố bên ngoài. Hiện nay, giá cả các mặt hàng thế giới đều giảm mạnh, tác động tích cực tới chỉ số lạm phát của Việt Nam. Tuy nhiên, sự giảm giá này cũng chính là biểu hiện cụ thể của suy thoái kinh tế thế giới. Giá hàng hóa giảm mạnh là tín hiệu ngầm định về một tương lai không mấy sáng sủa, nếu không nói là u tối của nền kinh tế thế giới. Điều này sẽ tác động dài hạn đến tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Trong hội nhập, Việt Nam buộc phải lưu tâm tới những biến động đó. Đơn cử, hàng hóa Việt Nam sẽ được tiêu thụ như thế nào khi nhu cầu nhập khẩu của các nước giảm, nhất là từ kinh tế Mỹ?

Mặt khác giá tiêu dùng tuy giảm tốc mạnh, nhưng vẫn dựa quá nhiều vào sự giảm giá của lương thực – thực phẩm (tháng 7 chỉ giảm 0,37%, thì tháng 8 giảm tới 1,10%, còn tháng 9 này giảm tới 1,75%). Như vậy, có thể thấy nguyên nhân chính gây là lạm phát phi mã trong nhiều tháng qua là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Cụ thể, từ tháng 1/2007 đến nay, tức là chỉ tính trong giai đoạn giá tiêu dùng tăng hai chữ số/năm cho thấy, nếu như tỷ trọng trong tổng mức tăng giá tiêu dùng của nhóm hàng này đã tăng hầu như liên tục từ 46,10% lên mức “đỉnh” 71,17% trong tháng 6 vừa qua, và liên tục giảm xuống trong 3 tháng vừa qua và hiện chỉ còn 66,46%. Trong khi đó, tỷ trọng này của 9 nhóm hàng hoá và dich vụ còn lại trong cùng kỳ đã hầu như liên tục giảm từ 53,90% xuống tới mức “đáy” chỉ với 28,53% và hiện đã nhích lên 33,54%.

Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng còn lại sẽ tiếp tục xu hướng giảm và ở mức thấp. Nhận định này được đưa ra dựa trên các căn cứ sau:

Thứ nhất, xu thế giá lương thực tiếp tục giảm giá mạnh trong những tháng tới, đây sẽ vẫn là tác nhân quan trọng kiềm chế lạm phát. Nhận định này dựa trên ba nhân tố chủ yếu sau đây:

- Sản xuất nông nghiệp được mùa lớn cũng đồng nghĩa với việc tăng mạnh khối lượng lúa gạo tồn kho trong nước chắc chắn sẽ là yếu tố khiến giá trong nước không thể tăng.

- Cho dù Chính phủ đã liên tục đốc thúc các tổ chức xuất khẩu gạo và các ngành chức năng có liên quan, nhưng tiến độ xuất khẩu vẫn đang chậm lại, cho nên rất khó có thể đẩy giá gạo tăng mạnh trong những tháng còn lại. Trong khi đó, ngay cả trong trường hợp hoàn thành được các mục tiêu khối lượng xuất khẩu 4,5 - 4,6 triệu tấn trong cả năm nay, thì tồn kho gạo trong nước vẫn tăng đột biến, cho nên đây cũng là tác nhân kìm giữ không để giá lương thực trong nước tăng.

- Giá lương thực, thực phẩm trên thế giới có xu hướng giảm. Kết quả tính toán từ các số liệu thống kê của IMF trong ba năm giá gạo thế giới lên tới mức “đỉnh” trong ba cơn sốt nóng chu kỳ từ năm 1980 trở lại đây giống như năm nay, bình quân giá gạo thế giới trong 3 tháng cuối năm giảm tới 12,34% so với 9 tháng đầu năm. Như vậy, nếu thị trường gạo thế giới năm nay không “phá lệ”, thì giá gạo thế giới trong 3 tháng cuối năm nay cũng sẽ giảm mạnh.

Thứ hai, đối với một nền kinh tế có độ mở cả ở đầu vào nhập khẩu lẫn ở đầu ra xuất khẩu đều tăng cực kỳ nhanh và hiện đã rất lớn, đặc biệt là tình trạng “sống nhờ” vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như nước ta, triển vọng giá nguyên liệu thế giới hạ nhiệt trong những tháng tới cũng sẽ là một yếu tố quan trọng khiến giá cả trong nước tiếp tục hạ nhiệt.

