VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Kinh tế Việt Nam rất cần USD thừa! (12/11)

06/08/2010 - 99 Lượt xem

Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2007. Trễ còn hơn không, nếu ai đó còn thừa USD trong bảng cân đối tài chính vẫn có thể tìm ra ít nhất một giải pháp.

Nhìn gần, nhìn xa, nhìn Đông-Tây-Nam-Bắc nơi nơi trên đất nước này cũng cần vốn (tiền VND, tiền USD, tiền YEN, tiền EURO...) đầu tư ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Nhìn đâu cũng thấy nhu cầu đầu tư trong hầu hết mọi lĩnh vực - lĩnh vực công cũng như lĩnh vực tư. Việt Nam chúng ta chỉ mới bắt đầu đi những kilômét đầu tiên đến điểm xuất phát vào nền kinh tế công nghiệp thì làm gì có vấn đề thừa USD. Đây là một sự cố bị nghẽn USD, bị nghẽn vốn.

Cái cốt lõi của câu chuyện thừa USD ở đây là gì? Quản lý, quản lý, và quản lý. Đầu tư, đầu tư và đầu tư. Trong Kinh Thánh Tân ước có một câu chuyện về quản lý và đầu tư: một ông chủ trao ba người quản lý ba số vàng khác nhau theo năng lực của họ - người nhận 50 lượng vàng, người 20 lượng vàng và người 10 lượng vàng. Sau một thời gian ông chủ tính sổ với những người quản lý. Người nhận 50 lượng vàng đưa và nói: nhận 50 lượng vàng làm thêm ra 50 lượng vàng xin giao lại. Ông chủ khen thưởng và nói người này đã trung tín trong việc nhỏ nên ông sẽ giao thêm nhiều việc lớn hơn. Người nhận 20 lượng vàng cũng làm tương tự như vậy.

Riêng người nhận 10 lượng đưa lại vàng và nói: tôi biết ông chủ là người nghiêm ngặt, gặt trong chỗ mình không gieo, lượm lặt trong chỗ mình không rải ra, cho nên tôi sợ và giấu vàng dưới đất. Mười lượng vàng của ông giao nay trả lại ông. Ông chủ quở trách: “Người gian ngoa và lười biếng kia, biết tôi thu hoạch lợi tức như vậy tại sao không đưa vàng này cho người buôn vàng (nhà đầu tư, ngân hàng...) để lấy vốn và lời?”, rồi ông ra lệnh: hãy đem 10 lượng vàng đưa cho người có 100 lượng vàng... Câu chuyện này cũng là một loại câu chuyện tư duy quản lý và đầu tư hằng ngày trong kinh doanh cũng như giáo dục của nền kinh tế Do Thái và người gốc Do Thái khắp nơi trên thế giới.

Ngoại trừ phần lớn nguồn vốn kiều hối không cần phải chuyển lợi tức ra khỏi nền kinh tế, hai nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII) phải trông mong vào hiệu quả đầu tư và chuyển lợi tức về nơi chốn của nhà đầu tư cũng bằng tiền USD. Như vậy nguồn USD để chuyển cả vốn lẫn lời ra khỏi Việt Nam, nếu không phải từ nguồn dự trữ quốc gia, phải lấy từ đâu? Thế thì, rất rõ, những hiệu quả và lợi tức (profit) của các nguồn đầu tư này cần phải được cân đối và bù đắp thông qua hiệu quả và những lợi ích (benefit) và lợi tức nảy sinh ra từ việc chúng ta sử dụng nguồn vốn USD đã được đưa vào trong hệ thống tiền tệ và dự trữ quốc gia.

Nói một cách khác, nguồn lợi tức tạo được và chuyển ra của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tương ứng và phụ thuộc một phần lợi ích tạo ra từ đầu tư của chính phủ qua các chương trình và dự án đầu tư lĩnh vực công trong nền kinh tế và xã hội; và đồng thời những nguồn lợi tức đem về lại thông qua những đầu tư ra nước ngoài.

Tóm lại, chuyện thừa hay thiếu USD là vấn đề quản lý và đầu tư chứ không phải đem đồng vốn cất giấu rồi trả lại hoặc bốc hơi. Gần đây có hai sự việc được dư luận quan tâm liên quan đến hiện tượng không thẩm thấu và bốc hơi vốn đầu tư trong lĩnh vực công. Chuyện thứ nhất là một khoản ngân sách 125 tỉ đồng dành cho nghiên cứu khoa học của Bộ Khoa học Công nghệ phải trả về lại vì không thẩm thấu hết.

Chuyện thứ hai là một khoản thất thoát trên 200 tỉ đồng từ Đề án 112 của Văn phòng Chính phủ thông qua Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính. Đây là hai trong biết bao sự cố quản lý và đầu tư lĩnh vực công. Đầu tư với những hệ quả như thế này thì Ngân hàng Nhà nước chỉ còn một cách duy nhất là chạy hết công suất in ra loại “tiền âm phủ” mới kham nổi tốc độ đốt tiền đó.

Ngoài vấn đề nền kinh tế Việt Nam còn vướng khá sâu trong câu chuyện đôla hóa thì lĩnh vực công phải nhanh chóng có những cái nhìn đúng, từng bước quản lý và đầu tư đúng với nguồn vốn rất hữu hạn của mình. Nếu Chính phủ còn chần chừ và chưa nhìn nhận thẳng vấn đề này để có những giải pháp tích cực hơn thì e rằng (i) người dân sẽ tiếp tục giấu vốn (tiền USD và vàng) bên ngoài hệ thống tiền tệ của nền kinh tế; (ii) nhà đầu tư trong nước sẽ phải đối đầu và gánh chịu nhiều sức ép về rủi ro tỷ giá, lãi suất khiến giá vốn đầu tư và giá thành sản xuất - kinh doanh cao hơn, dẫn đến tình huống bị mất lợi thế cạnh tranh; và (iii) Chính phủ và Nhà nước và cả nền kinh tế sẽ phải lao đao lao vào chữa trị những cơn bệnh rất đáng sợ như lạm phát, thất nghiệp, mất cân đối lớn trong cán cân thanh toán và thâm hụt ngân sách, ngân sách bị kéo dài... Đến đây thì quá trễ và sẽ thật sự thiếu USD trầm trọng nhiều lần hơn.

Nếu tạm đồng ý rằng thừa USD (trạng thái ngoại hối tăng đột biến) như hiện nay chỉ là một sự cố lớn từ một chuỗi những sự cố về quản lý (có chính sách tiền tệ...) và đầu tư lĩnh vực công chưa đúng thì một trong những giải pháp cần phải thực hiện là Đầu tư Tích cực (positive investment) - thúc đẩy một Chương trình đầu tư tích cực dài hạn, đầu tư nội địa và ra bên ngoài, đầu tư đúng nơi và đúng hướng để tạo ra những lợi ích xã hội, gia tăng năng suất trong nước và thúc đẩy tăng trưởng GDP lâu dài; đồng thời sẽ có nhiều khả năng thu về những khoản lợi tức đáng kể từ những khoản đầu tư ra nước ngoài.

Hãy đơn giản hóa vấn đề và tình hình hiện nay là: Đầu tư sinh lợi thì không thừa USD. Đầu tư bốc hơi và cất giấu thì bị nghẽn rồi thiếu USD.
Nguồn: Tuổi Trẻ