VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Khi tiêu dùng cuối cùng đạt hơn 51 tỉ USD/năm… (14/11)

06/08/2010 - 104 Lượt xem

Bây giờ sản xuất đã vượt quỹ tiêu dùng, đã có bát ăn bát để; nguồn ngoại tệ khá dồi dào, dự trữ ngoại tệ không còn tính bằng triệu, bằng tỉ USD mà bằng chục tỉ, vài chục tỉ… Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, thì thị trường nội địa đang được các nhà sản xuất, kinh doanh đặc biệt quan tâm; các nhà đầu tư nước ngoài "nhòm ngó", đã bước vào một chân (thông qua liên doanh, chi nhánh) và chỉ còn chờ đến thời điểm được phép là bước cả hai chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Các nhà đầu tư trực tiếp vào sản xuất không chỉ tranh thủ thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu khi Việt Nam trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mà còn nhằm vào dung lượng thị trường của Việt Nam nữa.


Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái

Dung lượng thị trường Việt Nam trước hết biểu hiện ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng qua các năm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng khá qua các năm. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá bình quân năm, thì tốc độ tăng về lượng liên tục đạt hai chữ số (năm 2004 tăng 10,8%, năm 2005 tăng 11,3%, năm 2006 tăng 12,5%, năm 2007 ước tưang 11,4%), đều cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP tính theo giá so sánh. Nếu tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái thì:

Như vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã đạt quy mô khá và tăng nhanh. Việc tăng lên nhanh chóng của dung lượng thị trường (thị trường bán lẻ, thị trường tiêu thụ nội địa) do ba yếu tố quyết định. Dân số trung bình của Việt Nam năm 2006 đạt gần 84,2 triệu người, năm nay ước đạt 85,25 triệu người, đông thứ 13 thế giới; hằng năm vẫn còn tăng trên 1 triệu người. Tiêu dùng cuối cùng bình quân đầu người tính theo giá so sánh liên tục tăng cao (năm 2004 tăng 5,68%, năm 2005 tăng 5,92%, năm 2006 tăng 6,26%, ước năm 2007 có thể tăng tới 6,3%) và năm 2006 tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đạt 41,9 tỉ USD, ước năm 2007 đạt 51,2 tỉ USD (tổng tiêu dùng cuối cùng cao hơn tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, vì tiêu dùng cuối cùng tính cả phần tự cấp tự túc). Tiêu dùng cuối cùng thông qua mua bán trên thị trường tăng nhanh, thể hiện bằng tỷ lệ giữa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng so với tổng tiêu dùng cuối cùng nếu năm 2000 mới đạt 68,5% (còn 31,5% là tự sản tự tiêu, tự cấp tự túc) thì đến năm 2006, 2007 đã đạt 86,9%.

Cùng với việc tăng lên về quy mô tuyệt đối, cơ cấu của thị trường trong nước có một số biến đổi đáng lưu ý.

Theo ngành và nhóm hàng hóa và dịch vụ, tỷ trọng của thương nghiệp hàng hóa vật chất đã giảm (từ 83,4% năm 1980 xuống 77,7% năm 2006); của ngành khách sạn nhà hàng tăng (tương ứng từ 10,7% lên 12,3%) của ngành du lịch và dịch vụ khác tăng (tương ứng từ 5,9% lên 10%).

Theo loại hình kinh tế, tỷ trọng của khu vực nhà nước và tập thể đã giảm xuống (hiện có 11,6%), của cá thể cũng còn cao nhưng cũng đã giảm xuống (còn 57,1%), của khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng lên (hiện chiếm 31,3%). Hình thức tổ chức bán hàng bước đầu cũng có sự thay đổi theo hướng tỷ trọng mua bán từ siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tăng lên (hiện đạt khoảng trên 1/4).

Tuy nhiên, chênh lệch tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người giữa các vùng, các tỉnh còn khá lớn. Trong khi bình quân đầu người 1 năm của cả nước là 6,9 triệu đồng thì vùng Đông Nam Bộ đạt trên 14,6 triệu, còn tất cả các vùng còn lại đạt thấp hơn, trong đó thấp nhất là Tây Bắc (2,3 triệu), tiếp đến là Bắc Trung Bộ (3,4 triệu). Đông Bắc (3,8 triệu), Tây Nguyên (4,4 triệu), Đồng bằng sông Hồng (gần 6,5 triệu), Duyên hải Nam Trung Bộ (trên 6,5 triệu), Đồng bằng sông Cửu Long (trên 6,6 triệu). Vùng thấp nhất chỉ bằng 1/3 mức bình quân chung của cả nước và chỉ bằng 15,9% vùng cao nhất.

Trong khi mức bình quân đầu người của một số tỉnh, thành phố rất cao, thì một số tỉnh lại rất thấp có 16/64 tỉnh, thành phố đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước, trong đó có 8 tỉnh, thành phố đạt trên 10 triệu đồng/người; cao nhất là TP Hồ Chí Minh (21,6 triệu - nhờ thu nhập cao và có nhiều khách vãng lai, cả trong nước và quốc tế), tiếp đến là Hà Nội (17,2 triệu), Đà Nẵng (trên 14,6 triệu), Bình Dương (14 triệu), Quảng Ninh (11,2 triệu), Tây Ninh (10,6 triệu), Cần Thơ (10,4 triệu), Bà Rịa - Vũng Tàu (10,2 triệu). Còn tới 48 tỉnh đạt thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, trong đó có 13 tỉnh đạt dưới 3 triệu đồng/người, tập trung chủ yếu ở Tây Bắc, Đông Bắc, có 2 tỉnh ở Đồng bằng Bắc Bộ, 2 tỉnh ở Đồng bằng sông Hồng, thấp nhất là Lai Châu (1,44 triệu), tiếp đến là Hà Giang (1,59 triệu), Bắc Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Thanh Hóa - là những tỉnh có mức bình quân dưới 2,5 triệu đồng/người.

Dung lượng thị trường tăng, các nhà đầu tư trong nước cần tranh thủ mở rộng mạng lưới, hiện đại hóa cơ sở vật chất tăng cường liên kết vì thời gian rộng cửa cho nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán lẻ đang đến rất gần.
Nguồn: Thanh Niên