Thứ ba, trong điều kiện tốc độ tăng trưởng kinh tế đang hạ nhiệt, tức là tốc độ tăng thu nhập của đông đảo người lao động cũng bị ảnh hưởng theo, việc tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên tục cao ngất ngưởng trong những tháng qua cũng báo hiệu sức mua của thị trường xã hội đang bị suy yếu và đây cũng là yếu tố có tác dụng kiềm chế lạm phát.

Rõ ràng, mục tiêu cuối cùng của chống lạm phát không nằm ở những con số. Quan trọng hơn, các biện pháp, nỗ lực đó mang lại kết quả tối ưu gì cho quan hệ tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế. Lạm phát có thể kéo về mức 0 nhưng có thực sự tốt cho nền kinh tế thì cần xem xét thêm nhiều vấn đề. Nếu kéo CPI xuống thấp quá, có thể nền kinh tế đình trệ, khó khăn sẽ bung ra ở khía cạnh khác. Giá lên xuống thất thường, mức dao động lớn sẽ gây khó cho việc kinh doanh, sản xuất. Cần tính giảm theo nhịp độ nào là tối ưu.

2.2 Khả năng nền kinh tế nóng trở lại vẫn tiềm tàng

Theo các chuyên gia, khả năng nóng trở lại của nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn. Bởi vì lượng vốn nước ngoài thực hiện năm nay rất nhiều. Đặc biệt, hiện nay đầu tư công mới giải ngân rất ít, chỉ 57% kế hoạch đề ra trong 8 tháng đầu năm. Để đạt mục tiêu, giải ngân sẽ dồn vào cuối năm. Dòng tiền bơm ra, tập trung vào một thời điểm, trong điều kiện nền kinh tế đang có vấn đề, các điểm yếu vẫn tắc, chưa giải tỏa được: như hạ tầng, năng lượng... Khi bơm thêm vốn với một khối lượng nhiều, nền kinh tế sẽ nóng trở lại. Hiện nay, có 3 máy bơm tạo ra sức nóng đó: ngân hàng, ngân sách, và dòng đầu tư nước ngoài. Tất nhiên đầu tư nước ngoài cũng phải qua những kênh trên, nhưng có thể thấy rõ ba luồng tiền: do khu vực tư nhân Việt Nam, do hệ thống chi tiêu chính phủ, bao gồm cả DNNN và luồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, với chính sách tiền tệ, Việt Nam có thể kiềm chế được dòng đầu tư tư nhân, nhưng động thái kiềm chế đầu tư công hiện vẫn chưa rõ ràng, trong khi dòng đầu tư nước ngoài vẫn rất mạnh, thậm chí tăng vọt. Do đó, dòng vốn vẫn rất nóng. Trong khi đó, những điểm yếu về cơ cấu bên trong của nền kinh tế chưa được thay đổi. Hiện tại, hệ thống bến cảng, giao thông, hạ tầng đô thị, cung cấp năng lượng… đều quá tải. Sự nóng lên của nền kinh tế là do sự không, cân đối giữa tốc độ tăng của dòng tiền với cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần cẩn thận đầu tư nóng làm nền kinh tế không thể hạ nhiệt. Giải pháp hạ nhiệt cho Việt Nam là một mặt phải giảm đầu tư, mặt khác tăng cơ cấu lên. Trước mắt, Việt Nam cần quyết tâm thực hiện cắt giảm đầu tư công, bước tiếp theo là xem lại cơ chế chi tiêu công, xét duyệt đầu tư công. Sự cải cách cơ bản nhất phải hướng vào đầu tư công, làm sao tăng hiệu quả, tránh tình trạng dàn trải, nâng cao khả năng quản lý về chi tiêu và đầu tư, hạn chế lãng phí ở các dự án...

Như vậy, điểm mấu chốt để hạ nhiệt độ nóng của nền kinh tế là “cắt giảm đầu tư công”. Giảm đầu tư công, áp lực tiền tệ ra ngoài sẽ bớt đi, lạm phát sẽ giảm thật, vững chắc và chính xác. Trong thời gian qua, Việt Nam bơm tiền ra mạnh nhưng không đúng kiểu, các dự án không được thông tiền... Bơm nhiều nhưng cứ trục trặc, gây bất ổn. Với cách đầu tư hiện nay, nếu cứ hút mãi đầu tư vào, năng lực thực thi, quản trị dự án kém, rủi ro rất lớn.

