VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tháng 8/2008

06/08/2010 - 132 Lượt xem

TỔNG HỢP TIN KINH TẾ THÁNG 8/ 2008

1. Chiều hướng kinh tế vĩ mô diễn biến tích cực:

-         Theo số liệu của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 chỉ tăng 1,56% so với tháng trước và tăng 21,65% so với tháng 12 năm 2007. Đây được coi là tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống lạm phát ở nước ta, vì tháng 8 là tháng giá cả chịu tác động lớn của việc tăng giá xăng dầu.

-         Nhập siêu tháng 8 ở mức 0,9 tỷ USD, tuy tăng 0,1USD so với tháng trước, nhưng đây là tháng thứ 2 liên tiếp, nhập siêu ở dưới mức 1 tỷ USD – mức bình quân tháng cần thiết để nhập siêu cả năm đạt 30% kim ngạch xuất khẩu. Tổng nhập siêu 8 tháng đầu năm nay khoảng 15,965 tỷ USD, bằng 36,85% tổng kim ngạch xuất khẩu thấp hơn đáng kể so với tháng trước (41,6%). Có được kết quả này là do, trong tháng 8/2008 cả nước đã xuất khẩu được 6,1 tỷ USD, tính chung 8 tháng đạt kim ngạch 43,3 tỷ USD, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu trong tháng 8 là 7 tỷ USD giảm 4,1% so với tháng 7, nâng kim ngạch nhập khẩu tám tháng lên 59,3 tỷ USD, tăng 54,1% so với cùng kỳ năm 2007.

-         Thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong 8 tháng qua, Việt Nam đã thu hút mới 772 dự án, với 46,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bằng 79,2% về số dự án và tăng gấp 5 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam. Vốn FDI giải ngân được trong 8 tháng đầu năm đạt trên 7 tỷ USD, tuy còn thấp hơn nhiều so với vốn đăng ký nhưng tăng tới 32,1%  so với cùng kỳ năm trước và cũng là mức cao nhất kể từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài đến nay. Cùng với con số này, cả nước còn tiếp nhận thêm 1,307 tỷ USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giải ngân, góp phần giải tỏa áp lực lên cán cân thanh toán của nền kinh tế.

-         Mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, lãi suất ngân hàng đứng ở mức cao, tín dụng khó khăn, giá trị sản xuất công nghiệp trong 8 tháng qua vẫn tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông, lâm ngư nghiệp đã khắc phục được nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh.

Có thể nói, những chỉ số kinh tế vĩ mô trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm tiếp tục thể hiện xu hướng ổn định dần của nền kinh tế. Tuy vậy, khó khăn thách thức còn rất lớn.

2. Thu hút FDI và những vấn đề cần cảnh báo

Theo số liệu được công bố tại hội nghị giao ban Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26/8 vừa qua, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 8 tháng đầu năm đạt 47,158 tỷ USD, tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2007. Riêng về cấp mới, trong tháng Tám, cả nước có 118 dự án được nhận giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1,827 tỷ USD. Tính chung 8 tháng đầu năm, con số tương ứng là 772 dự án và 46,324 tỷ USD, giảm 20,8% về số dự án nhưng tăng 416,4% về vốn đăng ký cấp mới so với cùng kỳ năm 2007.

Cùng với việc gia tăng về số vốn thì quy mô đầu tư các dự án cũng tăng lên đáng kể và đạt mức trung bình 60 triệu USD/dự án, cao hơn nhiều so với trước đây. Các dự án đầu tư vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2008 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ (23,6 tỷ USD, chiếm 50,9% tổng vốn đầu tư); công nghiệp và xây dựng (22,5 tỷ USD, chiếm 48,6% tổng vốn đầu tư đăng ký)...

Một mặt, kết quả thu hút đầu tư nói trên khẳng định, Việt Nam vẫn là nơi hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2008 dù kinh tế thế giới và Việt Nam đang đứng trước những biến động phức tạp. Các nhà đầu tư nước ngoài gần đây đều nhận định Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn và là nơi có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong thời gian tới. Theo Cục ĐTNN, đây là kết quả tổng hòa mọi nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương trong hoạt động xúc tiến đầu tư, trong hỗ trợ các nhà đầu tư từ khi có ý định đầu tư đến khi hình thành dự án. Chính với những nỗ lực này đã góp phần thúc đẩy nhanh hơn lượng vốn giải ngân tại khu vực này. Tổng vốn đầu tư thực hiện trong 8 tháng qua ước đạt 8 tỷ USD, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, để quản lý và sử dụng nguồn FDI đó một cách hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Việt Nam, còn nhiều vấn đề rất đáng chú ý cần quan tâm đúng mức.

