VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Chính phủ tiếp tục bù lỗ xăng dầu, không bù lỗ điện

06/08/2010 - 228 Lượt xem

"Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng là chỉ được tham gia vào một ngân hàng nên dù đã được phê duyệt cho phép tham gia thành lập Ngân hàng Hồng Việt với 20% vốn nhưng Tập đoàn Dầu khí hiện vẫn đang phải cân nhắc, hoặc thoái vốn ở ngân hàng hiện nay là dầu khí Toàn cầu hoặc bỏ qua việc thành lập mới Hồng Việt", Phó ban chỉ đạo đổi mới DN Phạm Viết Muôn cho biết, tại cuộc họp báo sáng 10/7.

Cuộc họp nhằm thông tin về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Nửa năm qua, DN làm ăn ra sao? Đã tham gia kiềm chế lạm phát và đầu tư đa ngành thế nào là những vấn đề "nóng" được đặt ra.

Tập đoàn Dầu khí: Chọn một trong hai ngân hàng

Do tác động của các biện pháp kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đề ra, từ đầu năm đến nay, không ít tập đoàn, TCT đã phải bỏ qua nhiều dự án lớn.

Ngoài việc Tập đoàn Dầu khí đang lưỡng lự cân nhắc chọn một trong hai ngân hàng, Tập đoàn Dệt may, TCT Giấy, TCT Thép... xin thành lập ngân hàng cổ phần giữ vốn 12%. "Nhưng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đã phải ngừng lại", ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam "than".

Về sự bùng nổ xu hướng đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính, "chân ngoài dài hơn chân trong", ông Phạm Viết Muôn cho biết, năm ngoái, các tập đoàn, TCT đầu tư vào các công ty con trên 57.078 tỷ đồng và các công ty liên kết là trên 34.482 tỷ đồng; đầu tư dài hạn khác trên 33.545 tỷ đồng.

Số tiền "ném" sang chứng khoán, ngân hàng, bất động sản là 7.370 tỷ đồng. “Tổng vốn đầu tư vào ba lĩnh vực trên là con số không nhỏ, nhưng không lớn so với vốn chủ sở hữu và tài sản của doanh nghiệp. Cụ thể, so với vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 2,16% và so với tài sản của doanh nghiệp chỉ chiếm 0,92%”, ông Muôn nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định, Thủ tướng đã chỉ đạo các DNNN không được sử dụng vốn đầu tư của chủ sở hữu, quỹ đầu tư phát triển và nguồn vốn xây dựng cơ bản để tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần của các quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán.

Mặt khác, trước khi "lấn" sang các lĩnh vực trên, DN phải báo cáo Thủ tướng. Theo ông Hà, không thể đưa ra một mệnh lệnh cứng nhắc là các tập đoàn, các TCT phải đầu tư 100% vốn vào lĩnh vực chính. Vì DN nào cũng cần phát huy lợi thế của ngành chính để phát triển công nghiệp phụ trợ; đầu tư ra ngoài để thêm lợi nhuận rồi quay lại đầu tư cho lĩnh vực chính. Đó cũng là cách mà DN "lấy ngắn nuôi dài".

 "Có thể yên tâm tình hình làm ăn của các tập đoàn"?

"Năm 2005, tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ VN (Vinashin) được Chính phủ cho phát hành 750 triệu USD trái phiếu quốc tế. Đến nay, theo đánh giá của Chính phủ, toàn bộ số vốn này được sử dụng đúng mục đích; được kiểm soát chặt chẽ.

Cũng chính nhờ việc phát hành này mà vị trí của Vinashin được nâng lên, giúp VN góp mặt vào bản đồ công nghiệp tàu thủy thế giới". (Ông Phạm Viết Muôn).

Ông Phạm Viết Muôn cũng thông báo, năm qua, 97% DNNN làm ăn có lãi. "Năm nay,  tỷ lệ thua lỗ sẽ cao hơn", ông Muôn dự đoán.

