VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Bộ Tài chính yêu cầu kiềm chế tăng giá đầu ra

06/08/2010 - 191 Lượt xem

Ngày 30/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh thành, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty, công ty sản xuất kinh doanh cùng phối hợp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm 2008.

Về phía doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cùng chia sẻ khó khăn của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay, đồng thời phát huy vai trò bình ổn giá của doanh nghiệp.

Cụ thể, trước mắt giữ ổn định giá bán điện, nước sạch, cước vận chuyển xe buýt công cộng. Đối với các mặt hàng khác thuộc danh mục Chính phủ đang chủ trương kiềm chế giá (gồm: than, xi măng, thép, giấy, phân bón, thuốc chữa bệnh, vận chuyển hành khách bằng máy bay, đường sắt, học phí, viện phí) cần tiếp tục rà soát lại và áp dụng mọi biện pháp tiết giảm chi phí sản xuất, chi phí quản lý, chi phí tiêu thụ, nâng cao năng suất lao động, phấn đấu giảm giá thành sản xuất, kiềm chế tăng giá đầu ra.

Các doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện đăng ký giá, kê khai giá theo quy định tại Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 9/6/2008 của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan.

Công điện trên cũng đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh thành công bố và áp dụng các biện pháp bình ổn giá tại địa phương theo thẩm quyền; tổ chức rà soát, kiểm tra đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, không để xảy ra mất cân đối cung - cầu gây đột biến giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống.

Giám đốc Sở Tài chính tại các địa phương phối hợp với các ban ngành chức năng tổ chức các đoàn kiểm tra, kiểm soát không để các chủ thể sản xuất, kinh doanh lợi dụng chủ trương điều hành giá của nhà nước, lợi dụng sự biến động của thị trường, tình hình thiên tai, dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý, trái pháp luật, làm phương hại lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước...

Các đầu mối trên cũng cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ các phương án giá và mức giá của những hàng hóa, dịch vụ do nhà nước đặt hàng phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia; hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá căn cứ vào Quy chế tính giá do Bộ Tài chính ban hành, phù hợp với mặt bằng giá thị trường nhưng không vượt quá tổng mức dự toán kinh phí năm 2008 Ngân sách nhà nước đã cân đối cho nhiệm vụ này.

Việc kiểm tra giá tại các địa phương sẽ tập trung vào việc chấp hành quy định của nhà nước về quản lý giá, bán hàng hóa, dịch vụ theo đúng giá của cơ quan có thẩm quyền quy định; việc niêm yết giá và bán hàng hóa, dịch vụ theo giá niêm yết (nhất là hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, giá dịch vụ đi lại, trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô,…); việc thu các loại phí dịch vụ không để các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tăng giá, phí dịch vụ tùy tiện, trái pháp luật làm thiệt hại đến lợi ích người tiêu dùng.

Các cơ quan chức năng tại các địa phương cùng phối hợp tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại; kiểm tra chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn đã công bố; thực hiện việc đăng ký giá, kê khai giá và công khai thông tin về giá theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước tại các địa phương thực hiện đúng việc tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên trong những tháng còn lại của năm 2008; cũng như tiếp tục rà soát thực hiện cắt giảm đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ…

Ngoài ra, theo công điện trên, trong các báo cáo thường kỳ (15 ngày, tháng) hoặc đột xuất của Sở Tài chính tỉnh, thành phố gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) 6 tháng cuối năm 2008 cần bổ sung nội dung về tình hình thực hiện và kiến nghị các giải pháp trong công tác bình ổn giá, kiềm chế lạm phát theo những nội dung nêu trên tại địa phương để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ
Nguồn: TBKT Việt Nam