Hiện vấn đề giải ngân FDI là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam vì đây là nhu cầu bức thiết cho đầu tư vào Việt Nam. Để các dự án được cấp GCNĐT nhanh chóng đưa vốn vào triển khai dự án và giảm khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện, trong những tháng còn lại của năm nay, Bộ KHĐT sẽ chú trọng công tác thúc đẩy triển khai các dự án ĐTNN, đặc biệt là các dự án quy mô lớn đã được cấp GCNĐT trong năm 2006 và năm 2007; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, về giải phóng mặt bằng v.v... tăng cường công tác hỗ trợ và giám sát các dự án triển khai đúng tiến độ đề ra.

Song, mối lo giải ngân chưa phải là quan ngại chính trong những vấn đề đang tồn tại xoay quanh việc sử dụng FDI hiện nay. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã bày tỏ “cảm nhận là có một số dự án thực sự đang có vấn đề. Thứ nhất về ô nhiễm môi trường. Thực tế là tình trạng hoạt động của một số không nhỏ các dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường đã tồn tại tới cả chục năm nay, nhưng các cơ quan hữu quan vẫn chưa rút ra bài học cụ thể để giám sát chặt chẽ từ khi cam kết về bảo vệ môi trường và xử ngay khi có những vi phạm. Bà Phạm Chi Lan khuyến nghị, dù nhà đầu tư có đầu tư 100% vốn thì đã làm trên đất nước Việt Nam, phía Việt Nam có trách nhiệm xem xét tất cả lợi ích lâu dài về nhiều mặt của mình và yếu tố quyết định nhất không chỉ đơn giản là thu hút được bao nhiêu vốn.

Vấn đề thứ hai là trong tổng nguồn vốn FDI kỷ lục mà VN thu hút được những tháng đầu năm nay, tới 50% vốn đăng ký mới là đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (BĐS). Đây là biểu hiện đáng lo ngại và các cơ quan quản lý nhà nước nên thận trọng. Có khả năng các dự án bất động sản ồ ạt vào VN thời gian qua và sẽ vào VN tới đây sẽ phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội mà chúng ta đặt ra. Thêm vào đó, các dự án BĐS chỉ dồn vào phân khúc thị trường cao cấp trong khi người có thu nhập thấp mới là đối tượng có nhu cầu thực sự về nhà ở và là lĩnh vực chúng ta cần thu hút vốn đầu tư.

Vốn FDI vào bất động sản 6 tháng đầu năm 2008

 

Chuyên ngành

Số dự án

TVDT

Vốn điều lệ

Khách sạn-Du lịch

18

              3,915,333,875

 954,155,000

XD KCX-KCN

5

                 163,580,000

 39,667,000

XD khu đô thị mới

2

              1,268,750,000

1,268,750,000

XD văn phòng –Căn hộ

16

              7,975,871,587

1,723,963,400

Tổng Cộng

41

13,323,535,462

3,986,535,400

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch Đầu tư

 

Có một nghịch lý là, giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) được cấp quá dễ cho các nhà ĐTNN, cho phép họ sử dụng những mảnh đất rất rộng, vị trí đẹp, trong khi đối với DN trong nước lại hết sức hạn chế về sử dụng đất, thậm chí phải tranh giành nhau những mảnh đất với giá rất cao. Vấn đề ở chỗ nhà ĐTNN bỏ vốn đầu tư và chỉ tính đến lợi ích của họ, hầu như rất ít quan tâm đến lợi ích của người dân sống trong vùng dự án hoặc bản thân những người mất đất. Điều này đã dẫn đến một thực tế là một bộ phận người nông dân bị mất đất đang lâm vào cảnh: tiền đền bù đã cạn, việc làm mới chưa thấy đâu, đất nông nghiệp chẳng còn. Trong khi đó, vì Chính phủ phân cấp cho các địa phương được quyền quyết định đầu tư rất cao nên một số địa phương chạy đua thu hút đầu tư bằng nhiều chính sách khuyến khích và chấp nhận FDI một cách dễ dãi để thỏa mãn khao khát đầu tư vào địa phương mình, mong cải thiện hình ảnh và uy tín của địa phương bằng thành tích thu hút FDI. Thực trạng trên đòi hỏi phải có sự giám sát, điều hành ở tầm vĩ mô để hài hoà lợi ích giữa địa phương với tổng thể nền kinh tế, giữa dự án BĐS với các dự án kinh tế khác.