3. Hoạt động xuất nhập khẩu

3.1 Hoạt động xuất khẩu đang chững lại

Cho dù kết quả xuất khẩu trong tháng 9 vẫn đạt khá cao, đạt 5,3 tỉ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đạt tới 48,6 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dấu hiệu suy giảm đã bắt đầu lộ diện: Các khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam hiện nay như:

Thứ nhất, xuất khẩu giảm do lượng và giá xuất khẩu. So với kim ngạch xuất khẩu tháng trước, tháng 9 này đã giảm 11,9% (trong đó dầu thô giảm 394 triệu USD; hàng dệt may giảm 101 triệu USD; giày dép giảm 72 triệu USD; gạo giảm 39 triệu USD; thuỷ sản giảm 33 triệu USD)… Nhiều chuyên gia nhận định, nếu loại trừ yếu tố giá thì giá trị xuất khẩu thực chất từ đầu năm đến nay và cho cả năm 2008 tăng không nhiều.

Trong số những nhóm ngành hàng xuất khẩu quan trọng thì có tới 2 nhóm hàng nông lâm hải sản và nhóm khoáng sản khó có sự tăng trưởng về lượng trong lúc giá thế giới lại đang xuống rất mạnh. Giá gạo thế giới đang giảm mạnh, thậm chí chỉ còn một nửa. Giá dầu thô thế giới đã giảm xuống dưới 100 USD/thùng so với lúc cao nhất là 147 USD/thùng. Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu chỉ còn trông vào nhóm hàng công nghiệp. Trong đó, dệt may sẽ vượt chỉ tiêu 9,5 tỷ USD nhưng da giày đang gặp khó khăn do việc EU thôi cấp ưu đãi cho da giày Việt Nam. Một số mặt hàng được kì vọng tăng trưởng mạnh thì đang chững lại. Đó là điện tử và linh kiện, đồ gỗ, dây cáp điện...

Thứ hai, một loạt khó khăn cho sản xuất xuất khẩu vẫn còn tồn tại, chậm được khắc phục. Đó là vấn đề thiếu điện cho sản xuất, đó là việc vốn vay vẫn chịu lãi suất cao quá mức chịu đựng của doanh nghiệp. Mặc dù các ngân hàng thương mại đã bắt đầu hạ lãi suất và tăng lượng vốn cho vay. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng trong lúc này là bài toán quá khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp. Có thể thấy, nếu trước đây giá trị tài sản đảm bảo được định giá 80% thì cho vay ra khoảng 40 - 60%, nhưng nay chỉ được 30 - 40%. Như vậy, giá trị tài sản đảm bảo được định khắt khe hơn và hạn mức tín dụng cung ứng của ngân hàng cung cấp cho doanh nghiệp lại giảm xuống. Mặt khác, ngân hàng cũng có những quy định gắt gao hơn trong cho vay, chỉ đáp ứng vốn cho những doanh nghiệp có dự án kinh doanh hiệu quả, khả năng tài chính mạnh, khả năng trả nợ cao, với mục tiêu hạn chế nợ khó đòi...

Thứ ba, hoạt động xuất khẩu chịu nhiều tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới. Việt Nam không thể “miễn nhiễm” trước tác động của cuộc khủng hoảng tại Mỹ, trước tiên về thương mại. Theo các chuyên gia kinh tế, do nhu cầu tiêu thụ của thị trường Mỹ và châu Âu đang giảm bởi hệ luỵ lan toả ở cấp độ toàn cầu của cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ, khả năng duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu cao của Việt Nam trong những tháng cuối năm và cả năm 2009 có thể bị ảnh hưởng.

Mặc dù cơ cấu xuất khẩu hàng hoá theo thị trường của Việt Nam trong 9 tháng qua có sự thay đổi, ASEAN đã trở thành đối tác lớn nhất và đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng Mỹ vẫn được xem là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Do đó, nhiều khả năng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn do nền kinh tế Mỹ chưa thoát khỏi khủng hoảng, ảnh hưởng tiêu cực tới cầu nhập khẩu của nước này.

