VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Chưa xứng tầm như mong đợi

06/08/2010 - 352 Lượt xem

Thiếu bàn tay kết nối...

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh) sau gần 10 năm thành lập, đến tháng 9-2007 đã thu hút hơn 3.000 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, trong đó có hơn 1.800 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 15 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực này đạt xấp xỉ 11%. Theo nhận định của các chuyên gia, sự phát triển này chưa thực sự đạt tầm một đầu tàu phát triển kinh tế quốc gia như mong đợi.

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital đã nêu ra những hạn chế chưa được giải quyết từ nhiều năm qua. Đó là, cơ sở hạ tầng như cảng biển, sân bay, năng lượng… chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, VN cần có nhiều tỷ USD để giải quyết bài toán này. Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh việc cải cách hành chính, song tình trạng trì trệ trong hệ thống quản lý tại các cơ quan chức năng vẫn phổ biến. Dự kiến đến năm 2010, VN sẽ có khoảng 500.000 DN nhưng đến thời điểm này chính phủ vẫn chưa có chiến lược đào tạo lao động bài bản.

Chủ tịch HĐQT Công ty Indochina Land Rick Mayo Smith cũng lo lắng, để giải quyết những tồn tại này thì ngoài quyết tâm của chính phủ cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước!

Đại diện một DN của Mỹ đặt vấn đề, TPHCM đã rút ra bài học gì từ một số nước trong khu vực trong việc đáp ứng tốc độ tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường? Việc hợp tác để bảo vệ môi trường tại TPHCM đang được thực hiện như thế nào? Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân thừa nhận sự quá tải về giao thông đã và đang đe dọa đến chất lượng cuộc sống và tính mạng của người dân. Mới đây, TPHCM cũng đã tổ chức một cuộc tọa đàm nhằm tìm ra biện pháp khắc phục về an toàn giao thông. Dự kiến hết quý 1-2008, TPHCM sẽ giải quyết căn cơ, kịp thời vấn đề này.

Theo đó, TPHCM cũng đang phối hợp để xây dựng dự án bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai và sông Sài Gòn để đảm bảo nguồn nước sạch cho 15 triệu người dân trong vùng. Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, TPHCM cũng đang chú trọng đến việc sản xuất gắn với phát triển kinh tế xanh và sạch. TP cũng cam kết làm hết sức mình vì cuộc sống cộng đồng. Tuy nhiên, TP không thể thực hiện được mục tiêu đặt ra nếu không có sự cộng tác chặt chẽ của các DN trong việc bảo vệ môi trường.

Ngoài những tồn tại nêu trên, theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, sự hợp tác giữa các tỉnh, thành trong vùng chưa chặt chẽ cũng góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả vùng. “Còn thiếu một bàn tay kết nối giữa quy hoạch phát triển, liên kết hạ tầng giao thông có lợi nhất, phối hợp xử lý môi trường và đào tạo lao động…”, ông nói.

Việt Nam - Đầu tư hấp dẫn?

Có khá nhiều DN đến từ Mỹ, Singapore băn khoăn, gần đây một số tờ báo của Mỹ đánh giá rất cao về môi trường đầu tư tại VN. Năm 2007 là thời điểm tốt nhất cho các nhà đầu tư vào VN. Nhưng việc phát triển của các nhà đầu tư nước ngoài tại VN có đúng như báo chí đã viết? Quan điểm của các nhà đầu tư về lĩnh vực bất động sản trong 5 năm tới tại đây sẽ phát triển như thế nào?... Trả lời câu hỏi này, ông Water Blocker, Tổng Giám đốc tập đoàn Gannon VN nói rằng, việc làm ăn của Gannon, đặc biệt là nhà máy sản xuất các loại thực phẩm ở Biên Hòa đang ở vào thời điểm phát triển tốt nhất từ trước đến nay. “Tôi khuyên các nhà đầu tư hãy tìm hiểu kỹ để có thể đầu tư một cách nhanh nhất vào VN” – ông Blocker nói.

Riêng trong lĩnh vực bất động sản, theo nhận định của ông Smith, do đang trong giai đoạn phát triển “nóng” nên VN hiện không còn lợi thế là trung tâm cho việc đầu tư giá thấp nữa. Giá thuê một căn hộ hiện đã ngang bằng với Bangkok và Malaysia và đắt gấp 2-3 lần so với các thành phố khác trong khu vực.

Nguyên nhân chính là mức cầu tại VN đang vượt cung. Điều này sẽ tạo lợi thế cho các DN có ý định đầu tư vào lĩnh vực này, bởi lẽ thu nhập của người dân ngày càng tăng nên nhu cầu về nhà ở chất lượng cao cũng tăng mạnh. Trong 5 năm tới thị trường bất động sản của VN sẽ còn sôi động và phát triển.

Làm gì để VN tiếp tục là địa điểm đầu tư hấp dẫn? Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Đức Hòa cho rằng, kế hoạch 2006-2010, VN sẽ huy động khoảng 150 tỷ USD cho đầu tư phát triển. Chính phủ VN cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, thông qua các giải pháp tạo sự minh bạch và thông thoáng; xóa bỏ rào cản thương mại, tiến tới công khai lộ trình mở cửa thị trường.

Ngoài ra, thực hiện các giải pháp mạnh nhằm cải cách thủ tục hành chính và tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc củng cố hệ thống giáo dục, đào tạo và dạy nghề, đến năm 2010 đưa tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 40% tổng số lao động toàn xã hội…  

Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch-Đầu tư:
Lập ngay trung tâm giới thiệu dự án đầu tư vùng

Hội nghị cho thấy, VN vẫn là địa chỉ hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là VN đã vượt qua Ấn Độ, trong việc thu hút vốn đầu tư. Điều đáng tiếc, chúng ta vẫn chưa có sự gắn kết để phát triển kinh tế vùng, kêu gọi đầu tư hiệu quả. Theo tôi, đầu năm 2008 cần phải thành lập ngay một trung tâm giới thiệu chi tiết các dự án đầu tư của vùng. Các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu, chỉ cần thông qua trung tâm là có thể có đầy đủ thông tin về các dự án...

Ông David Morton, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC:
VN đang có nhiều lợi thế

Ngoài yếu tố về ổn định chính trị, trong năm 2007 VN đang có được hàng loạt các lợi thế để thu hút các nhà đầu tư. Đó là việc VN trở thành thành viên của WTO, rồi mới đây là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc… Dân trí cao và lao động giá rẻ là điều kiện tốt để đảm bảo cho hấp lực VN. Tuy vậy, VN đang bộc lộ một số điểm yếu cần phải khắc phục sớm như cơ sở hạ tầng, năng lượng; đẩy mạnh việc cải cách hành chính để giảm thiểu sự phiền hà cho DN.

Nguồn: SGGP