Về phía các doanh nghiệp FDI, những báo cáo mới đây nhất cho biết hơn 70% trong số họ đã bị lỗ trong 6 tháng đầu năm nay. Thực hư điều này ra sao chưa có tài liệu nào chứng minh, nhưng một sự thực hiện hữu là dù họ lỗ thật hay là lỗ giả cũng đều đáng lo đối với Việt Nam. Nếu là lỗ thật, nghĩa là chi phí kinh doanh ở Việt Nam đã cao lên và làm cho bài toán kinh doanh của nhà đầu tư khó khăn, hoặc những nhân tố đóng góp của Việt Nam không giúp họ thuận lợi trong đầu tư và do đó họ bị lỗ, đây là điều không mong muốn. Kết quả này có thể làm cho các nhà đầu tư khác ngần ngại không muốn vào Việt Nam nữa. Đồng thời, khi nhà đầu tư lỗ thì cả phía Việt Nam cũng thiệt, vì nhà đầu tư không đóng được thuế như Việt Nam mong muốn cũng như không tạo ra được những lợi ích khác mà nước chủ nhà đáng lẽ có thể được hưởng.

Nếu họ lỗ giả, tình trạng đó cũng rất có thể xảy ra, thì có thể đang diễn ra hiện tượng chuyển giá. Tức là khi có yếu tố giá cao thì người ta tính cho dự án đầu tư ở Việt Nam, còn những phần có lời nhất, thuận lợi nhất lại gán cho công ty mẹ ở bên ngoài. Do đó phần lời thì công ty mẹ được hưởng, còn phần lỗ thì công ty ở Việt Nam gánh chịu để rồi phần gánh chịu đó thực tế là đổ nhiều nhất vào phía Việt Nam.

Phải chăng Việt Nam lỗ hổng để các doanh nghiệp này khai thác? Nếu như có hiện tượng chuyển giá đó thì rõ ràng quản lý cũng như năng lực của phía Việt Nam trong tham gia đầu tư chưa tốt, không giám sát được hoạt động và không hiểu được bài toán kinh doanh cũng như cách hạch toán của nhà đầu tư nước ngoài nên cứ chấp nhận báo cáo lỗ như vậy.

Một hiện tượng nữa cần cảnh báo kịp thời đó là tình trạng “cướp ngân hàng” đã xảy ra tại những nước, như Ấn Độ, có điều kiện và bối cảnh tương đồng với Việt Nam. Đây là một hình thức lừa đảo của một số tổ chức đầu tư quốc tế. Sau khi đề xuất một dự án với số vốn cam kết đầu tư cực lớn để được cấp phép và cấp quyền sử dụng đất, các đối tượng này sẽ dùng quyền sử dụng đất để thế chấp vay tiền tại ngân hàng nước sở tại rồi đột ngột biến mất hoặc tìm cách nhượng lại dự án cho nhà đầu tư khác, gây tổn hại lớn cho các ngân hàng. Các cơ quan cấp phép đầu tư và ngân hàng thương mại cần lưu ý phối hợp để ngăn chặn kịp thời những tổn thất cho nền kinh tế.

3.     Thị trường chứng khoán phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Việc tăng biên độ giao dịch chứng khoán cho sàn Hà Nội lên +/-7% và Thành phố Hồ Chí Minh là +/- 5% của Ủy ban Chứng khoán cộng với những tín hiệu tích cực từ tình hình kinh tế vĩ mô đã tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc VN-Index vượt xa qua mốc 500 điểm trong tình hình nền kinh tế có những dấu hiệu lạc quan cho thấy việc quay trở lại mốc này trong thời gian tới là hãn hữu.

Theo đánh giá của  các chuyên gia, đối với bất kỳ thị trường gì, sau giai đoạn phồn thịnh bột phát là giai đoạn suy sụp và thị trường chứng khoán cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, với mức dự trữ ngoại tệ khá tốt cộng với nợ nước ngoài khá thấp, có thể nói vòng xoáy giảm giá tiền tệ có thể đã tạm ngưng. Cộng thêm vào đó là những tín hiệu tốt về lạm phát và thâm hụt thương mại trong vài tháng gần đây đã được cải thiện đáng kể, giá dầu mỏ giảm xuống đang có thể hỗ trợ đáng kể Việt Nam khống chế lạm phát, các mặt hàng thiết yếu về lương thực, thép, xi măng,... cũng đang trong đà giảm. Những yếu tố này dã giúp thị trường phục hồi và bứt phá mạng mẽ.