Đối với thị trường EU, nhiều nền kinh tế trong khu vực này cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và hiện tại EU đang áp dụng một số biện pháp hạn chế thương mại đối với một số mặt hàng như: thuế chống bán phá giá đối với giày mũi da, cắt giảm ưu đãi thuế quan phổ cập đối với một số mặt hàng. Do đó, các hoạt động trao đổi thương mại giữa Việt Nam và thị trường này cũng gặp nhiều khó khăn.

3.2 Những tồn tại trong nhập khẩu và chống nhập siêu

Nhập siêu 9 tháng đầu năm 2008 đã lên tới 15,8 tỷ USD. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện tượng nhập siêu của Việt Nam không nằm trong quy luật bình thường của các nước đang phát triển. Tâm lý chuộng hàng ngoại vẫn phổ biến trong dân cư gây tác động của tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng. Mặt khác, tổng cầu tiêu dùng có khả năng thanh toán trong nước tăng cao kích thích tăng quy mô thị trường tiêu dùng hàng ngoại nhập, dẫn đến mở rộng quy mô nhập siêu. Ngoài tác động của yếu tố tăng giá hàng hoá nhập khẩu và tăng sản lượng sản phẩm các mặt hàng sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu, điều đáng lo ngại là tình trạng gia tăng nhập siêu ở Việt Nam bắt nguồn từ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế - sản xuất dựa vào gia công lắp ráp và hiệu quả sử dụng vốn chưa cao. Trong cơ cấu nhập siêu, khoảng 85% giá trị hàng nhập khẩu là nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị cho sản xuất, phần lớn từ các nước châu Á và ASEAN; còn sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là khoáng sản thô và hàng gia công. Như vậy, Việt Nam đang nhập khẩu thiết bị, công nghệ có trình độ trung bình hoặc lạc hậu của thế giới. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo một số chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, đáng lẽ Việt Nam phải nhập siêu từ các nước tiên tiến như: Mỹ và châu Âu để tiếp thu tri thức, công nghệ và các sản phẩm tiên tiến của họ, thì với thị trường này, chúng ta lại xuất siêu. Trong khi ở khu vực châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN, Việt Nam luôn ở thế nhập siêu và thực trạng này đã kéo dài nhiều năm nay. Điều này hoàn toàn bất lợi cho nền kinh tế, bởi chẳng những không tiếp thu được công nghệ và chất xám của thế giới trong nhiều lĩnh vực, sản phẩm ở thị trường châu Á thường không mang tính chiến lược lâu dài, công nghệ thấp.

Bên cạnh đó, giảm nhập siêu như cách làm hiện nay mới có tính ngắn hạn mà chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề. Thực tế, trong nhập khẩu, Việt Nam đang quay trở lại quy chế giấy phép. Cách hành xử mang tính hành chính ít khi mang lại thành quả tích cực. Điều này được thể hiện trên các khía cạnh sau:

- Thứ nhất, Việt Nam đang nhập siêu, thâm hụt cán cân thương mại và thường xuyên thâm hụt cán cân vãng lai nhưng nghịch lý là từ đầu năm 2007 đến nay cung ngoại tệ lại luôn tăng. Bên cạnh đó, trong khi lãi suất USD của FED giảm thì lãi suất cho vay USD của nước ta lại tăng. Do đó, giá thành hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ cao hơn, nói cách khác là thu lợi nhuận thấp hơn. Hàng hoá xuất khẩu và dịch vụ của Việt Nam có nguyên nhiên vật liệu và máy móc thiết bị phải sử dụng vốn vay USD kém sức cạnh tranh hơn so với các đối tác trong khu vực. Đáng chú ý, Việt Nam neo giữ tỷ giá VND/USD quá lâu, không đúng với diễn biến của thị trường hối đoái quốc tế, trong khi USD giảm giá mạnh trong hơn 2 năm qua là nguyên nhân quan trọng gây nên lạm phát cao hiện nay. Đồng thời việc neo ghìm tỷ giá VND/USD quá lâu làm cho hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam tăng giá, cũng góp phần gây nên lạm phát.

- Thứ hai, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các biện pháp hạn chế nhập khẩu và đã thu được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, việc ban hành thêm các biện pháp hạn chế thương mại với khả năng được WTO và IMF thông qua không cao, lại có khả năng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Rủi ro quan trọng nhất là sự phản ứng của các thành viên WTO nếu biện pháp đó không được WTO và IMF công nhận là hợp lệ. Vì thế, nhiều chuyên gia cảnh báo, nêu không xử lý một cách khôn khéo thì không những ta chưa thể đạt được hiệu quả kiềm chế nhập siêu như mong muốn mà còn có khả năng bị các thành viên WTO trả đũa thông qua các biện pháp hạn chế hàng xuất khẩu của nước ta.

