VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

WTO không phải thần dược, cũng không trở ngại lớn

06/08/2010 - 235 Lượt xem

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, người đã đóng vai trò quan trọng dẫn dắt đoàn đàm phán Việt Nam đi đến đích cuối cùng tại WTO, cho rằng không phải vào WTO là kinh tế tức thì phát triển nhanh, mạnh nhưng rõ ràng là cơ hội rất nhiều. Hiệu quả rõ nhất sau một năm Việt Nam gia nhập WTO là mức đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục 20,3 tỷ USD, cùng với 5,4 tỷ USD vốn ODA. Vốn đầu tư trong nước cũng tăng hơn 20%. Xuất khẩu cũng là điểm sáng của nền kinh tế năm 2007 với tổng kim ngạch 48,4 tỷ USD.

Nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá việc gia nhập WTO giúp Việt Nam ngày càng nổi bật trên bản đồ thu hút đầu tư thế giới, nhưng cũng chỉ ra rằng đây chỉ là một trong những dấu mốc trên cả chặng đường cải cách kinh tế đã tiến hành ở Việt Nam từ 20 năm trước.

Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi, nói vói phóng viên TTXVN: “Không phải vì gia nhập WTO mà mọi thứ ở Việt Nam thay đổi trong nháy mắt. Tôi muốn nhấn mạnh đến việc làm sao để Việt Nam tận dụng tối đa các cơ hội từ việc mở cửa nền kinh tế và đảm bảo tăng trưởng ngày càng bền vững hơn”.

Chia sẻ quan điểm này, các chuyên gia kinh tế trong nước cũng lo ngại về khả năng hấp thụ nguồn vốn của nền kinh tế, về mức nhập siêu gia tăng, giá cả đang leo thang - những yếu tố có thể làm giảm đi ý nghĩa của tăng trưởng. Giải pháp được đưa ra là cần hướng nguồn vốn đầu tư vào những lĩnh vực có khả năng nâng cao năng lực của nền kinh tế, chẳng hạn những ngành sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu như nguyên phụ liệu, thức ăn gia súc. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng cũng là một yêu cầu cấp thiết để đáp ứng các dự án đầu tư nhiều tỷ đô la Mỹ đang đổ dồn vào Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang thiếu chính sách phát triển nhiều mặt hàng có tiềm năng để thay thế hàng nhập khẩu và “doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi tư duy, sản xuất cho được các mặt hàng chất lượng tốt để chiếm lĩnh ngay thị trường nội địa, không để khoảng trống cho hàng nhập khẩu”.

Ông Tự đánh giá cao sự chủ động vào cuộc của doanh nghiệp, đặc biệt là việc liên kết để tăng năng lực cạnh tranh và chuyển biến trong chính sách thu hút và sử dụng lao động, nhưng cũng khuyến cáo doanh nghiệp phải năng động hơn nữa, không nên ỷ lại vào Nhà nước. “Đây là cuộc chơi, nên ta phải đấu tranh giành quyền lợi, không ai tự nguyện mang quyền lợi đến cho ta”.

Về phía nhà nước, ông Tự cho rằng, cần tạo thuận lợi nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước, dành cho họ những ưu đãi như đối với doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời có những hỗ trợ về hoạch định chiến lược phát triển.

Một lĩnh vực đang được coi là điểm khuyết của Việt Nam hiện nay là chưa có được những chính sách mới tận dụng các biện pháp bảo hộ hợp pháp theo quy định của WTO để tạo thuận lợi hơn cho nền kinh tế hội nhập. Các chuyên gia kinh tế đặc biệt lưu ý đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn và người nông dân – đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Với tư cách là thành viên WTO, Việt Nam cũng có nghĩa vụ đóng góp cho sự phát triển chung của tổ chức thương mại toàn cầu này, trước mắt là việc tham gia thúc đẩy vòng đàm phán Doha đang trong thế bế tắc, dự kiến sẽ khởi động lại trong tháng 1/2008.

Đại sứ Ngô Quang Xuân, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh các tổ chức quốc tế tại Giơnevơ cho biết, việc tham gia vòng đàm phán này vừa nhằm bảo vệ lợi ích của Việt Nam trong quá trình thực hiện các cam kết, vừa là nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong WTO. Bởi vậy, “nếu các bộ ngành trong nước không chuẩn bị đủ nhân lực để tham gia đàm phán, Việt Nam có thể bị thua thiệt”.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định tổ chức lại đoàn đàm phán Chính phủ cho phù hợp với những yêu cầu nhiệm vụ mới khi Việt Nam đã là thành viên WTO./.
Nguồn: TTXVN