Bên cạnh đó, tâm lý của nhà đầu tư về một kênh đầu tư hiệu quả nhất. Những kênh đầu tư song song như vàng và BĐS đã chậm lại và suy giảm. BĐS hầu như đã đứng từ đầu năm và không có thanh khoản. Dòng tiền mong chờ những kênh đầu tư khác. Trong khi đó kênh chứng khoán lại có những tin tức vĩ mô tốt hỗ trợ, lại đúng lúc giá giảm quá sâu đã thu hút được sự chú ý của dòng tiền đầu tư.

Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì: Thứ nhất, Sau khi biên độ được nới rộng thì mức sinh lời thôi thúc nhà đầu tư càng được mở ra với mức lãi chênh lệch giá có thể lên tới 10% và 14% trong ngày. Đây là mức sinh lời khá cao cuốn hút nhiều nhà đầu tư quay lại với thị trường. Khả năng sinh lời lớn thường đi kèm với mức rủi ro cao. Đó là rủi ro khi mà kỳ vọng không được như mong muốn. Nhà đầu tư cũng có thể lỗ tới 10% hoặc 14% từ sự mạo hiểm của mình.

Thứ hai, lạm phát cũng đã lên khá cao nên nguy cơ bùng nổ lại lạm phát vẫn tiềm ẩn.

Thứ ba, vòng xoáy nguy cơ thắt chặt tín dụng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nền kinh tế thực. Điều này kéo dài càng lâu thì ảnh hưởng càng nặng nề. Chỉ mới có một số thể hiện cho thấy các doanh nghiệp đang khó khăn nhưng khó khăn đến mức nào thì chưa thể đo đếm được. Nếu không tháo ngòi nổ này thì vòng xoáy này sẽ tác động ngược lại với thị trường tài chính. Một số tín hiệu khả quan cho thấy các ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất huy động và có thể sẽ là lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Thị trường tăng mạnh thì cũng có thể giảm mạnh mẽ. Vì vậy, cơ hội luôn có thể xuất hiện nhưng nếu không có khả năng quản lý tiền thì có thể mất sạch số tiền và không bao giờ còn có cơ hội làm lại. Các cơ hội quá rủi ro nhưng lợi nhuận lớn cần được đánh giá kỹ, làm thế nào để đánh giá được mức rủi ro để an toàn với phân bổ vốn như thế nào là bài học nằm lòng đối với bất kỳ nhà đầu tư nào.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, quy chế cho phép mở nhiều tài khoản hoặc mua bán một loại cổ phiếu trong cùng một phiên sẽ khiến cho thị trường có biến động mạnh khi chính thức áp dụng. Đối với nhà đầu tư, họ có thể giao dịch dễ hơn, có cơ hội “lướt sóng” nhiều hơn, từ đó kích thích sự sôi động trên thị trường. Đối với các công ty chứng khoán, nguồn thu từ phí cũng như dịch vụ giới thiệu nhiều khả năng sẽ tăng trưởng mạnh giúp họ thoát khỏi tình trạng eo hẹp vệ chi phí như những tháng vừa qua. Tuy nhiên, một số vấn đề cũng từ đó mà phát sinh. Chẳng hạn như về giới hạn số lượng đại diện giao dịch tại Sàn và Sở giao dịch có thể dẫn tới tình trạng nghẽn lệnh tại một thời điểm nhất định, từ đó gây tổn hại tới người đầu tư. Mắt khác, khi người đầu tư chỉ đầu tư chỉ để hưởng chênh lệch giá, mặc dù họ có tầm nhìn đúng đắn xong khi đó các yếu tố về chất lượng cổ phiếu sẽ nhường chỗ cho các yếu tố về khối lượng cũng như biến độ động giá giao dịch.