Vấn đề nhập siêu muốn được giải quyết một cách căn bản cần có những thay đổi từ chính sách đồng bộ và cả quan điểm về phát triển nền sản xuất của Việt Nam. Theo dự kiến của Bộ Công Thương, nhập siêu cả năm 2008 sẽ khoảng từ 19 - 20 tỷ USD (chiếm 30% so với xuất khẩu). Như vậy, bình quân trong những tháng cuối năm, nhập siêu sẽ ở mức xấp xỉ dưới 1 tỷ USD. Để đạt được điều này là điều không dễ. Theo đánh giá của các chuyên gia, tất cả các biện pháp về tỷ giá, hạn chế nhập khẩu bằng các biện pháp hành chính kỹ thuật đều chỉ mang tính ngắn hạn. Về dài hạn cần có một cách làm bài bản, đó là tăng cường năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. Theo đó, chúng ta cần có các biện pháp phù hợp với diễn biến của từng giai đoạn cụ thể. Đó là: Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, có chính sách tỷ giá hợp lý, khuyến khích sản xuất trong nước và tiết chế tiêu dùng phải thực sự hợp lý và hiệu quả. Các biện pháp được đưa ra là:

Một là, ngân hàng nên nới lỏng các quy định về vay bằng ngoại tệ. Việc hạn chế mức tăng trưởng tín dụng cho vay không quá 30% làm cho tình trạng vay vốn của doanh nghiệp càng trở nên căng thẳng, có thể tăng mức tín dụng này lên 40% - 50% thì mới bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Hai là, Ngân hàng Nhà nước cần nới rộng biên độ tỷ giá giữa USD và VND hơn mức quy định 2%, để tránh cho các doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào tình trạng “một cổ hai tròng”.

Ba là, Việt Nam cần phải có chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ. Bằng cách đó, chúng ta sẽ tiết kiệm được một nguồn ngoại tệ lớn và tránh những cú sốc về giá khi giá nguyên vật liệu thế giới tăng mạnh.

Bốn là, Chuyển hướng nhập khẩu công nghệ hiện đại từ các nước công nghiệp phát phát triển (Mỹ, EU, Nhật Bản…). Với công nghệ nguồn như vậy, Việt Nam mới có thể có một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh trong nước và hướng ra xuất khẩu.

4. Những điểm yếu của hệ thống ngân hàng nội địa và sự cạnh tranh khi ngân hàng ngoại được cấp phép hoạt động

Việc hai ngân hàng nước ngoài Standard Chartered Bank và Ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC) chính thức được cấp phép thành lập ngân hàng 100% vốn ngoại tại Việt Nam đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc cạnh tranh giành thị phần giữa các ngân hàng đang hoạt động ở Việt Nam. Theo định hướng phát triển ngân hàng Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, thì các ngân hàng trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam phải tăng vốn tự có từ 150% đến 200%. Do đó, đối với các ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ bé, tầm ảnh hưởng hẹp, kinh doanh không hiệu quả thì xu hướng bị mua lại hoặc sáp nhập là điều khó tránh khỏi. Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống ngân hàng nội của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế trong đó đáng chú ý tới 3 khía cạnh sau:

Một là, khả năng tài chính đáng quan ngại: dù hệ số an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng Việt Nam hiện nay đều đạt chuẩn theo yêu cầu của NHNN, nhưng quy mô vốn tự có của các NHTM còn quá nhỏ. Theo các chuyên gia kinh tế, vốn tự có thấp, khả năng tích lũy từ nội bộ rất nhỏ nên việc chống đỡ với những hiện tượng đột biến rút tiền gửi, thiếu hụt thanh khoản của hệ thống Ngân hàng Việt Nam rất yếu.

