VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Sôi động dòng vốn qua ngân hàng (08/11)

06/08/2010 - 87 Lượt xem

Tại thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất và sôi động nhất cả nước, tính đến hết tháng 10-2007, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 437.000 tỷ đồng, tăng 53% so với cuối năm 2006 và tăng tới 73% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng lớn nhất từ trước tới nay.

Trong số đó thì vốn huy động bằng nội tệ đạt 322.706 tỷ đồng, vốn huy động ngoại tệ quy đổi đạt 114.294 tỷ đồng, chiếm 26,1%. Dự báo đến hết năm 2007, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đạt 460.000 - 465.000 tỷ đồng, tăng 62-65% so với cuối năm 2006. Tại Hà Nội, tính đến hết tháng 10-2007, tổng nguồn vốn huy động của các Ngân hàng thương mại và Tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 326.624 tỷ đồng, tăng 34,54% so với cuối năm 2006, đây là mức tăng lớn nhất trong nhiều năm.

Dự báo đến hết năm 2007, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố sẽ đạt 350.000 - 355.000 tỷ đồng, tăng 42 - 44% so với cuối năm 2006. Đây là mức độ tăng trưởng cao ngoài dự kiến từ đầu năm của hầu hết các ngân hàng.

Về sức hấp thụ vốn cho tăng trưởng kinh tế qua điển hình ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng cho những diễn biến ngoài dự đoán. Cũng tính đến hết tháng 10-2007, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ước tính đạt 345.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cuối năm 2006 và tăng 63% so với cùng kỳ này năm trước.

Phân theo tiền tệ thì dư nợ cho vay bằng nội tệ đạt 241.155 tỷ đồng, dư nợ cho vay bằng ngoại tệ đạt 103.445 tỷ đồng. Phân theo kỳ hạn thì dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 209.647 tỷ đồng, dư nợ trung và dài hạn đạt 135.353 tỷ đồng. Do tỷ giá ổn định, lãi suất cho vay ngoại tệ chỉ bằng 50% - 60% mức lãi suất cho vay nội tệ nên nhiều doanh nghiệp thích vay vốn ngoại tệ hơn, ngược lại người gửi tiền thì thích gửi bằng nội tệ hơn vì lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn của nội tệ cao gấp 2 lần tiền gửi ngoại tệ.

Tại Hà Nội, dư nợ cho vay cũng tăng với tốc độ rất lớn. Tính đến hết tháng 10-2007, tổng dư nợ cho vay đạt 163.838 tỷ đồng, tăng 37,44% so với cuối năm 2006. Dự báo đến hết năm 2007, dư nợ cho vay sẽ đạt 171.000 - 174.000 tỷ đồng, tăng 45% - 48% so với cuối năm trước. Đây cũng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay và vượt xa nhiều so với dự báo từ đầu năm của các ngân hàng.
Một số ngân hàng thương mại cổ phần sẽ có mức tăng trưởng dư nợ tới 55% đến 65%.Về cơ cấu dư nợ phân theo thời hạn, cho vay ngắn hạn đạt 100.089 tỷ đồng, tăng 33,50% và dư nợ cho vay trung dài hạn đạt 63.749 tỷ đồng, tăng 44,10%. Tín dụng trung dài hạn tăng cao hơn ngắn hạn chứng tỏ nhu cầu vốn đầu tư chiều sâu, đầu tư cho mở rộng sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị mới và hiện đại tăng lên.

Một nguyên nhân khác, vốn đầu tư cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới, dự án nhà ở, vốn cho vay mua nhà chung cư, mua ô tô, phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị thi công, xây dựng khách sạn, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, siêu thị.... cũng tăng cao.

Về cơ cấu dư nợ theo tiền tệ, dư nợ cho vay bằng nội tệ đạt 100.092 tỷ đồng, tăng 38,8% và dư nợ cho vay ngoại tệ đạt 34,72%. Nguyên nhân dư nợ cho vay nội tệ cao hơn ngoại tệ cũng tương tự như ở thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mà trong cả nước, nhất là những tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ công nghiệp hoá nhanh,... các luồng vốn huy động, thanh toán, cho vay,... của hệ thống ngân hàng cũng có tốc độ tăng trưởng cao ngoài dự kiến.

Tình hình đó cho thấy những tác động và nguyên nhân sau:Một là, số đông người dân, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngày càng làm quen với dịch vụ ngân hàng tiện ích, tin tưởng ngân hàng. Tăng khả năng tiết kiệm và sử dụng tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng vừa an toàn, vừa có lãi, vừa được hưởng các tiện ích khác. Không chỉ mở tài khoản thanh toán, mở tài khoản sử dụng thẻ mà còn gửi tiết kiệm với các kỳ hạn khác nhau. Đây là xu hướng văn minh, tiến bộ của nền kinh tế, cho phép giảm tỷ tọng thanh toán băng tiền mặt. thanh toán thẻ, thanh toán điện tử liên ngân hàng, ... ngày càng được sử dụng phổ biến hơn.

Hai là, về nguyên lý cũng như thực tiễn, vốn đầu tư cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng thời kỳ này sẽ tạo ra tăng trưởng ở thời kỳ sau, ít nhất là 6 tháng. Như vậy trong các tháng cuối năm cũng như năm 2008 và các năm tới có thể khẳng định nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có tốc độ phát triển cao không chỉ dư vốn cho vay của hệ thống ngân hàng mà còn do tốc độ chu chuyển vốn trong thanh toán, khả năng huy động vốn để đáp ứng cho các kênh đầu tư khác: đầu tư trên thị trường chứng khoán, đầu tư trực tiếp nước ngoài, thành lập quỹ đầu tư và doanh nghiệp.

Ba là, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đổi mới mạnh mẽ và cạnh tranh rất sôi động sau 1 năm nền kinh tế nước ta gia nhập WTO. Cụ thể màng lưới của các ngân hàng được mở rộng với tốc độ rất nhanh đến gần dân, tiện lợi cho doanh nghiệp. Công nghệ ngân hàng đang sử dụng và chuẩn bị được lắp đặt ở vào trình độ hiện đại của thế giới.

Quy mô vốn điều lệ và năng lực tài chính của các ngân hàng được nâng cao lên rõ rệt. Trình độ quản trị điều hành, chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện. Các quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác,... giữa các ngân hàng thương mại trong nước với các tập đoàn tài chính lớn của thế giới, với các doanh nghiệp khác của Việt Nam theo hướng hình thành tập đoàn kinh doanh đa năng,... ngày càng chặt chẽ.

Tất nhiên còn rất nhiều việc phải làm cả về điều hành chính sách tiền tệ, quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng... Song những chuyển biến nói trên cho thấy năng lực cạnh tranh và hiệu quả đối với nền kinh tế của hệ thống ngân hàng Việt Nam sau 1 năm gia nhập WTO.
Nguồn: TBKT Việt Nam