Có thể nói, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những dấu hiệu hồi phục, khi các chỉ số kinh tế vĩ mô diễn biến theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro trên thị trường. Việc đầu tư bày đàn thiếu hiểu biết đã khiến rất nhiều nhà đầu tư phải trả giá trong cơn sốt chứng khoán cuối 2007. Chính vì vậy, trang bị kiến thức về chứng khoán - một lĩnh vực còn nhiều tiềm năng phát triển là vũ khí không thừa. Từ đó, nhà đầu tư cần theo dõi kỹ những biến động của thị trường dầu mỏ và tình hình kinh tế thế giới cũng như tình hình kinh tế Việt Nam để đưa ra những quyết định hợp lý. Do đó, NĐT khi lựa chọn DN phải hết sức cẩn trọng. Những tiêu chí đầu tư nên rất cơ bản: DN có hoạt động hiệu quả không, nhất là trong những giai đoạn khó khăn nhất. Sản phẩm dịch vụ của họ trên thị trường như thế nào và nhất là ban quản trị DN đó có đủ trình độ để lèo lái DN, đưa DN bứt lên hay không.

4. Khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có 250.000 doanh nghiệp trong đó có sự góp mặt của khoảng 200.000 doanh nghiệp tư nhân mà 90% trong số đó là DNNVV. Ông Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch hiệp hội DNNVV cho rằng, hiện nay mới có khoảng 20% các doanh nghiệp có khả năng thích ứng với tình hình hiện tại để vượt lên. Khoảng 60% đang cố gắng cầm cự , chờ tình hình tốt hơn, 20% các doanh nghiệp còn lại nằm im, dừng toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó là những cái chết tự lịm đi, không tuyên bố và biến mất. Tính đến thời điểm hiện tại, ước tính có khoảng 36.000 doanh nghiệp đãgiải thể”. Con số này mỗi ngày lại được bổ sung mà chưa thể thống kế được.

Trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với 4 chấn động lớn: đầu vào, tín dụng, thị trường và những vấn để liên quan đến người lao động:

-         Vấn đề đầu vào: Lạm phát trong nước, rồi giá dầu thế giới tăng, kéo theo giá xăng dầu trong nước tăng theo khiến hầu hết nguyên vật liệu các ngành sản xuất đều tăng. Thông thường, tăng giá đầu vào đồng nghĩa với việc giá đầu ra cũng phải tăng theo. Song, nghịch lý là trong khi giá đầu vào cứ tiếp tục leo thang thì khách hàng lại khó chấp nhận giá đầu ra quá cao. Và như vậy, doanh nghiệp chỉ còn cách bù lỗ cho khoản chênh lệch đó.

Khi lạm phát tăng, hệ quả tất yếu là tiêu dùng sẽ bị hạn chế, thu hẹp, cầu giảm, nên khả năng sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống cũng giảm dưới tác động của sức mua. Hiện nay, DN có thể xếp chung vào hai nhóm. Nhóm thứ nhất là các DN có khả năng chuyển hướng nhanh, quen thích nghi với thị trường. Những DN này thực chất là tiềm lực vốn tốt, không phụ thuộc vào nguồn vốn vay, phần vốn tự túc chiếm vai trò chủ đạo, do đó, thiệt hại do lạm phát và thắt chặt chính sách tiền tệ có mức độ hơn trong so sánh với các DN phải dựa vào vốn vay ngân hàng để kinh doanh là chính. Nhóm DN có lực tốt thì khả năng điều chỉnh tốt, nhanh hơn, và rủi ro chịu đựng có mức độ hơn. Nhóm thứ hai là các DN phải đi vay vốn, thì số phận đang rất gian nan.

-         Về tín dụng: Hầu hết các doanh nghiệp đều không thể tự mình đủ tiền để kinh doanh, với thắt chặt tín dụng, nguồn tín dụng vừa hiếm, vừa khó tiếp cận lại chi phí cao, gây khó cho DN. Thậm chí có DN tính có thể chịu được mức phí tín dụng đó thì vẫn khó tiếp cận vay vốn. Phần ưu ái cho tiếp cận tín dụng vẫn là DNNN và các DN lớn. Bản thân các Ngân hàng nhỏ, ngân hàng tư nhân thường cho DN dân doanh vay vốn cũng gặp nhiều khó khăn hơn các ngân hàng thương  mại nhà nước, do đó càng làm khó khăn thêm cho các DN dân doanh. Kí được hợp đồng, có khả năng xuất khẩu hàng, nhưng DN đành ngậm ngùi chịu cảnh không vốn để sản xuất, cung cấp hàng.