Hai là, hạn chế về sản phẩm, dịch vụ dẫn đến thu hẹp thị phần: Điều này có thể khiến cho các ngân hàng “nội” không thể tận dụng được lợi thế về mạng lưới, khách hàng, kênh phân phối và công nghệ hiện có. Trong chiến lược phát triển sản phẩm, các ngân hàng “nội” vẫn chỉ tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực tín dụng. Các dịch vụ khác, nếu có, cũng chỉ dừng lại ở dịch vụ thẻ rút tiền, các hoạt động thanh toán qua tài khoản, dịch vụ quản lý tài sản cho cá nhân thu nhập cao, quản lý két sắt, quản lý thấu chi... vốn đã phổ biến trên thế giới lại chưa được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Bên cạnh đó, NHNN cũng cần sớm nghiên cứu và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các nghiệp vụ mới này. Đây là những lĩnh vực mà ngân ngân hàng nước ngoài chiếm ưu thế hơn hẳn các ngân hàng trong nước, đặc biệt là ngân hàng Mỹ và Châu Âu.

Ba là, trình độ quản lý yếu: đặc biệt trong quản trị danh mục tài sản nợ còn yếu. Trong danh mục tài sản của ngân hàng, chiếm tỷ trọng lớn vẫn là hoạt động tín dụng trong khi chất lượng tín dụng chưa cao, tỷ lệ nợ xấu vẫn lớn (khoảng dưới 5%, so với các ngân hàng “ngoại” thường ở mức xấp xỉ 2%), tiềm ẩn rủi ro tín dụng. Các ngân hàng còn tập trung quá nhiều vốn cho hoạt động tín dụng và đầu tư dài hạn, chưa thiết lập được danh mục đầu tư hợp lý, hiệu quả. Bên cạnh đó, các hoạt động huy động vốn chưa đảm bảo nhu cầu thanh khoản và nhu cầu tín dụng của ngân hàng, dễ dẫn đến rủi ro thanh khoản, việc quản lý kỳ hạn của nguồn vốn huy động còn nhiều bất cập dễ dẫn đến rủi ro tiềm ẩn khi huy động kỳ hạn ngắn nhưng lại cho vay dài hạn.

Với những hạn chế của mình, các ngân hàng nội sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài. Tiềm năng của thị trường Việt Nam được các ngân hàng nước ngoài đánh giá cao, với dân số khoảng 85 triệu người đồng nghĩa với việc lượng khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng là rất lớn, trong khi các sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam còn đang ở trình độ sơ khai. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao trong nhiều năm, và hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai cũng là những yếu tố quan trọng để các ngân hàng lớn trên thế giới để mắt tới thị trường này.

Theo cam kết về lộ trình mở cửa khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), năm 2008, Việt Nam sẽ phải “mở” toàn bộ các quy định về việc khống chế tỷ lệ tham gia góp vốn, dịch vụ, giá trị giao dịch của các ngân hàng nước ngoài và đến năm 2011, ngân hàng nước ngoài được đãi ngộ quốc gia đầy đủ đối với thẻ tín dụng. Dù thị phần của các ngân hàng trong nước hiện vẫn chiếm tới 90%, áp đảo các ngân hàng nước ngoài (chỉ có 10%). Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ nhanh chóng thay đổi trong thời gian ngắn, khi mà các ngân hàng nước ngoài đã được hiện diện tại Việt Nam với tư cách 100% vốn nước ngoài và có thể thực hiện hàng loạt các nghiệp vụ vốn bị bó hẹp như thẻ, tín dụng, huy động vốn, tham gia mua-bán và sát nhập ngân hàng. Mặt khác, 70% thị phần tài chính ngân hàng Việt Nam thuộc về các ngân hàng thương mại Nhà nước nên các ngân hàng nước ngoài có khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường trong thời gian ngắn.

Hiện tại Việt Nam đã có khoảng 34 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 4 ngân hàng liên doanh và trên 40 văn phòng đại diện của các ngân hàng đến từ 10 quốc gia có mặt tại Việt Nam. Nhiều ngân hàng cũng đã mua cổ phần của các ngân hàng thương mại trong nước. Các chuyên gia cho rằng với việc thâm nhập thị trường ngân hàng Việt Năm bằng cả hai đường đầu tư trực tiếp và gián tiếp, theo thời gian,các ngân hàng nước ngoài sẽ dần dần chiếm thị phần lớn tại Việt Nam. Lợi thế này của ngân hàng nước ngoài sẽ dần đẩy các ngân hàng thương mại Việt Nam vào tình trạng mất thị phần và chịu áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt để tiếp tục tồn tại và phát triển.