Tuy nhiên, thống kê của Ban chỉ đạo Đổi mới DN lại cho thấy,  qua khảo sát 7 tập đoàn, 67 TCT, doanh thu nửa năm đã đạt 59,3% (tương đương 510.811 tỷ đồng) kế hoạch năm.

Tập đoàn Dầu khí xếp đầu bảng với việc đạt 76% kế hoạch, theo đó là TCT lương thực miền Bắc. Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN và TCT Dược... đứng gần cuối bảng xếp hạng. "Có thể yên tâm về tình hình làm ăn của các “ông lớn”, ông Muôn nói.

Ngoài một số DN tiếp tục "ăn nên làm ra", trong 6 tháng qua, không ít DNNN trong những lĩnh vực chủ chốt lại làm ăn thua lỗ. Điển hình là TCT Xăng dầu lỗ 900 tỷ đồng; TCT Hàng không lỗ 83,5 tỷ đồng; TCT Xây dựng miền Trung lỗ 88,5 tỷ đồng...

Ông Muôn cũng chia sẻ, lạm phát đã tác động sâu sắc đến hoạt động DNNN, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào đều tăng, lại thiếu vốn sản xuất trong khi khu vực này vẫn phải "kiềm giữ giá" để giữ vững vai trò "anh cả đỏ" nên DN chắc chắn sẽ bị thua lỗ.

“Trong 6 tháng cuối năm, có những mặt hàng mà DNNN muốn tăng giá để đỡ lỗ. Nhưng Thủ tướng đã chỉ đạo rồi, không được tăng. Làm như vậy có vẻ phi thị trường, có thể làm méo mó thị trường nhưng chúng ta không còn cách nào khác. Phải chấp nhận hy sinh để hạ thấp nhất sự tổn thương đến đời sống nhân nhân và chi phí đầu vào của nền kinh tế”, ông Muôn nhấn mạnh.

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) lỗ 2.100 tỷ đồng khi mua điện của dầu khí, nhưng “bù lại những ngành khác như giấy, xi măng... sẽ có lợi, và tổng hoà của nền kinh tế là có lợi”, ông Muôn giải thích.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định, Chính phủ sẽ vẫn chỉ tiếp tục bù lỗ cho xăng dầu, không bù lỗ cho điện. "Chính phủ rất hiểu và chia sẻ với các DNNN khi phải gồng mình lên để vừa bảo đảm đủ hàng hoá cho tiêu dùng, vừa bảo đảm kiềm chế giá để chống lạm phát", ông Hà nói.

Đánh giá hoạt động đầu tư tràn lan

Qua rà soát, dự kiến năm 2008, các Tập đoàn, TCT sẽ cắt giảm, đình hoãn 609 dự án, với tổng số vốn 34.190 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy là 6.500 tỷ đồng (49 dự án). Tập đoàn Dầu khí 6.000 tỷ đồng (113 dự án). Tập đoàn Than - Khoáng sản 1.300 tỷ đồng. Tập đoàn Điện lực là 1.802 tỷ đồng. TCT Hàng hải 6.179 tỷ đồng.

Đánh giá lại hoạt động "lấn" sang ngân hàng, chứng khoán, bất động sản của các tập đoàn, TCT là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của DNNN 6 tháng cuối năm.

Ông Phạm Viết Muôn cho biết, thời gian tới, kiên quyết sắp xếp lại để tập trung vào ngành sản xuất, kinh doanh chính và phụ trợ, tránh trùng lặp ngành, nghề.

Dự kiến trong quý 4, Chính phủ cũng sẽ sơ kết, đánh giá về tập đoàn kinh tế để sớm ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của mô hình này.

Ngoài ra, DNNN thời gian tới phải tích cực tham gia vào việc bình ổn thị trường, đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu, tiếp tục rà soát cắt giảm các dự án đầu tư kém hiệu quả. Về lâu dài (dự kiến đến 2010), Chính phủ sẽ ban hành Luật Sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào kinh doanh.

Nguồn: VietnamNet