VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức cao

06/08/2010 - 221 Lượt xem

GDP bình quân đầu người tiến sát 1.000 USD

Xuất khẩu thủy sản góp phần vào sự tăng trưởng cao của nền kinh tế  Ảnh: TTXVN

Theo Hội đồng giám đốc IMF, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đạt 8,2% năm 2006 và sẽ tăng lên 8,3% năm 2007, trong khi năm 2008 bằng với năm 2006.

IMF dự báo kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn chủ yếu nhờ vào việc đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng ngoài dầu mỏ; gia tăng nhu cầu nội địa; tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài ở mức kỷ lục mới và sự tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân sau sự kiện lịch sử gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Với đà tăng trưởng này cùng những thành quả trong xoá đói giảm nghèo, IMF cho rằng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam trong năm 2007 sẽ tăng lên 809 USD và 916 USD vào năm tới so với 723 USD năm 2006. GDP của Việt Nam từ 60,9 tỷ USD năm 2006 sẽ tăng lên 70,6 tỷ USD năm 2007 và lên 81,3 tỷ năm 2008.

Mặc dù nhập khẩu tăng lên 30% trong 7 tháng đầu năm 2007, nhưng theo IMF, nhờ giá dầu xuất khẩu tăng, sự bùng nổ của các mặt hàng xuất khẩu khác và sự luân chuyển tiền tệ linh hoạt đã giúp kiềm chế thâm hụt cán cân thương mại hiện nay, gia tăng nguồn dự trữ quốc gia lên 19 tỷ USD tính đến cuối tháng 5/2007.

IMF dự báo, mức thâm hụt ngân sách năm 2007 chiếm 3,8% GDP, thấp hơn năm 2006. Thâm hụt ngân sách có thể giảm nữa nhờ nguồn viện trợ phát triển, đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn tài chính tư nhân khác.

Chứng khoán tăng trưởng mạnh, ổn định

IMF cho rằng sự cải thiện môi trường đầu tư trong tiến trình gia nhập WTO đã tạo ra sự bùng nổ trên thị trường chứng khoán (TTCK) mặc dù đã có các đợt điều chỉnh trong năm 2007.

Theo IMF, việc gia tăng nhanh chóng số lượng các Cty niêm yết đi cùng với làn sóng đầu tư vào chứng khoán. Giá trị vốn hoá của TTCK từ 0,5 tỷ USD cuối năm 2005 đã tăng lên khoảng 18 tỷ USD (25% GDP) vào cuối tháng 7/2007. Dù tăng trưởng nhanh, nhưng IMF cho rằng TTCK Việt Nam đang đi lên ổn định.

Quan tâm tới những rủi ro nếu TTCK tăng trưởng quá nóng, Hội đồng giám đốc IMF bày tỏ sự ủng hộ những biện pháp của Chính phủ Việt Nam trong việc thắt chặt kiểm soát đối với các khoản vay từ ngân hàng liên quan tới chứng khoán. IMF đề xuất tăng cường các biện pháp chống rửa tiền, mua bán tay trong trên TTCK để bảo đảm sự ổn định và tính minh bạch của thị trường tài chính.

IMF cho rằng việc mở cửa hệ thông tài chính là bước đi quan trọng trong cải cách hệ thống ngân hàng. Hội đồng giám đốc IMF ủng hộ kế hoạch của Chính phủ Việt Nam trong việc cổ phần hoá các ngân hàng thương mại chủ chốt thuộc sở hữu nhà nước (SOCBs).

Hội đồng giám đốc hoan nghênh Chính phủ phê chuẩn kế hoạch cổ phần hoá Vietcombank vì nó cho phép các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được tham gia vào quá trình này và sẽ giúp tăng cường việc quản lý SOCBs.

Lạm phát thấp hơn năm 2006?

IMF tỏ ra lo ngại khi lạm phát tăng lên 8,4% vào tháng 7/2007 so với mức 6,6% vào những tháng cuối năm 2006 và dường như đang có chiều hướng gia tăng, khó giảm hơn so với các nước khác trong khu vực.

Tuy nhiên, Hội đồng giám đốc IMF hoan nghênh những biện pháp gần đây của Chính phủ trong việc kiềm chế tiền tệ sẽ giúp hạ thấp mức lạm phát và bảo đảm sự ổn định trong nước.

Theo dự báo của IMF, mức lạm phát trong giai đoạn cuối năm 2007 sẽ ở mức 8%, nhưng tính trung bình cả năm 2007 sẽ là 7,3%, thấp hơn so với năm 2006 (7,5%). Tuy nhiên, năm 2008, Chính phủ sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn khi IMF cho rằng mức lạm phát trung bình sẽ tăng lên 7,7%.

Hội đồng cũng ủng hộ Chính phủ Việt Nam áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt và giảm sự can thiệp bởi vì điều này sẽ tạo ra tính hiệu quả trong quản lý, giúp bảo vệ sự ổn định trong nước trước “dòng thác” tài chính từ bên ngoài đổ vào.

Về rủi ro, IMF cảnh báo rằng nguồn ngoại tệ đổ vào quá nhiều sẽ làm giảm hiệu quả trong chính sách quản lý tiền tệ, khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn, trong khi môi trường điều hành vẫn còn yếu có thể đe doạ sự ổn định tài chính trong nước.
Nguồn: Tiền phong