VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Xếp hạng khả năng cạnh tranh 2007: Việt Nam tụt hạng? (05/11)

06/08/2010 - 91 Lượt xem

Nếu chỉ nhìn đơn thuần vào danh sách như vậy, có thể xem là Việt Nam tụt 4 bậc so với vị trí 64 trong năm ngoái. Tuy nhiên, số quốc gia và vùng lãnh thổ có mặt trong danh sách năm nay là 131, so với tổng số 122 vào năm ngoái. WEF cũng đưa ra một thông tin: Nếu loại bỏ những “lính mới”và chỉ xét danh sách những “cựu binh” từ năm ngoái, thì vị trí xếp hạng của Việt Nam ổn định ở số 64.

Ngay cả nói như vậy, thì cũng còn một điều không vui là chúng ta đã bị lùi xa thêm 4 bậc so với những nước đứng đầu danh sách.

Định nghĩa của WEF về khả năng cạnh tranh: tổng hợp của các chính sách, thể chế, nhân tố có quyết định đến năng suất của một quốc gia. Năng suất này quyết định tiềm năng phát triển bền vững của nền kinh tế, đến khả năng nâng cao thu nhập của người dân, và đến tỉ suất lợi nhuận của đầu tư.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhìn sâu hơn vào danh sách để thấy, qua một năm, những tiêu chí nào của chúng ta đã cải thiện, và những tiêu chí nào đã níu chân để chúng ta không vượt lên được.

Tổng quan về cuộc chạy đua

Các bảng xếp hạng vẫn được coi là công cụ thích hợp nhất để theo dõi các cuộc chạy đua. Trong đó, báo cáo của WEF luôn luôn được đặc biệt chú ý, không chỉ vì truyền thống đã có từ năm 1979, mà còn nhờ qui mô lớn và tính hệ thống rất cao. Trong báo cáo năm nay, ngoài việc tổng hợp số liệu chính thức từ các tổ chức nghiên cứu quốc tế, WEF cũng tổ chức khảo sát ý kiến của 11.000 lãnh đạo doanh nghiệp trước khi đưa ra kết quả xếp hạng cho 131 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chỉ số khả năng cạnh tranh toàn cầu năm nay được xây dựng trên cơ sở hơn 100 tiêu chí, được phân vào 12 nhóm gọi là “trụ cột” cho khả năng cạnh tranh.

12 trụ cột này tạo dựng nên ba chỉ số phụ để từ đó tổng hợp thành chỉ số về khả năng cạnh tranh, đó là: các yêu cầu căn bản, các yếu tố nâng cao hiệu quả, các yếu tố sáng tạo và trình độ.

Các trụ cột cho khả năng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam

Chỉ tiêu

Xếp hạng

Nhóm các yêu cầu căn bản

77

1. Tổ chức các thể chế

70

2. Cơ sở hạ tầng

89

3. Ổn định kinh tế vĩ mô

51

4. Giáo dục cơ bản và y tế

88

Nhóm các yếu tố nâng cao hiệu quả

71

5. Giáo dục đại học và đào tạo

93

6. Hiệu quả của thị trường hàng hóa

72

7. Hiệu quả của thị trường lao động

45

8. Trình độ của thị trường tài chính

93

9. Mức độ sẵn sàng về công nghệ

86

10. Qui mô thị trường

32

Nhóm các yếu tố sáng tạo và trình độ

76

11. Trình độ kinh doanh

83

12. Sáng tạo

64

Những điểm “sáng”

Trong số những tiêu chí được xếp hạng cao của Việt Nam, có thể kể 5 tiêu chí cao nhất: sự tham gia của lao động nữ (hạng 8), sự phát triển các cụm nhóm trong kinh doanh (hạng 16), thị trường cho hàng nước ngoài (hạng 26), tỉ lệ tiết kiệm (hạng 21), quan hệ tiền lương và năng suất (hạng 31).

Nhìn chung, có ba trụ cột được đánh giá là “cao hơn bình quân cả nước” để kéo vị trí tổng thể của Việt Nam lên. Đó là qui mô thị trường (hạng 32), hiệu quả của thị trường lao động (hạng 45), và ổn định kinh tế vĩ mô (hạng 51).

