VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Kiềm chế chỉ tiêu giá tiêu dùng: Có duy ý chí? (13/11)

06/08/2010 - 89 Lượt xem

Do vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi có ý kiến cho rằng, cần quy định chỉ tiêu tăng CPI “cứng” thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP mới vừa sức chịu đựng của người thu nhập trung bình trở xuống, chứ không thể nêu chung chung “thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế”. Tuy nhiên, trong điều kiện của nền kinh tế nước ta hiện nay, nếu như vậy thì rất có thể chúng ta lại rơi vào tình trạng duy ý chí.

Tính đến nay, tất cả các “miếng võ” đều đã được tung ra nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường. Đó là, tiếp tục điều hành quyết liệt bảo đảm thực hiện cân đối vĩ mô, cân đối hàng, tiền, cân đối về cán cân thanh toán, cân đối về thu chi ngân sách, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, dịch vụ, nhất là lương thực, thực phẩm; về tài chính tiền tệ, bảo đảm tốc độ tăng thanh toán phù hợp với tốc độ tăng trưởng để bảo đảm cân đối tiền hàng; tăng thu hút tiền từ lưu thông mạnh hơn thông qua việc phát hành trái phiếu kho bạc và tín phiếu kho bạc với nhiều kỳ hạn, mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối... Trong đó, giảm mạnh thuế suất nhập khẩu trên diện rộng chưa từng có, tiếp tục duy trì thuế suất nhập khẩu mặt hàng chiến lược xăng dầu 0% và giãn tiến độ tăng giá mặt hàng than... là những giải pháp “đinh” nhằm ngăn chặn những làn sóng tăng giá mới. Thế nhưng, xét trên tổng thể, không phải chỉ trong năm 2007 này, mà từ năm 2004 trở lại đây, chúng ta đã không mấy thành công trong việc kiềm chế tốc độ tăng CPI.

“Báo động đỏ”

Trước hết, cho dù tốc độ tăng GDP năm nay tăng “kịch kim” 8,5% như báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, thì với xuất phát điểm tăng 8,12% trong 10 tháng qua, nếu CPI trong hai tháng cuối năm nay diễn ra theo kịch bản năm 2005 (tháng 11 tăng 0,4%; tháng 12 tăng 0,8%), tổng mức tăng cả năm nay sẽ là 9,42%, còn theo kịch bản năm 2006 (tháng 11 tăng 0,6%; tháng 12 tăng 0,5%), con số này sẽ là 9,31%, tức là đều vượt xa tốc độ tăng GDP.

Hơn thế, tính chung cả giai đoạn bốn năm trở lại đây, cho dù chúng ta liên tục duy trì được tốc độ tăng GDP cao chỉ kém 3 năm “hoàng kim” giữa thập kỷ trước (năm 2004: 7,79%; năm 2005: 8,43%; năm 2006: 8,17%; năm 2007 ước đạt 8,5%; còn 3 năm 1994-1996 lần lượt tăng 8,83%; 9,56% và 9,34%), nhưng tổng mức tăng cũng chỉ là 37,17%, trong khi tổng mức tăng CPI cùng kỳ dao động trong khoảng 38,3-38,4% (năm 2004: 9,5%; năm 2005: 8,4%; năm 2006: 6,6%; năm 2007 khoảng 9,31-9,42%), tức là tốc độ tăng CPI liên tục cao hơn tốc độ tăng GDP. Không những vậy, điều đáng “báo động đỏ” chính là, những người càng có thu nhập thấp càng bị sức ép của các cơn sốt nóng giá cả đè nặng. Bởi lẽ, “tâm điểm” của các cơn sốt nóng CPI lại nằm ở những nhóm hàng thiết yếu mà dù nghèo đến đâu họ vẫn phải “dốc túi” chi tiêu.