Hiện tại, lãi suất huy động vốn 17 – 18% và trần lãi suất cho vay đang được khống chế là 21%, các ngân hàng khó mà có lãi  bởi các chi phí cho vay có tiết kiệm lắm cũng đã mất 3,2%. Do đó, việc các ngân hàng lách bằng các loại phí, đã đầy lãi thực mà doanh nghiệp phải chi lên đến 21%, thậm chí tới 25 – 27% như thời gian qua. Việc chi phí vay vốn quá cao, vượt quá khả năng chi trả của các doanh nghiệp đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Theo các chuyên gia kinh tế, các giải pháp tiền tệ thường có độ trượt từ 3 – 6 tháng. Chính vì vậy quý IV năm nay sẽ là thời điểm thực sự khó khăn với các doanh nghiệp, do tác động của độ trượt chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ, do nguồn vốn của nhiêu doanh nghiệp cạn kiệt và do chu kỳ của lạm phát hàng năm. Trong khi đó, khoảng 100.000 DNNVV (chiếm khoảng 60% DNNVV) hoạt động của yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Khi nguồn vốn bị thắt chặt đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp rơi vào tình trạng hụt hơi… Vì vậy, sự khó khăn của các doanh nghiệp kéo dài trong bao lâu, doanh nghiệp nào có thể hồi phục được? Đó là những câu hỏi mà chưa thể trả lời được vào lúc này. Việc khó khăn về vốn, đã đẩy nhiều doanh nghiệp đến bờ vực của sự phá sản. Sự đào thải các doanh nghiệp yếu kém đó là quy luật tất yếu . Tuy nhiên, trong sự đào thải khốc liệt lần này không thể nói là không có những doanh nghiệp chết oan. Đó có thể là các doanh nghiệp đã tiếp cận được thị trường tốt, nhưng thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Vì thế, bị đình trệ và dẫn tới phá sản.

-         Về thị trường: Sức mua thị trường kém đi, các DN buộc phải tính toán rất kỹ việc bán ra sản phẩm gì, cho đối tượng khách hàng nào, để phù hợp nhất với túi tiền người tiêu dùng.hiều DN thu hẹp lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tập trung lĩnh vực sinh lời nhất, và thu hẹp những lĩnh vực khác.

- Vấn đề từ phía người lao động: Lạm phát tăng cao, hình thành một mặt bằng giá mới quá cao, trong khi thu nhập của người lao động vẫn "giậm chân tại chỗ" hoặc tăng một cách ì ạch khiến gánh nặng trên vai người lao động tăng thêm. Đó chính là một áp lực cho doanh nghiệp bởi nếu đời sống không đảm bảo, hoặc công nhân sẽ đình công, hoặc bỏ việc. Đó là hệ quả tất yếu và trên thực tế đã diễn ra với mật độ ngày càng cao do đời sống của công nhân quá khó khăn.

Kinh tế khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao và xác xuất rủi ro không ít do giá nguyên vật liệu luôn biến động buộc các doanh nghiệp phải tính toán chi li từng khoản một. Song, điều mà các doanh nghiệp lo lắng nhất là công nhân bỏ việc vì nếu điều đó xảy ra, chủ DN không thể tự mình xoay xở với các đơn hàng đã ký từ lâu. Giá sinh hoạt tăng cao buộc doanh nghiệp phải gánh thêm áp lực đòi tăng lương từ công nhân. Đó là một áp lực rất lớn đòi hỏi công ty phải tính toán để có những hỗ trợ kịp thời cho người lao động để họ yên tâm sản xuất. Có như vậy, năng suất, hiệu quả lao động mới đảm bảo.

Biết là vậy, song, giải quyết lại là điều không dễ. Chia sẻ với yêu cầu chính đáng của người lao động, "Với những doanh nghiệp nhỏ, việc tăng chi phí sẽ kéo theo rất nhiều khó khăn. Nhưng nếu không tăng lương, để công nhân đình công thì thiệt hại lại càng nặng nề hơn". Bên cạnh đó, sự chuyển dịch lao động với mong muốn tìm việc tốt hơn để cải thiện đời sống và nguy cơ đình công đã khiến các và nhiều doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng dệt may, da giày là những ngành cần khối lượng công nhân lớn vô cùng mệt mỏi. 

