VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Thấy gì từ xuất, nhập khẩu dịch vụ?

06/08/2010 - 254 Lượt xem

 Xuất, nhập khẩu dịch vụ là một lĩnh vực rất quan trọng theo nhiều ý nghĩa, bởi xu hướng chuyển dịch cơ cấu cả trong lĩnh vực sản xuất, cả trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu là xu hướng chung của thế giới, đặc biệt là các nước phát triển để chuyển dịch dần việc sản xuất sản phẩm vật chất sang các nước khác nhằm giảm ô nhiễm tại nước mình, tận dụng giá nhân công rẻ ở những nước đang phát triển,... đồng thời xuất khẩu dịch vụ - đặc biệt là dịch vụ khoa học công nghệ, dịch vụ tài chính có giá trị gia tăng cao - nhằm thu lợi nhuận cao.

Cần phải biết điều này, nếu không làm quần quật cả năm, ô nhiễm thì hứng đủ, giá nhân công thì rẻ mạt, nhưng tiền, lợi nhuận lại vào túi người khác, túi nước ngoài, kết quả sản xuất thì tăng trưởng cao nhưng chất lượng sống không tăng tương ứng, thậm chí có mặt còn bị sụt giảm.

Việt Nam sau hàng chục năm tỷ trọng trong GDP của nhóm ngành dịch vụ liên tục bị sụt giảm (năm 1995 đã đạt 44,06%, đến năm 2004 chỉ còn 37,98%), từ vài ba năm nay tuy đã tăng lên nhưng mới tăng rất nhẹ (năm 2005 đạt 38,01%, năm 2006 đạt 38,08%, năm 2007 ước đạt 38,14%). Để tăng tỷ trọng của nhóm ngành dịch vụ trong GDP thì một mặt phải chuyển dịch cơ cấu đầu tư, cơ cấu sản xuất nhưng mặt khác không kém phần quan trọng là phải bắt đầu từ đầu ra, trong đó có xuất khẩu dịch vụ.
Vậy có thể thấy gì từ xuất, nhập khẩu dịch vụ hiện nay?
Có thể rút ra một số nhận xét ban đầu như sau:

Biểu đồ xuất, nhập khẩu dịch vụ qua các năm

Thứ nhất, quy mô xuất khẩu dịch vụ nói chung còn rất nhỏ. Rất nhỏ khi xét trên các góc độ khác nhau. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ trong tổng kim ngạch xuất khẩu (gồm cả kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và kim ngạch xuất khẩu dịch vụ) vừa nhỏ và lại có xu hướng giảm đi (năm 2005 còn chiếm 11,6%, năm 2006 giảm xuống còn 11,4%, năm 2007 giảm xuống tiếp còn 11,1%). Tốc độ tăng của kim ngạch xuất khẩu dịch vụ luôn luôn thấp hơn tốc độ tăng của xuất khẩu hàng hóa (năm 2006 tăng 19,5% so với tăng 22,7%, năm 2007 tăng 18,2% so với tăng 21,5%).

Thứ hai, cơ cấu xuất khẩu dịch vụ còn một số bất hợp lý và chuyển dịch chậm. Dịch vụ du lịch (xuất khẩu tại chỗ) chiếm tỷ trọng cao nhất (chiếm 55,2% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ) nhưng tốc độ tăng còn thấp và “mật độ” khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn thấp so với của các nước trong khu vực, ở châu Á và trên thế giới (bình quân lượt khách tính trên 100 dân của Việt Nam mới đạt khoảng 5 người, trong khi của Campuchia là 8,1, của Lào là 15,4, của Thái Lan là 18,4, của Malaysia là 61,3, của Singapore là 199,4, của khu vực Đông Nam Á là 10,6, của Hồng Kông là 320,8, của toàn thế giới là 10,9, của châu Âu là 10,9, của châu Mỹ 14,8, của châu Đại Dương là 14,8...).

Ngoài du lịch, một số loại dịch vụ khác còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, như dịch vụ bảo hiểm chỉ chiếm 1,1%, dịch vụ bưu chính viễn thông chiếm tỷ trọng 1,7%, dịch vụ tài chính chỉ chiếm 5,5%... Ngay dịch vụ hàng hải của một nước có vùng biển rộng hàng triệu km2, có bờ biển dài trên 3.000 km, nhưng chỉ chiếm 13,4%.

Thứ ba, trong xuất, nhập khẩu dịch vụ, Việt Nam vẫn ở vị thế nhập siêu. Năm 2005 nhập siêu 215 triệu USD, năm 2006 nhập siêu 22 triệu USD, năm 2007 nhập siêu 367 triệu USD. Những yếu tố làm mất cân đối cán cân xuất, nhập khẩu dịch vụ gồm có cước phí I, F hàng hóa nhập khẩu do nước ngoài thu được ở mức rất lớn và tăng nhanh qua các năm (năm 2005 là 1.509 triệu USD, năm 2006 là 1.812 triệu USD, năm 2007 ước 2.482 triệu USD); dịch vụ bảo hiểm xuất khẩu chỉ có 65 triệu USD, nhưng nhập khẩu lên đến 210 triệu USD; dịch vụ khác xuất khẩu có 277 triệu USD, nhưng nhập khẩu lên tới 1.030 triệu USD. Điều đó chứng tỏ sự vươn lên và sức cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, nhiều loại và thị phần đã rơi vào tay những doanh nghiệp, tổ chức ngoài nước.  
Nguồn: Thanh Niên