Tuy việc kiềm chế CPI trong năm nay không đạt mục tiêu đề ra, nhưng nguyên nhân chủ yếu lại là do những yếu tố khách quan quy định. Do vậy, trong điều kiện CPI có nhiều khả năng vẫn còn tiếp tục tăng cao trong năm tới, việc áp đặt mục tiêu kiềm chế CPI ở mức cao hơn có lẽ là không có tính khả thi. Trong điều kiện như vậy, vấn đề đặt ra là, tiếp tục chấp nhận tốc độ tăng CPI ở mức cao, nhưng nỗ lực đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế lên cao hơn nữa, đồng thời phân bổ hợp lý hơn những lợi ích do nó mang lại và tăng cường tối đa việc hỗ trợ các tầng lớp dân cư “yếu thế” trong xã hội.


Cụ thể, trong khi tổng mức tăng của CPI nói chung trong bốn năm qua có thể nói là khiêm tốn ở mức 38,3-38,4%, thì giá của nhóm hàng thực phẩm trong vòng 46 tháng (từ tháng 1/2004 đến tháng 10/2007) tăng tổng cộng kỷ lục 57,07%, “về nhì” là nhóm hàng lương thực với tổng mức tăng “gần sát nút” với 53,45%, còn tổng mức tăng giá của nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng cũng lên tới trên 39%.

4 lý do bất khả thi

Thế nhưng, vấn đề mấu chốt là ở chỗ, liệu chúng ta có thể kiềm chế được tốc độ tăng CPI năm 2008 chỉ ở mức 5,5-6,0% cho vừa sức chịu đựng của người có thu nhập trung bình trở xuống như một đại biểu Quốc hội đề nghị.

Câu trả lời có lẽ là không bởi bốn căn cứ chủ yếu sau đây:

- Thứ nhất, là một quốc gia đang phát triển ở trình độ thấp, lạm phát cao ngất ngưởng như nước ta không phải là một ngoại lệ, và hơn thế, so với những nước ở cùng trình độ phát triển, nền kinh tế nước ta đang thuộc nhóm phát triển lành mạnh.

Cụ thể, các số liệu thống kê của IMF cho thấy, bình quân trong 3 năm sốt nóng giá cả thế giới 2004-2006, với 8,13%/năm, tốc độ tăng GDP của nước ta đứng hàng thứ ba trong nhóm 10 quốc gia có trình độ phát triển tương đương (xét theo chỉ tiêu GNI bình quân đầu người) gồm Nicaragoa; Ấn Độ; Georgia; Hondurad; Bolivia; Campuchia; Gahna; Moldova và Pakistan (đứng đầu là Campuchia với 10,95%/năm; Ấn Độ: 8,73%/năm, còn Georgia đạt 8,15%/năm, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với của nước ta), còn với tốc độ tăng CPI 8,15%/năm, nước ta cũng chỉ xếp thứ 7 (xếp trên Nicaragoa với 9,43%; Moldova với 12,36%/năm và Gahna với 12,85%).

Hơn thế, nếu so sánh tổng quát hơn, với hệ số giữa lạm phát và tăng trưởng bình quân 3 năm 2004-2006 là 1,00 lần, nền kinh tế nước ta cũng đứng hàng thứ tư trong nhóm 10 quốc gia này (tuy đồng hạng với Pakistan, nhưng quốc gia này chỉ đạt tốc độ tăng GDP 5,26%/năm) và chỉ thua kém Campuchia với 0,44 lần; Ấn Độ với 0,54 lần và Georgia với 0,95 lần.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, ở trình độ phát triển còn rất thấp, tốc độ phát triển cao đi kèm với lạm phát cao là “thông lệ” của thế giới. Trong đó, điều quan trọng nhất là chúng ta đã đạt được tốc độ phát triển nhanh thuộc tốp dẫn đầu. Việc nước ta gần đây được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao đủ cho thấy điều đó.

- Thứ hai, do mặt bằng giá cả của nước ta nói riêng và của các quốc gia đang phát triển nói chung còn rất thấp, cho nên việc giá tiêu dùng tăng cao là tất yếu.

