VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Chủ tịch ADB: "Tăng trưởng trung, dài hạn của VN sáng sủa"

06/08/2010 - 212 Lượt xem

Chủ tịch ADB Haruhiko Kurodo là người đồng chủ trì Diễn đàn Thị trường mới nổi năm 2008 đang diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 70 đại biểu quốc tế. 

Hầu hết các nền kinh tế mới nổi chịu mức lạm phát cao gấp đôi

- Thưa ông, các nền kinh tế mới nổi chia sẻ những vấn đề nào tại cuộc gặp quan trọng này?

Đây không phải hội nghị chỉ liên quan đến các vấn đề kinh tế của Việt Nam mà tất cả các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, châu Mỹ La tinh. Chúng tôi thảo luận về những vấn đề, thách thức mà các nền kinh tế mới nổi đang phải đối mặt.

Những vấn đề xảy đến ở nền kinh tế Mỹ thời gian qua đã tạo ra những tác động lớn đối với kinh tế thế giới và thật không may đã tác động trực tiếp đến các nền kinh tế mới nổi ở những khu vực nói trên, trong đó có Việt Nam.

-

"Với những nền kinh tế đang phát triển nhanh như Việt Nam, nhân tố bên ngoài có tác động rất lớn, thậm chí mang tính chủ đạo.

Việt Nam và các nước cần nhận thức tốt và giám sát chặt những biến động bên ngoài, áp dụng chính sách tiền tệ chặt cho tình trạng này".

Ông Haruhiko Kurodo nói trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 2/2008

Có thể hình dung sự tác động đó đối với các nền kinh tế mới nổi như thế nào, thưa ông ?

Tất cả các nền kinh tế mới nổi này sẽ phải trải qua những rủi ro nhất định từ sự sụt giảm của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng còn tùy thuộc vào từng quốc gia.

Các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á và châu Mỹ La tinh sẽ phải đối mặt sự sụt giảm kinh tế nhất định và có thể mức tăng trưởng sẽ sụt giảm từ 1% đến 2% tùy thuộc vào từng hoàn cảnh.

Mặt khác, các nền kinh tế này cũng phải chịu mức lạm phát cao. Hầu hết các nền kinh tế mới nổi hiện nay đều chịu mức lạm phát cao gấp đôi GDP do giá cả lương thực, năng lượng thế giới tăng cao.

- Cuộc gặp quy mô toàn cầu này hiến kế sách gì giúp các nền kinh tế mới nổi vượt qua khó khăn?

Tại cuộc gặp này, các đại biểu đã thảo luận những giải pháp thích hợp giúp các nền kinh tế mới nổi vượt qua những thách thức đang phải đối mặt như lạm phát cao.

Họ được lắng nghe những giải pháp, những tham vấn về việc thắt chặt tiền tệ, chính sách tài khóa ra sao. Đó không phải sự lựa chọn chính sách dễ dàng khi mà nền kinh tế đang phải đối mặt với những thử thách lớn.

Khi kinh tế sụt giảm, bắt buộc các quốc gia phải có sự điều chỉnh chính sách vĩ mô, giảm lạm phát để đảm bảo sự tăng trưởng ổn định. Đó là thách thức của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, châu Mỹ La tinh, trong đó có Việt Nam.

"Tăng trưởng 7% là cao"

"Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2008 hạn chế tốc độ tăng tín dụng toàn hệ thống là 30% so với mức tăng 53% của năm 2007, thực hiện các biện pháp chống đô la hóa để nâng cao hiệu lực của chính sách tiền tệ.

NHNN sẽ cải thiện việc công bố thông tin cho công chúng về tiền tệ và hoạt động của ngân hàng, điều hành tỷ giá linh hoạt theo hướng biến động phù hợp với cung cầu ngoại tệ, mở rộng biên độ mua bán ngoại tệ lên 2% và kết hợp với can thiệp để bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối". 

Phát biểu của đại diện NHNN tại Diễn đàn

- Chính phủ Việt Nam cũng đang thực hiện ráo riết các giải pháp kiềm chế lạm phát. Ông có tham vấn gì?

Hiện lạm phát đang ở mức cao. Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm thực hiện kiềm chế lạm phát cũng như nhận thức được sự tác động của lạm phát cao đối với người dân nghèo. Tôi đánh giá rất cao điều này.

Nhưng như tôi đã nói, lạm phát cao đang là thách thức đối với tất cả các nền kinh tế mới nổi hiện nay ở châu Á, không chỉ riêng ở Việt Nam.

Năm nay, nền kinh tế Việt Nam có thể sụt giảm, không bằng mức tăng trưởng như năm ngoái hơn 8%. Năm 2008, tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt 7% như mục tiêu Chính phủ đề ra. Nếu đạt mức chỉ tiêu này, tôi cho rằng đó vẫn là mức tăng trưởng cao.

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, việc Chính phủ Việt Nam xác định kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu hoàn toàn hợp lý.

- Chủ trì phiên họp thảo luận về triển vọng dài hạn về nền kinh tế Việt Nam, ông có nhận định gì?

Tôi khá lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Tôi nghĩ Việt Nam có thể đạt tăng trưởng trung bình 8% ở giai đoạn trung và dài hạn. Tất nhiên, để làm được điều đó, Việt Nam phải tiếp tục có những cải thiện, đặc biệt cải thiện cơ sở hạ tầng. Tôi khá chắc chắn rằng triển vọng kinh tế Việt Nam trung và dài hạn là sáng sủa.
Nguồn: Vietnamnet