VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Biến đổi khí hậu làm xói mòn thành tựu của VN

06/08/2010 - 234 Lượt xem

Ngày 28-11, UNDP đã công bố báo cáo này tại Hà Nội. Báo cáo ra mắt ngay trước hội nghị cấp cao của LHQ về biến đổi khí hậu diễn ra từ 3 đến 14-12 tại Bali (Indonesia). Ông Steve Price - Thomas, đại diện của Oxfam Anh tại VN, cho rằng phái đoàn VN tham dự hội nghị sẽ có nghĩa vụ và thách thức lớn là giữ vững quan điểm và đưa ra các đòi hỏi mạnh mẽ về cam kết quốc tế trong vấn đề này. Ông cũng hi vọng VN huy động mọi nguồn lực tài chính từ ODA tới vốn trong nước để đáp ứng nhu cầu đối phó với biến đổi khí hậu tại VN.

Báo cáo năm nay của UNDP - mang tên “Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu - đoàn kết nhân loại trong một thế giới phân cách” - dành hơn một nửa trong số 390 trang (năm nay cũng là lần đầu tiên bản dịch tiếng Việt của báo cáo hoàn thành đồng thời với thời điểm công bố báo cáo, có thể tìm đọc trên trang web http://www.undp.org.vn/) cho chủ đề biến đổi khí hậu. “Trong 15 năm qua, VN đã có tiến bộ vượt bậc về phát triển con người... Tuy vậy, biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa thật sự đối với những thành tựu này, và không đâu nghiêm trọng hơn khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” - báo cáo nêu rõ.

Tại lễ công bố, ông John Hendra - điều phối viên thường trú của LHQ tại VN - cho rằng VN đang chịu hệ quả của việc tăng nhiệt độ: “Bão lụt đang gây nhiều thiệt hại tại các miền duyên hải. Với chiều dài bờ biển lớn và mật độ dân số ở các vùng ven biển cao, VN sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu khi mực nước biển dâng”.

Điều đó cho thấy mức độ nguy hiểm của biến đổi khí hậu tùy vào việc nó gây nguy hiểm cho ai và ở đâu. “Viễn cảnh biến đổi khí hậu làm tăng mực nước biển có thể được người dân London hoặc vùng hạ Manhattan bình thản đón nhận do họ có hệ thống đê bao kiên cố, nhưng đối với những nơi như Bangladesh, ĐBSCL tại VN, hoàn toàn có cơ sở cho rằng đây là mối hiểm họa đáng lo ngại”.

Báo cáo viết: “Với những ngôi làng trên khắp khu vực này, việc thích ứng với biến đổi khí hậu đơn giản là học cách nổi trong nước”. Theo báo cáo, các cơ quan LHQ và Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn của VN đã vạch ra chiến lược toàn diện nhằm giảm nguy cơ thiên tai ở khu vực ĐBSCL.

HDI năm nay, dựa trên số liệu năm 2005, thể hiện VN đã đi một bước dài trong cải thiện tuổi thọ của người dân, xếp thứ 56 so với 83 trong báo cáo năm ngoái. Số người đi học ở tiểu học, trung học và đại học gia tăng, giúp VN lên hai bậc, từ 123 lên 121. Hai chỉ số còn lại cũng cho thấy mức độ cải thiện ở VN còn chậm so với các nước khác: tỉ lệ biết chữ ở người lớn của VN xếp thứ 57, tụt một bậc so với 56 trong báo cáo năm ngoái, GDP tính trên đầu người VN giảm xuống vị trí 122 từ vị trí 118 năm 2004.

Ông Christophe Bahuet - phó giám đốc quốc gia UNDP - cho biết từ khi báo cáo Phát triển con người ra đời năm 1990 đến nay, vị trí của VN liên tục được cải thiện, và trong nhiều lĩnh vực VN đi trước nhiều nước có thu nhập cao hơn nhưng có thể tăng chỉ số HDI bằng cách tăng thu nhập và đầu tư chất lượng hơn cho giáo dục.

Báo cáo cũng đưa ra một chỉ số khác là chỉ số đói nghèo của con người ở các nước đang phát triển, gọi tắt là HPI-1. VN xếp thứ 36/177 do sự thiếu hụt trầm trọng về sức khỏe theo tỉ lệ số người dự tính không thể sống qua tuổi 40 (VN xếp thứ 76), tỉ lệ mù chữ ở người lớn (82), số người không tiếp cận được nguồn nước được cải thiện (54) và tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu cân so với tuổi (107).

Một chỉ số quan trọng khác về xây dựng năng lực cho phụ nữ  (GDI) cũng được báo cáo phân tích. Giá trị GDI của VN là 0,732 so với giá trị HDI là 0,733, tức là bằng 99,9% giá trị HDI. Trong số 156 nước được xem xét cả hai giá trị trên, chỉ có tám nước có tỉ số cao hơn VN.

Ngoài ra, số đo sự trao quyền cho giới (GEM) cho thấy phụ nữ đóng vai trò tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội hay không. Nó theo dõi số ghế đại biểu quốc hội nữ, số nhà lập pháp, cán bộ cao cấp và quản lý là nữ, và nữ cán bộ chuyên môn kỹ thuật cũng như sự bất bình đẳng giới trong thu nhập kiếm được và mức độ độc lập về kinh tế. VN đứng thứ 52 trong số 93 nước về GEM với giá trị là 0,561.
Nguồn: Tuổi trẻ