VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

"Chống lạm phát vẫn là mục tiêu ưu tiên của Chính phủ"

06/08/2010 - 219 Lượt xem

Trả lời phỏng vấn báo chí tại cuộc họp báo về việc điều chỉnh giá xăng dầu sáng 21/7/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, chống lạm phát sẽ tiếp tục là mục tiêu được Chính phủ ưu tiên. Những giải pháp kiềm chế lạm phát sẽ tiếp tục được thực hiện quyết liệt trong những tháng còn lại của năm 2008 và cả năm 2009. Cùng với việc tăng giá xăng, Chính phủ cũng đã có hàng loạt giải pháp để thực hiện bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế.

- Với quyết định tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính có tính toán thế nào về tác động của nó lên chỉ số giá tiêu dùng năm nay?

- Chúng tôi tính toán tác động trực tiếp của việc tăng giá xăng dầu lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là khoảng 0,5%-0,7%. Ảnh hưởng trực tiếp của tăng giá xăng dầu là không lớn nhưng những tác động dây chuyền, tác động gián tiếp qua nhiều vòng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Chính vì thế, Chính phủ cũng đã có văn bản gửi các ngành sản xuất kinh doanh cần kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu vào, thực hiện tiết kiệm để ổn định giá cả.

- Các cơ quan chức năng đã lường trước việc sẽ có nhiều DN lợi dụng tăng giá xăng dầu để tăng giá các mặt hàng khác. Có cách gì để ngăn chặn điều này?

- Xăng dầu là mặt hàng có tác động nhiều đến sản xuất kinh doanh của DN. Sau đợt tăng giá xăng dầu này sẽ tác động đến giá cả của nhiều mặt hàng. Tuy nhiên, nếu mức tác động vẫn ở trong tầm DN kiểm soát được thì vẫn cố gắng chấp nhận giảm lãi để không điều chỉnh giá. Nếu bất khả kháng buộc phải tăng giá thì phải đăng ký để thực hiện kiểm soát. Hạn chế tình trạng điều chỉnh giá tràn lan, các cơ quan nhà nước sẽ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát cơ cấu giá cả các mặt hàng, chống đầu cơ tăng giá, thực hiện niêm yết giá công khai... không để tăng giá bất hợp lý. Chính phủ cũng cho biết, chưa điều chỉnh giá điện, nước đến hết tháng 12/2008, giá than cũng ổn định đến cuối năm.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:

Việc tăng giá xăng dầu có thể tác động đến tăng giá tiêu dùng  0,5% nhưng đó là tác động trực tiếp. Còn những tác động gián tiếp, qua nhiều vòng thì Chính phủ đã có những giải pháp để chống việc xảy ra tăng giá ồ ạt. Trong đó có việc phải ổn định tâm lý của người dân là rất quan trọng.

Đối với hầu hết các nền kinh tế, trong trường hợp này cũng đòi hỏi sự hợp lực của toàn bộ Nhà nước, DN và người dân cùng chia sẻ để vượt qua khó khăn. Mỗi người trước hết hãy vì lợi ích chung, còn nếu chỉ lo cho mình thì lợi ích chung sẽ bị phá vỡ và tất cả sẽ bị ảnh hưởng. Trong khó khăn, tất cả cùng cố gắng, chia sẻ thì sẽ vượt qua khó khăn và tình hình sẽ tốt lên.

- Tăng mạnh giá xăng dầu, vậy mục tiêu kiềm chế lạm phát thể hiện thế nào trong quyết định này?

- Nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, chúng ta không thể và không có khả năng giữ một hệ thống giá trong nước biệt lập với giá thị trường thế giới, nhất là trong điều kiện nhập khẩu 100% xăng dầu. Hiện nay, lạm phát đã dịu đi nhưng vẫn còn cao.

Trong quyết định tăng giá xăng dầu, vì mục tiêu kiềm chế lạm phát, chúng ta đã thực hiện từng bước và có sự chia sẻ trách nhiệm. Giá xăng dầu tăng nhưng cũng chỉ mới xấp xỉ giá thị trường. Dầu hỏa bù lỗ 1.000 đồng và ma-zút bù 1.500 đồng/lít. riêng dầu Diesel chỉ điều chỉnh tăng 14% và Nhà nước bù lỗ từ 70%-80% còn 20%-30% là người tiêu dùng chịu... Sự điều chỉnh có mức độ  và thực hiện chính sách chia sẻ trách nhiệm để thực hiện mục tiêu chống lạm phát.

- Có dự báo giá dầu thô sẽ lên đến 300 USD/thùng, Chính phủ đã có phương án gì để tiếp tục ứng phó với diễn biến giá xăng dầu tiếp tục tăng?

- Tất cả mọi thông tin đều được cập nhật và phân tích. Hiện đã có rất nhiều phương án được tính đến. Chỉ nói riêng trong đợt điều chỉnh này đã có gần 10 phương án được tính đến để lựa chon phương án có lợi nhất. Các phương án phải đảm bảo ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý. Từ nay đến cuối năm, xăng, dầu hỏa, ma-zút được điều chỉnh theo Nghị định 55 nhằm tiếp cận với giá thị trường. Diesel tiếp tục cơ chế chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước và người tiêu dùng. Khi giá xuống có thể sẽ điều chỉnh xuống.

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng:

Năm 2007, Chính phủ đã xây dựng Chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó, riêng xăng dầu sẽ xây dựng một hệ thống dự trữ cả dầu thô và thành phẩm chế biến. Hệ thống này đang được triển khai trên cả nước. Đến khi hoàn thành, sẽ cho phép ứng phó với biến động giá cả trong thời gian nhất định. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục yêu cầu DN tăng dự trữ lưu thông, tăng dự trữ Nhà nước trên hệ thống kho tàng của DN... nhằm đảm bảo nguồn cung, ổn định lưu thông trong hoàn cảnh tăng giá.

Nguồn: Vietnamnet