VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

32 mặt hàng Nhà nước quản lý giá

06/08/2010 - 233 Lượt xem

Theo dự thảo, sẽ có 14 loại hàng hóa, dịch vụ được đưa vào diện Nhà nước quản lý về giá; 18 mặt hàng khác sẽ được Nhà nước trực tiếp định giá. Đây là những hàng hóa dịch vụ quan trọng, liên quan đến chính điều hành của Chính phủ về kinh tế - xã hội, tác động đến nhiều người và liên quan đến hoạt động của cả nền kinh tế, có khả năng gây tác động dây chuyền tới nhiều hàng hóa khác.

Dự thảo bước đầu cho biết, trong 14 nhóm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý và thực hiện bình ổn có xăng dầu, xi măng, thép xây dựng, phân bón hóa học, gạo, thuốc phòng chữa bệnh...

Việc quản lý giá và bình ổn thị trường các hàng mặt hàng trên sẽ được Nhà nước thực hiện thông qua các công cụ và chính sách cụ thể như: cân đối cung cầu thông qua mua bán và dự trữ; thực hiện các biện pháp về tài chính như: đảm bảo vốn vay, cơ chế linh hoạt về nguồn vốn kinh doanh...; các biện pháp quản lý giá như: công khai giá cả và thông tin; thuế.

Theo Bộ Tài chính, ngoài các biện pháp trên, trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý có thể áp dụng các biện pháp hành chính khẩn cấp để ổn định tình hình. Tuy nhiên, tất cả mọi biện pháp chỉ được thực hiện khi các mặt hàng có biến động với khoảng thời gian là 30 ngày.

Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định 18 nhóm tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá như đất đai, mặt nước; rừng; nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho thuê hoặc bán cùng với nhà ở xã hội và nhà ở công vụ; điện; dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, nước sạch sinh hoạt...

Tham khảo ý kiến ban đầu, nhiều chuyên gia cho rằng, việc quản lý và định giá một số mặt hàng trong điều kiện Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, việc lựa chọn mặt hàng nào thì phải cân nhắc vì khi đã đưa vào danh sách thì tất nhiên Nhà nước phải có dự phòng để thực hiện bình ổn khi có biến động. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có sức mạnh về kinh tế mà thẳng ra là ngân sách phải đủ mạnh để can thiệp. Điều này sẽ là sức ép cho nguồn ngân sách hạn hẹp hiện nay của chúng ta.

Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, nên lựa chọn những mặt hàng cần thiết nhất để tập trung bình ổn, các mặt hàng khác chỉ cần tạo cơ chế, xây dựng hệ thống giá cả công khai và phân phối tốt thì thị trường sẽ tự điều tiết. Nếu chúng ta quá ôm đồm, khi ngân sách không đủ sức đáp ứng để thực hiện các biện pháp mang tính chất kinh tế mà sử dụng quá nhiều can thiệp hành chính là điều không phù hợp.
Nguồn: Vietnamnet