5. Khủng hoảng kinh tế Mỹ và những tác động đến Việt Nam

Mỹ là nền kinh tế lớn, chiếm tổng sản lượng, chu chuyển vốn quyết định thị trường thế giới tới 30%. Do vậy cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ chắc chắn sẽ tác động tới thế giới về các mặt như: khả năng chu chuyển vốn, đầu tư vốn, giá cả hàng hoá, xuất nhập khẩu… Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau, phụ thuộc từng khu vực, từng lĩnh vực vì nó phụ thuộc vào mối quan hệ về kinh tế thực tiễn (vay trả nợ, xuất nhập khẩu, đầu tư kỹ thuật, công nghệ). Nước nào gắn nhiều và sâu thì ảnh hưởng lớn, nước nào không chặt chẽ thì chỉ ở mức độ nào đấy thôi.

Một sự kiện tài chính lớn và có nguy cơ kéo dài như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu và Việt Nam. Trước hết, thanh khoản thị trường liên ngân hàng quốc tế đang có vấn đề. Lãi suất bằng USD tăng đột biến từ 3,1% lên 6,3%, lãi suất liên ngân hàng Mỹ lên tới 7%. Lãi suất tăng cao có thể ảnh hưởng đến các khoản nợ ngắn hạn của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam. Một khía cạnh khác, đó là khả năng giảm giá đồng USD có thể gây những xáo trộn về tài khoản tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp tại các ngân hàng...

Sự ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế Mỹ càng được quan tâm khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn, quan hệ ngoại thương, đầu tư nước ngoài đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Vì thế, khủng hoảng kinh tế Mỹ tác động xấu đến Việt Nam được cho là chuyện tất yếu. Vấn đề là ở mức độ nào và đối phó ra sao. Theo các chuyên gia, khủng hoảng kinh tế Mỹ có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam trong các lĩnh vực sau:

Một là, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn duy nhất trong vòng nhiều năm nay và chiếm tới 21,2% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam vì thế dễ bị ảnh hưởng tiêu cực khi nhu cầu của nền kinh tế bị thu hẹp. Ảnh hưởng này sẽ còn trầm trọng hơn khi đồng USD giảm giá, điều mà luôn làm cho nhu cầu nhập khẩu của Mỹ bị thu hẹp. Nguy cơ lan truyền suy thoái từ Mỹ và EU sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu.

Hai là, Việt Nam có mức thâm hụt thương mại 11 tỷ USD tương đương 15% GDP trong năm 2007. Tình hình thâm hụt hiện tại có thể trở nên nghiêm trọng hơn bởi sự suy thoái của kinh tế châu Âu và Mỹ như là kết quả của cuộc khủng hoảng tài chính. Nửa đầu năm 2008, thâm hụt thương mại đã lên đến 14,8 tỷ USD. Thâm hụt đã được cắt giảm trong những tháng gần đây nhưng sự suy thoái kinh tế Âu - Mỹ vẫn là một nguy cơ làm tăng thâm hụt thương mại ở Việt Nam, từ đó sẽ dẫn đến suy thoái.

Ba là, khủng hoảng kinh tế Mỹ cũng có thể khiến dòng đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam suy giảm bởi vì những lo ngại về bất ổn kinh tế và sự suy thoái kinh tế Mỹ làm cho nguồn đầu tư toàn cầu giảm mạnh.

Theo các chuyên gia, Việt Nam không bị ảnh hưởng trực tiếp do không có các liên kết đầu tư bằng trái phiếu và cổ phiếu vào các tập đoàn tài chính Mỹ. Tuy nhiên, ảnh hưởng gián tiếp do sự thu hẹp tài chính, đầu tư và thương mại có thể sẽ lớn và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể sẽ giảm. Nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với cả những khó khăn của biến động kinh tế thế giới và những hạn chế nội tại trong nước. Những chính sách thắt chặt tiền tệ một mặt góp phần hạn chế lạm phát nhưng cũng khó khăn cho phát triển sản xuất kinh doanh và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thị trường tài chính tiền tệ cũng bộc lộ những yếu kém cố hữu và đang chịu ảnh hưởng gia tăng từ thị trường tài chính quốc tế. Qua khảo sát ở nhiều DN và ngân hàng cho thấy tình trạng suy thoái đang diễn ra rất nhanh, nhất là khu vực xây dựng, BĐS, công nghiệp chế biến xuất khẩu. Trong lúc này, thay vì việc đầu tư tăng trưởng, Việt Nam hãy giữ một vị trí khiêm tốn nhưng chắc chắn. Nền kinh tế cần được xem xét và cơ cấu lại. Qua tác động khủng hoảng cần có sự thay đổi, tập trung củng cố các vấn đề nền tảng của kinh tế vĩ mô. tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, hướng tới sự tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn.