Trước hết, xét trên tổng thể, các kết quả tính toán gần đây nhất của Ngân hàng thế giới cho thấy, trong khi “rổ GNI” (gross national income) toàn cầu năm 2006 theo giá thực tế là 7.439 tỷ USD, nhưng nếu tính trên cơ sở đồng giá sức mua (Purchasing power party, viết tắt là PPP) hoặc đôla quốc tế (international dollars) thì sẽ được khuếch đại lên 10.180 tỷ đôla quốc tế, tức là tăng thêm 2.741 tỷ, hay tăng đại nhảy vọt 36,85%. Trong đó, cùng tính theo PPP, nếu như “chiếc bánh” GNI của những nước giàu đều bị “co lại” với những mức độ khác nhau, thì của những nước nghèo nói chung đều “nở ra” rất nhiều và tổng mức “nở ra” này đương nhiên lớn hơn 36,85%.

Trong đó, đối với 10 quốc gia có cùng trình độ phát triển tương tự nước ta như đã nói ở trên, với GNI bình quân đầu người theo giá thực tế 690 USD, nhưng tính theo đôla quốc tế thì con số này của nước ta là 3.300, tức là khuếch đại lên 4,78 lần và cũng chỉ xếp thứ tư sau Cămpuchia với 6,08 lần; Gahna với 5,08 lần và ấn độ với 4,63 lần, còn mức độ khuếch đại này thấp nhất là của Georgia cũng là 2,36 lần.

- Thứ ba, trong bối cảnh như nói trên, cho dù Chính phủ có “bị ép” phải đặt mục tiêu tăng CPI năm 2008 ở mức 5,5-6% để “vừa sức chịu đựng của người thu nhập trung bình trở xuống” như có ý kiến đã nêu, thì e rằng đó cũng chỉ là một mục tiêu chủ quan, khó có thể đạt được.

Bởi lẽ, khác với ba năm 2004-2006 có thể chúng ta đã có phần chưa thực sự coi trọng và cũng chưa có kinh nghiệm trong cuộc chiến chống lạm phát, thì năm 2007 là năm mà việc kiềm chế giá cả thị trường đã được đặt lên hàng đầu, ít nhất là từ đầu tháng 8 đến nay.

Tuy nhiên, bên cạnh việc phụ thuộc hết sức nặng nề vào nguồn nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu, cho nên vẫn tiếp tục phải đối mặt với các cơn sốt nóng giá cả gay gắt của thị trường thế giới. ở trong nước, ngoài những tác nhân cũ như thiên tai, dịch bệnh, nhưng liên tục diễn ra trên diện rộng đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề trên diện rộng chưa từng có, còn có những tác nhân mới xuất hiện, cho nên giá tiêu dùng chỉ sau 10 tháng đã gần “chạm vạch đích” và khả năng chúng ta thêm một lần không thành công ở chỉ tiêu này gần như là chắc chắn.

Trong điều kiện như vậy, việc áp đặt chỉ tiêu kiềm chế tốc độ tăng CPI ở mức cao hơn rõ ràng là không thỏa đáng.

- Thứ tư, bên cạnh những tác nhân trong nước, dự báo triển vọng kinh tế thế giới năm 2008 gần đây của các định chế quốc tế cũng không thuận cho chúng ta trong việc kiềm chế tốc độ tăng CPI ở mức thấp hơn.

Cụ thể, theo dự báo của IMF, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2008 sẽ giảm xuống chỉ còn 4,8% (năm 2007 ước đạt 5,2%), trong đó cặp số liệu này của các nước phát triển là 2,2% và 2,5%, còn của các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển là 7,4% và 8,1%, nhưng thế giới vẫn chưa thể “thuần phục con ngựa bất kham” CPI. Đó là, đối với các nước phát triển, thay vì tăng 2,1% trong năm 2007, CPI trong năm 2008 vẫn tăng 2,0%, còn cặp số liệu này của các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển là 5,9% và 5,3%.

Riêng đối với nước ta, thay vì ước tính tăng 7,3% trong năm nay, CPI sẽ tăng mạnh hơn và đạt 7,6% trong năm 2008. Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, giá cả sinh hoạt đắt đỏ hơn vẫn tiếp tục là xu thế bao trùm đời sống kinh tế thế giới trong năm tới, chứ không phải gì riêng nước ta.


Nguồn: DDDN.