Trước những khó khăn hiện tại mà các doanh nghiệp đang phải gánh chịu, Nhà nước cần phải có một cơ chế rõ ràng, một chính sách hỗ trợ thỏa đáng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Nhà nước phải hiểu khu vực nào đang gây hoạ và khu vực nào cần được ưu ái hơn, thay vì bị chèn ép trong đối xử, từ đó tìm cách chặn nguồn lực của khu vực gây hoạ, hỗ trợ cho khu vực có tiềm lực nhưng đang gặp khó khăn để họ vượt qua khúc quanh này. Đơn cử, khu vực nào năng động, nhiều người làm, và làm ra phải tạo điều kiện để tiếp cận vốn. Hình thức hỗ trợ có thể là bù 3-4% lãi suất, để ghi nợ 5-7 năm sau sẽ hoàn trả. Chỉ là một món tiền nhỏ nhưng có thể là đòn bẩy để giúp DN vượt ngưỡng. Hơn nữa, bản thân việc nhà nước nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trên một sân chơi bình đẳng cũng là cách trực tiếp giúp cho DN dân doanh gỡ được một gánh nặng đè lên, chèn lấn sự phát triển của khối này.

Rất nhiều DN đang dành sức tương lai, và mục tiêu trước mắt chỉ là duy trì để vượt qua giai đoạn này. Họ tin chỉ 1-2 năm nữa, nền kinh tế sẽ tốt hơn, việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn. Điều quan trọng nhất lúc này là họ cần một cái cọc để neo giữ giữa dòng nước xiết.

Theo các chuyên gia kinh tế, Nhà nước cần thực hiện tốt những biện pháp sau: Một là, cần bình đẳng thực sự cho DN và người lao động để họ được hưởng một cách công bằng và minh bạch đầy đủ các chính sách đã được Nhà nước đưa ra, cũng như những vấn đề trong quản lý điều hành. Thực tế hiện nay, các DN lớn vẫn có quá nhiều lợi thế được trao trong cạnh tranh với DN vừa và nhỏ. Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng thực sự là điều phải làm và làm một cách tích cực.

Hai là, cần phải phân loại DN và các chính sách cũng từ đó có phân loại rõ để dành những hỗ trợ về thuế, tín dụng, công nghệ, hay đào tạo nghề... Cần thực sự phân loại để chiếu cố cho người không có cơ hội . Đây là vấn đề nhà nước cần can thiệp bằng các chính sách, giải pháp cụ thể.

Ba là, nhà nước cung cấp thông tin nhanh, đủ và chính xác cho DN về thị trường và chính sách, để DN chủ động tìm hướng đi cho mình. Bởi hiện nay, DN vừa và nhỏ thường thiếu thông tin. Đơn cử, nhà nước cần công bố trước, minh bạch về biểu thuế, lãi suất... để DN và người dân nắm được. Hơn nữa, cần có giám sát để phát hiện hành vi cục bộ, thông đồng, ăn cánh với nhau của DN và cơ quan nhà nước, từ đó có chế tài xử phạt nghiêm minh.

5. Lạm phát và thất nghiệp

Trong tình thế kinh tế hiện nay, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng là không tránh khỏi, khi có tới 70% DN đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có những DN đã “lịm đi”, chìm vào cái chết trong im lặng.

Điều khiến các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế quan ngại nhất chưa và không phải là số phận DN, mà là số phận người lao động sẽ đi về đâu trong và sau lạm phát. Nếu các DN dân doanh, khu vực tạo công ăn việc làm chính cho xã hội, không trụ nổi, mức thất nghiệp sẽ như thế nào? Nhà nước có thể làm gì để hỗ trợ người lao động?

Ở Việt Nam hiện nay, thu hẹp sản xuất, sa thải lao động... đã là một thực tế. Việc sa thải là lựa chọn cuối cùng, khi ở tình trạng bất khả kháng. Đó là hệ quả tất yếu của việc DN không thể tiếp tục hoạt động hoặc buộc phải hoạt động cầm chừng nếu muốn tiếp tục tồn tại. Khi khó khăn, DN buộc sa thải lao động, đến khi phục hồi được, muốn tuyển dụng, họ lại phải bắt đầu lại quy trình tuyển chọn, đào tạo, sắp xếp và tổ chức lại nhân sự.

Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hoặc DN sẽ phải tính toán để khai thác tối đa năng suất lao động dựa trên lực lượng sẵn có, hoặc sẽ phải cắt giảm lao động. Theo ông Phạm Xuân Hồng - PCT Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), từ đầu năm đến nay, lượng lao động tại các DN trong Hiệp hội đã giảm khoảng 15-30% so với thời điểm cuối năm 2007. Một số doanh nghiệp hoạt động trong các ngành sử dụng nhiều lao động khác cũng bày ý định cắt giảm bớt lao động, đặc biệt là tinh giản lao động chân tay. Cầu lao động đang bị siết. Không ít công nhân bị mất việc từ tình cảnh này, cuộc sống lại càng chật vật hơn khi bắt đầu làm lại từ đầu. Đây là một vấn đề xã hội to lớn, cần được nghiêm túc xem xét, giải quyết.

Hỗ trợ cho DN dân doanh là một trong những hướng ưu tiên mà các chuyên gia kinh tế tư vấn cho Chính phủ để hỗ trợ cho người lao động vì “đỡ cho doanh nghiệp chính là đỡ cho người lao động”. Riêng với người lao động thất nghiệp do lạm phát, hiện nay, Bộ Lao động thương binh xã hội đang tiến hành một khảo sát, nghiên cứu về thực tiễn, để đề ra một chính sách thích hợp. Hy vọng, với kết quả nghiên cứu cụ thể, sẽ có những giải pháp xác đáng để giúp cho người lao động, những người tổn thương nhiều nhất trong lạm phát.

Song, đây lại có thể được coi là cơ hội chuẩn bị nhân lực cho tương lai. Kinh tế khó khăn, sản xuất kinh doanh thu hẹp là cơ hội để tái đào tạo nhân lực, chuẩn bị cho sự hồi phục trong tương lai không xa, và cả thời điểm xa hơn, sau 5-10 năm nữa, Việt Nam không thể tiếp tục đưa nền kinh tế hội nhập với lợi thế nhân công giá rẻ. Theo dự báo, đến năm 2012, Việt Nam chỉ cung cấp được 50% nhu cầu lao động có kỹ năng đáp ứng đòi hỏi của thị trường. Đó là con số đáng báo động.

Trong khi người lao động lo thất nghiệp, thì thực tế, chúng ta vẫn còn chỗ để có thể tận dụng nguồn lực này. Đáng tiếc là Việt Nam chưa tổ chức được cho người lao động học tập, rèn luyện các kỹ năng theo yêu cầu thị trường. Hiện nay, nhìn vào con số người thất nghiệp của Việt Nam, người trẻ chiếm tỷ lệ rất lớn, tới 75% ở dưới tuổi 34.

Trong giai đoạn khó khăn, nhà nước cần giúp DN đào tạo lại lao động, giữ và nâng cao tay nghề để có một công việc vững vàng hơn cho tương lai. Nhà nước cần trao cơ chế để đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, trao cơ hội cho DN đang khó khăn mở các khóa đào tạo lao động. Như vậy sẽ có lợi cho cả ba bên: nhà nước, DN và người lao động, trong đó nhà nước sẽ giải được bài toán thiếu nhân lực cho tương lai; DN sẽ “sống” được trong tình thế khó khăn và người lao động sẽ được trang bị năng lực cho tương lai.

Nguồn: VNEP, tháng 9/2008 

Các nguồn tin tham khảo:    

-         Nguy cơ tiềm ẩn từ đà tăng của Vn, Hoàng Lê Vũ – index – Diễn đàn doanh nghiệp, 29/08/20082.

-         10 Điểm chính kinh tế tháng 8, Anh Quân - Thời báo kinh tế Việt Nam, 27/07/20083.

-         Doanh nghiệp đang cần chiếc phao giữa dòng nước siết, Phương Loan - www.vietnamnet.vn, 22/08/2008

-         Hậu cái chết của DN tư nhân: giải quyết ra sao?, Phương Loan- www.vietnamnet.vn. 21/08/2008

-         FDI vào bất động sản: Tăng kỷ lục InvestmentGroup.net, 21/8/2008

-         Vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam, Phước Hà – Vietnamnet, 25/8/2008

-         Việt nam: Rủi ro từ đầu tư trực tiếp nước ngoài, TTXVN – Tài liệu tham khảo đặc biệt, 14/8/2008

-         Việt Nam và vấn đề giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài, TTXVN – Tài liệu tham khảo đặc biệt, 12/8/2008

-         Bị bỏ rơi, lao động mất việc về đâu?, Kim Toàn & Hà Dịu – VietnamNet, 17/08/2008

-         Lạm phát -  thất nghiệp và bài toán nhân lực tương lai, Phương Loan – Tuần Vietnamnet, 24/8/2008