Nhà nước nên khuyến khích đầu tư quản lý rủi ro và các doanh nghiệp nhà nước thực hiện quản lý tài chính minh bạch. Việc phát triển các dạng thị trường tài chính đa dạng và tinh tế hơn. Ngoài ra, phải theo sát và đẩy mạnh việc cơ cấu lại sở hữu nhà nước, tập trung nguồn lực của Chính phủ vào các lĩnh vực như giáo dục, cơ sở hạ tầng, mạng lưới an sinh xã hội, các lĩnh vực mà sự lãnh đạo của Chính phủ là cần thiết. Bên cạnh đó cần chú ý làm tốt các công việc sau:

Thứ nhất, Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ cho thấy, thị trường quốc tế đầy rủi ro với sự bùng nổ của các quỹ đầu tư, ngân hàng đầu tư và tác động rất lớn đến hoạt động tín dụng của các NHTM. Việc giám sát cẩn trọng hoạt động NH đang trở nên rất cấp bách, tập trung chủ yếu vào hai lĩnh vực là quản lý thanh khoản và quản lý chất lượng tín dụng. Vào thời điểm hiện tại, các NHTM Việt Nam đang có trạng thái thanh khoản tích cực. Tuy nhiên để duy trì thanh khoản dài hạn, các NH cần rà soát lại toàn diện kế hoạch phát triển nguồn vốn và sử dụng vốn, danh mục cho vay và kỳ hạn tài chính còn lại để xây dựng kế hoạch dự phòng thanh khoản hợp lý.

Thứ hai, Thị trường thế giới dưới tác động của khủng hoảng tài chính Mỹ đang bị thu hẹp nghiêm trọng. Vì vậy cần có sự chuyển hướng coi thị trường nội địa có vai trò quyết định duy trì tăng trưởng kinh tế trong một - hai năm tới đây. Để làm được điều đó, cần phải giải bài toán lãi suất cho vay và huy động đều đang rất cao hiện nay khiến cho doanh nghiệp và ngân hàng đều gặp khó khăn lớn. Đồng thời, NHNN cần chỉ đạo các NHTM có chính sách tín dụng khôn khéo để bảo vệ thị trường BĐS, nhất là có thể tiếp tục tài trợ các dự án đã có sổ đỏ, đang xây dựng cơ sở hạ tầng sớm hoàn thiện để chuyển giao, hoặc bán cho các nhà đầu tư tiếp theo để thu hồi nợ.

Thứ ba, phân loại rõ các ngân hàng cho vay nhiều trong lĩnh vực đầu tư bất động sản và theo dõi chặt sức khỏe của họ để đưa ra các biện pháp đề phòng trước. Đây là cách hiệu quả nhất. Ngoài ra trong lĩnh vực bất động sản có những cái không phải là đầu cơ. Với những dự án này thì cần tiếp tục bơm tiền vào để thị trường hoạt động bình thường, tránh đổ vỡ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm – Tổng cục thống kê.

2. Lộ mặt thủ phạm gây lạm phát, 01/10/2008 - www.dddn.com.vn – Nguyễn Đình Bích.

3. Nhập siêu ở Việt Nam bất bình thường, 02/10/2008 – www.dantri.com.vn – Nguyễn Hiền

4. Khi xuất khẩu có dấu hiệu chững – 01/10/2008 – www.vneconomy.vn – Việt An.

5. 3 điểm yếu của ngân hàng nội – 24/09/2008- www.dddn.com.vn- Thủy Nguyên

6. Việt Nam tìm hướng tránh khủng hoảng kinh tế Mỹ, 22/09/2008 – www.vietnamnet.vn – Phước Hà – Xuân Linh

7. Cuộc đua rành thị phần trên thị trường ngân hàng, 22/09/2008 – Thông tấn xã Việt Nam.

8. Việt Nam phải giám sát thanh khoản và chất lượng tín dụng ngân hàng, 19/09/2008 – Báo Lao động.

9. Một số nguồn khác.