Những điểm “tối”

Có đến 17 tiêu chí của Việt Nam được xếp hạng “trên 100” trong số 131 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm yếu tố có điểm thấp nhất là: mức thuế nhập khẩu (hạng 117), sự bảo vệ nhà đầu tư (hạng 121), bản chất của lợi thế cạnh tranh (hạng 126), sự kiểm soát về phân phối quốc tế (hạng 115), chất lượng các trường dạy quản trị (hạng 120),

Đặc biệt, trong năm 2007 tổ chức WEF đã khảo sát ý kiến về 14 tiêu chí thường bị coi là “tiêu cực”. Những người được hỏi ý kiến sẽ chọn ra 5 tiêu chí “tệ nhất” đối với quốc gia được chọn.

Kết quả cho thấy, đối với Việt Nam, bốn yêu tố bị coi là “có vấn đề nhất” gồm: tham nhũng, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu lao động có tay nghề, và sự kém hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước.

Bốn tiêu chí bị đánh giá thấp kế tiếp là: khả năng tiếp cận nguồn tài chính, tinh thần làm việc của công nhân trong nước, chính sách không ổn định, và các qui định về thuế.

Tuy nhiên, có bốn tiêu chí bị coi là tiêu cực trên thế giới, nhưng được nhìn nhận “ít có vấn đề” ở Việt Nam, đó là: trộm cắp và tội phạm, bất ổn định chính trị, chính sách quản lý ngoại hối, chính sách hạn chế lao động.

Những láng giềng

Trong số 14 vị trí đứng đầu năm nay, Mỹ vẫn giữ vị trí đứng đầu nhờ những chỉ số rất cao về giáo dục, công nghệ, và hệ thống quản lý. Liên tiếp 5 vị trí từ số 2 đến số 6 rơi vào tay châu Âu (lần lượt là Thụy Sĩ, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức, và Phần Lan). Đông Á tự hào chiếm 5 vị trí (theo thứ tự là Singapore, Nhật, Hàn Quốc, Hongkong, và Đài Loan).

Tuy nhiên, với Việt Nam, có lẽ sẽ dễ đánh giá kết quả hơn nếu chúng ta so sánh vị trí của mình với các láng giềng.

Trong số các láng giềng, so sánh chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm nay so với năm 2006, nhóm các nước tăng hạng gồm có Singapore (tăng từ hạng 8 lên hạng 7), Trung Quốc nhích nhẹ từ hạng 35 lên 34, Philippines nhảy 4 bậc từ 75 lên 71.

Thái Lan đứng nguyên hạng 28, mặc dù các yếu tố chính trị xấu đi nhưng kinh tế vĩ mô không bị mất ổn định. Giáo dục đại học của Thái Lan được xếp hạng 44 (so với hạng 93 của Việt Nam).

Indonesia cũng giữ nguyên hạng 54, nhưng nếu loại trừ những tên mới ra khỏi danh sách thì nước này đứng vị trí 51, nghĩa là tăng ba bậc.

Campuchia ở vị trí khá lý thú: nếu chỉ xét riêng những nước đã có mặt từ năm 2006 thì Campuchia tăng từ hạng 106 lên 101. Nhưng do danh sách có bổ sung thêm một số nước, mà những nước này lại “chen ngang” vào vị trí cao hơn, nên Campuchia tụt hạng xuống 110.

Malaysia là nước có vị trí sáng giá thứ nhì trong khu vực, với điểm xếp hạng rất đồng đều cho mọi mặt. Nhưng nước này đã tụt từ hạng 19 xuống 21, do bị Hàn Quốc và Bỉ qua mặt.

Như vậy, trong khu vực, ngoài Malaysia thì chỉ còn Việt Nam là tụt hạng rõ rệt nhất.

Cũng có một điểm phụ đáng chú ý trong báo cáo Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Quá trình phát triển được phân làm ba giai đoạn. 131 quốc gia và vùng lãnh thổ được phân vào 5 nhóm: đang ở giai đoạn 1, đang chuyển tiếp lên giai đoạn 2, đang ở giai đoạn 2, đang chuyển tiếp lên giai đoạn 3, và đã ở giai đoạn 3.

Trong khu vực chúng ta, có đến 4 nước vẫn đang ở giai đoạn 1, được coi là giai đoạn thấp nhất của phát triển. Đó là: Campuchia, Indonesia, Philippines, và Việt Nam.

Nguồn: VietnamNet.